Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bạn đã biết rõ các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa?

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạn có biết các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? Bạn nên hướng dẫn bé rửa tay như một thói quen để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tiếp xúc. Nhà thuốc Long Châu sẽ chỉ cho bạn các bước rửa tay cho trẻ mầm non trong bài viết dưới đây.

Trẻ em sinh ra không biết cách rửa tay nên người lớn cần phải hướng dẫn cho trẻ từng bước. Xét cho cùng, rửa tay là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ con bạn và cả gia đình bạn khỏi mắc các bệnh lây nhiễm. Vậy các bước rửa tay cho trẻ mầm non như thế nào?

Tại sao phải rửa tay?

Không có thời điểm nào là hoàn hảo để bắt đầu dạy trẻ rửa tay. Thay vào đó, rửa tay nên là thói quen mà cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc sớm và thường xuyên. Điều đó có nghĩa là một đứa trẻ từ 2 tuổi có thể được dạy để nhận ra tầm quan trọng của việc rửa tay. Trong độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi, hầu hết trẻ em đều có thể tự mình rửa tay.

Bạn đã biết rõ các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? 2
Bạn có thể bắt đầu thực hành các bước rửa tay cho trẻ mầm non ở bé có bất kỳ độ tuổi nào

Rửa tay có thể giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy. Vi khuẩn, vi rút, vi nấm,... có thể lây lan từ người sang người hoặc từ bề mặt sang người khi bạn:

  • Chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch;
  • Chuẩn bị hoặc ăn thức ăn và đồ uống khi tay chưa rửa sạch;
  • Chạm vào bề mặt hoặc đồ vật có vi khuẩn trên đó;
  • Xì mũi, ho hoặc hắt hơi vào tay rồi chạm tay vào đồ vật của người khác.

Bạn nên biết rằng các bước rửa tay cho trẻ mầm non rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cho trẻ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến cáo rằng rửa tay đúng cách có thể ngăn ngừa khoảng 33% các bệnh liên quan đến tiêu chảy và 1 trong 5 bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: Bệnh tay chân miệng, cảm lạnh thông thường và cúm.

Ngoài ra CDC cũng khuyến nghị bạn nên rửa tay kỹ trong ít nhất 20 giây bằng nước sạch và xà phòng.

Các bước rửa tay cho trẻ mầm non

Bạn đã biết các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? Có năm bước dễ hiểu cần thực hiện để đảm bảo bàn tay sạch sẽ. Bạn sẽ dễ dàng hướng dẫn bé các bước rửa tay cho trẻ mầm non bằng cách chia nhỏ như sau:

  • Bước 1: Làm ướt tay. Mở vòi và để tay trẻ ướt. Có thể sử dụng nước ấm hoặc nước lạnh đều được vì điều này không quan trọng trong việc làm sạch. Cho nên với nhà có vòi nước nóng lạnh bạn nên để nước ở phía mát hơn để trẻ không bị bỏng da tay.
  • Bước 2: Lấy xà phòng. Tất cả các dạng của xà phòng đều có tác dụng loại bỏ tác nhân gây bệnh rất tốt. Vì vậy hãy chọn bất cứ loại xà phòng nào dễ dàng nhất cho con bạn. Có một số khuyến nghị là nên bỏ qua xà phòng kháng khuẩn. Bởi vì có các nghiên cứu cho thấy rằng không có lợi ích bổ sung nào nhưng cộng thêm các hóa chất của xà phòng có thể làm cho da của trẻ trở nên thô ráp. Đặc biệt với những trẻ có da nhạy cảm thì càng dễ làm trẻ dễ mẩn đỏ, dị ứng.
  • Bước 3: Chà bàn tay. Chỉ với xà phòng và nước thôi là chưa đủ để hoàn thành việc diệt khuẩn. Điều quan trọng là phải cho bé chà tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, giữa các ngón tay trong ít nhất 20 giây. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng trẻ có xu hướng tập trung chà vào lòng bàn tay nhưng thường bỏ qua cổ tay và ngón cái.
  • Bước 4: Rửa sạch. Cho bé giữ tay dưới vòi nước sạch đang chảy. Chà xát chúng để rửa sạch hoàn toàn xà phòng trên tay.
  • Bước 5: Lau khô tay. Tất cả các cách làm khô tay hiệu quả như: Khăn giấy, máy sấy không khí trong phòng tắm công cộng và khăn vải sạch đều có thể được áp dụng. Vì vi khuẩn dễ lây lan hơn khi tay ướt nên hãy đảm bảo tay chân của bé khô hoàn toàn. Ngoài ra nếu sử dụng khăn giấy làm khô tay nên sử dụng khăn giấy dùng 1 lần, không sử dụng lại.
Bạn đã biết rõ các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? 4
Thực hiện 5 bước rửa tay đơn giản cho bé dễ nhớ

Các thời điểm quan trọng để rửa tay

Bạn nên khuyến khích bé rửa tay suốt cả ngày nhưng cha mẹ nên nhấn mạnh những thời điểm này là thời điểm tốt nhất:

  • Trước khi ăn bữa chính hoặc bữa ăn nhẹ;
  • Sau khi sử dụng phòng tắm;
  • Sau khi chơi ngoài trời;
  • Sau khi vuốt ve bất kỳ con vật nào;
  • Sau khi cho thú cưng ăn;
  • Sau khi dùng tay che miệng khi hắt hơi hoặc ho;
  • Sau khi chạm vào rác;
  • Khi thấy tay bẩn hoặc dính dầu mỡ;
  • Sau khi chạm tay, cầm nắm các đồ vật nơi công cộng như: Tay nắm cửa, xe đẩy hàng.

Ngoài ra đối với cha mẹ, việc rửa tay cũng rất quan trọng ở các thời điểm như:

  • Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn;
  • Trước và sau khi chăm sóc người bệnh bị nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Trước và sau khi điều trị vết thương;
  • Sau khi thay tã;
  • Sau khi vệ sinh cho trẻ đã đi vệ sinh;
  • Sau khi dọn vệ sinh cho thú cưng.

Một số phương pháp khuyến khích trẻ mầm non rửa tay

Để cho việc thực hiện các bước rửa tay cho trẻ mầm non hiệu quả, bạn nên áp dụng một số biện pháp sau:

Giải thích lý do tại sao rửa tay cho bé

Hãy giải thích cho bé rằng rửa tay giúp ngăn ngừa bệnh cho bản thân và ngăn lây lan cho người khác. Nhưng tại sao? Hãy nói với bé rằng có những sinh vật cực siêu nhỏ được gọi là vi khuẩn bám vào tay sau khi chúng ta làm những việc như: Đi vệ sinh, nghịch đất hoặc hắt hơi.

Chúng ta cần phải rửa sạch những vi khuẩn đó vì chúng có thể khiến bé bị bệnh. Khi đó bé sẽ nằm mệt mỏi ở nhà và bỏ lỡ nhiều niềm vui khác. Bạn cũng có thể cho bé xem hình các vi khuẩn gây bệnh để bé thấy mình cần thiết loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể.

Bạn đã biết rõ các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? 3
Bé cần hiểu được lý do tại sao phải rửa tay

Trở thành hình mẫu cho bé

Trẻ em thường nhìn vào những gì người lớn xung quanh làm để đặt ra tiêu chuẩn. Bằng cách rửa tay thường xuyên trong ngày, bạn đã trở thành một tấm gương cho trẻ noi theo. Để giúp bé hiểu được khái niệm “rửa tay là quan trọng”, hãy kể lại cho con bạn khi nào và tại sao bạn rửa tay. Ví dụ: “Mẹ rửa tay trước khi làm bữa tối” hoặc “Con vừa dọn hộp đựng rác nên con cần rửa tay ngay.”

Bố trí lại chỗ rửa tay cho bé

Đặt thêm cái ghế nhỏ để bé có thể đứng rửa tay thoải mái. Bạn cũng lưu ý vị trí đặt xà phòng cho bé dễ dàng với tới nhé. Ngoài ra để đảm bảo bé rửa tay đủ 20 giây, hãy đặt thêm đồng hồ bấm giờ ngay chỗ rửa tay với thời gian cài đặt sẵn 20 giây.

Tạo niềm vui cho bé khi rửa tay

Bạn có thể cùng hát 2 lần bài "happy birthday" để đủ 20 giây rửa tay. Bất kì bài hát nào cũng có thể áp dụng được để bé cảm thấy hào hứng, không nhàm chán khi rửa tay. Bạn nên mua hộp đựng xà phòng hình hoạt hình để bé thấy thú vị hơn.

Như vậy, qua bài viết trên bạn đã biết rõ các bước rửa tay cho trẻ mầm non chưa? Hầu hết trẻ con đều học rất nhanh nên bạn đừng quá lo lắng sẽ mất rất nhiều thời gian dạy dỗ. Quan trọng là bé hiểu được lý do tại sao phải rửa tay và cảm thấy vui mỗi khi rửa tay thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chúc gia đình bạn luôn mạnh khỏe.

Xem thêm: Các bước rửa tay đúng cách theo Bộ Y tế khuyến cáo

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Từ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin