Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Băng huyết sau sảy thai có nguy hiểm không?

Ngày 16/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Băng huyết sau sảy thai là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ trên toàn thế giới. Vậy đâu là dấu hiệu của tình trạng này và cần xử lý ra sao nếu không may sản phụ bị băng huyết?

Băng huyết sau sảy thai là hiện tượng bất cứ chị em nào cũng có thể gặp phải mặc dù không hề mong muốn. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm và nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí là gây tử vong.

Băng huyết sau sảy thai là gì?

Hiện tượng băng huyết sau khi sảy thai là tình trạng chảy máu ở bộ phận sinh dục nữ với số lượng lớn. Lượng máu mất đi được xác định là 1000ml trong vòng 24 giờ sau khi sinh hoặc sảy thai. Hiện tượng băng huyết còn có thể xuất hiện sau khi sinh con hoặc sau khi bỏ thai.

Đây có thể coi là một trong những biến chứng sản khoa nặng nề nhất và gây tử vong hàng đầu. Tỷ lệ sản phụ tử vong do băng huyết chiếm đến 25% các ca tử vong sản khoa. Chính vì thế, cần hết sức chú ý theo dõi sản phụ để tránh biến chứng này.

Băng huyết sau sảy thai có nguy hiểm không? 1 Băng huyết sau sảy thai là biến chứng nguy hiểm

Dấu hiệu băng huyết sau sảy thai

Sảy thai là thuật ngữ mô tả việc thai nhi rời khỏi tử cung của mẹ khi chưa hình thành và phát triển đầy đủ.

Thai phụ khi sảy thai nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng, một trong những biến chứng thường gặp nhất có thể kể đến là băng huyết. Dấu hiệu dễ nhận biết của băng huyết là chảy máu ồ ạt khiến sản phụ mất máu quá nhiều, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh chảy máu nhiều, sản phụ bị băng huyết có thể xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo sớm như:

  • Đau bụng dữ dội nhiều ngày.
  • Máu ra nhiều, có thể lẫn từng cục máu đông.
  • Tử cung mềm nhão, to ngang.
  • Thai phụ nhìn sắc mặt xanh xao, mệt mỏi do mất máu, cảm giác choáng váng, thậm chí ngất xỉu, cơ thể toát mồ hôi lạnh.
Dấu hiệu băng huyết sau sảy thai Dấu hiệu băng huyết sau sảy thai

Nguyên nhân gây băng huyết sau sảy thai

Sau khi sảy thai, tử cung sẽ co bóp để đẩy nhau thai đang bong dở ra ngoài. Khi nhau được đưa ra ngoài, sản phụ sẽ có những cơ co thắt gây áp lực lên mạch máu để hạn chế chảy máu. Tuy nhiên, nếu tử cung co bóp không đủ mạnh sẽ khiến máu chảy liên tục không dừng được. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết sau sảy thai.

Băng huyết sau sảy thai khiến cho người phụ nữ rơi vào trạng thái nguy kịch. Lúc này cần nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện cấp cứu, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu không may bị sảy thai, sản phụ sẽ được bác sĩ dùng thủ thuật để lấy sạch nhau thai. Tiếp đó tiêm oxytocin để co hồi tử cung chống chảy máu. Vì thế, nếu trong quá trình làm thủ thuật không nạo sạch nhau thai sẽ khiến bệnh nhân bị chảy máu kéo dài. Máu chảy ra sẽ có mùi hôi, đau bụng dữ dội, sốt cao và nhiễm trùng.

Băng huyết sau sảy thai có nguy hiểm không? 3 Nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sảy thai

Phải làm sao nếu bị băng huyết sau sảy thai?

Việc đầu tiên khi nghi ngờ dấu hiệu băng huyết là cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế. Tuy nhiên với những trường hợp sản phụ ở xa trung tâm và chưa thể đến bệnh viện ngay được thì cần biết cách cầm máu tạm thời. Cụ thể:

  • Để sản phụ nằm yên tĩnh trên giường và khép hai chân lên nhau. Không để sản phụ gối đầu và tuyệt đối không cử động mạnh.
  • Sản phụ cần được nằm ở phòng riêng, bảo đảm yên tĩnh và thoáng khí mát mẻ.
  • Có thể áp dụng bài thuốc sau để giúp cầm máu khi chờ đến cơ sở y tế: Dùng một ít gương sen và lá kinh giới rang cháy, sau đó tán nhỏ rồi thêm 2 thìa nhỏ nước để uống.

Chăm sóc sản phụ khi băng huyết sau sảy thai như thế nào?

Sảy thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ mà còn làm tổn thương rất lớn về mặt tinh thần. Chính vì thế, cần đặc biệt chú trọng đến công tác chăm sóc và phục hồi sau khi sảy thai.

Chú trọng hơn trong dinh dưỡng

Sau khi sảy thai, cần chú trọng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể người bệnh sớm phục hồi. Nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt bò, gà, heo, các loại đậu để bổ sung lại lượng máu đã mất. Ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, magie như cá, chuối, rau xanh. Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm vitamin C để giúp tăng cường đề kháng.

Băng huyết sau sảy thai có nguy hiểm không? 4 Sau sảy thai cần chú ý bổ sung dinh dưỡng

Ngoài ra, sau khi sảy thai người bệnh nên tránh ăn những đồ ăn có tính hàn, tanh như cua, ốc, mực…vì những loại thực phẩm này dễ gây dị ứng. Sản phụ bị băng huyết sau sảy thai cũng nên tránh những thức ăn cay nóng, chất kích thích như bia rượu. Những chất này dễ gây tổn thương sâu bên trong cơ thể phụ nữ như sưng tấy, đau tử cung…

Kiêng quan hệ tình dục

Sau khi sảy thai cần kiêng chuyện “yêu” một thời gian nhất định. Tùy vào thể trạng mỗi người mà thời gian kiêng cữ khác nhau, nhưng ít nhất cũng nên kiêng tối thiểu 3 tuần đến khi hết sạch máu và dịch. Với trường hợp sảy thai khi thai đã lớn thì nên tránh quan hệ ít nhất 6 tuần.

Lý do cần kiêng quan hệ là vì âm đạo của phụ nữ lúc này còn chưa được bình phục và khỏe mạnh.

Không nên vận động mạnh

Tuyệt đối tránh các hoạt động cần mang vác nặng hay phải ngồi xổm như xách nước, lau nhà hay giặt đồ bằng tay. Thay vào đó chỉ nên vận động đi lại nhẹ nhàng để cơ thể đào thải toàn bộ máu huyết ứ đọng đồng thời cho cơ thể thoải mái hơn. Thời điểm sau khi sảy thai chị em cũng không nên tập thể dục.

Giữ cho tâm trạng thoải mái

Trong giai đoạn này, người phụ nữ thường bị suy sụp về cả thể chất lẫn tinh thần. Đây chính là lúc người bệnh cần đến sự quan tâm an ủi nhất từ gia đình, đặc biệt là người chồng. Chính vì thế, hãy luôn ở bên và động viên, khích lệ để người bệnh sớm vượt qua nỗi buồn khi mất đi thiên thần nhỏ.

Bản thân sản phụ sau khi sau thai cũng không nên suy nghĩ quá nhiều, giữ tâm trạng thoải mái để sớm khỏe mạnh.

Băng huyết sau sảy thai là điều mà không chị em nào muốn mình gặp phải. Tuy nhiên, nếu như xảy ra sự cố không may này thì mong chị em hãy sớm vượt qua nỗi đau cũng như có kinh nghiệm cho lần mang bầu sắp tới.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm