Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bánh nhau thai là gì và 5 bệnh lý bánh nhau thường gặp

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ

Bánh nhau đóng vai trò quan trọng trong thai kỳ, là cầu nối truyền dinh dưỡng, oxy từ cơ thể mẹ đến cho bé và còn là trung gian vận chuyển chất thải từ cơ thể bé ra ngoài. Vì vậy việc tìm hiểu kiến thức bệnh lý tại nhau thai là rất quan trọng, để kịp thời biết cách phòng ngừa.

Bánh nhau là thành phần rất quan trọng, tham gia vào sự hình thành và phát triển của thai nhi. Chính vì thế, các bệnh lý tại bánh nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé, đe dọa việc phải chấm dứt thai kỳ sớm.

Bệnh lý bánh nhau là gì?

Bệnh lý bánh nhau liên quan đến việc nhau thai ở vị trí bất thường. Nhau thai nằm lệch chỗ, bám quá sâu vào thành tử cung gây ra những bệnh lý nguy hiểm, có thể được chẩn đoán qua siêu âm thai kỳ. Bình thường, nhau thai sẽ bám ở đáy hoặc mặt bên thân tử cung, có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và oxy từ cơ thể người mẹ đến nuôi thai nhi.

Bánh nhau có cấu trúc giàu mạch máu, liên kết tử cung với thai nhi thông qua dây rốn. Bên cạnh chức năng chuyên chở oxy và dinh dưỡng, bánh nhau còn đóng vai trò bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng và sản xuất nội tiết tố cần thiết cho sự phát triển.

Bánh nhau 01
Bánh nhau giúp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ đến thai nhi

5 bệnh lý nhau thai thường gặp nhất

Các bất thường của bánh nhau trong thai kỳ, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Bánh nhau ở vị trí bất thường có thể là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng như thai nhi chậm phát triển, khó sinh, sảy thai,... Một số bệnh lý bánh nhau thường gặp có thể kể đến như:

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ bên trong tử cung của người mẹ. Nhau tiền đạo là bệnh lý nhau thai phổ biến, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.

Nguyên nhân gây ra nhau tiền đạo vẫn chưa được biết rõ. Tuy vậy, có một số nguyên nhân được cho là làm tăng nguy cơ thai phụ bị nhau tiền đạo, ví dụ như tử cung dị dạng, có sẹo tử cung, tiền sử mổ lấy thai, sản phụ có bệnh u xơ tử cung, sản phụ lớn tuổi,...

Nhau tiền đạo có thể quan sát thấy sớm trong thai kỳ thông qua siêu âm, trong nhiều trường hợp khi thai lớn lên theo thời gian cùng với tử cung, sẽ đẩy bánh nhau lên cao hơn, đây gọi là chuyển dịch bánh nhau.

Bánh nhau 02
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ tử cung

Rau tiền đạo có thể làm thai phụ chảy máu trước sinh. Vì vậy, tình trạng này cần được chẩn đoán sớm và có kế hoạch chủ động sinh mổ, nếu nhau tiền đạo vẫn còn tại thời điểm quý 3 của thai kỳ.

Bên cạnh đó, để hạn chế chảy máu lúc mang thai, bác sĩ sẽ tư vấn bạn nên tránh các hoạt động có thể gây ra co thắt tử cung. Các hoạt động này bao gồm thụt rửa, quan hệ tình dục và một số hoạt động làm tăng rủi ro chảy máu (như ngồi xổm, chạy, nhảy,...).

Nhau bong non

Nếu thai kỳ diễn ra bình thường, sau khi người mẹ sổ thai, bánh nhau sẽ theo đó mà bong ra. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân bất thường nào đó mà bánh nhau bong tróc hoặc tách hoàn toàn khỏi tử cung trước khi chuyển dạ xảy ra, được gọi là nhau bong non. Bánh nhau là cầu nối vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang bé, do vậy nếu nhau bong non sẽ rất nguy hiểm. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thai nhi và trẻ sơ sinh, với tỷ lệ ghi nhận khoảng 1/100 trong số các thai phụ.

Tình trạng nhau bong non dễ làm thai nhi tử vong, nếu tuổi thai còn non chưa phát triển đầy đủ hoặc thai phụ không được cấp cứu sớm. Nghiêm trọng hơn, thai phụ nếu không được cấp cứu kịp thời còn đối diện với nguy cơ xuất huyết, máu máu nhiều và chảy máu trong ổ bụng, dẫn đến tử vong.

Nhau cài răng lược

Bình thường, sau khi sổ thai, bánh nhau sẽ tự động bong tróc và nhờ lực co bóp của tử cung tống ra ngoài. Tuy nhiên có thể xảy ra trường hợp bất thường là một phần hoặc toàn bộ nhau thai không bong ra mà vẫn dính chặt, ảnh hưởng đến tử cung và các cơ quan trong ổ bụng. Tình trạng vừa nêu phía trên được gọi là nhau cài răng lược.

Thai phụ bị nhau răng lược có thể có đối diện với nguy cơ biến chứng như sinh non, xuất huyết nặng, suy thận, suy hô hấp,... Trong trường hợp này thai phụ cần phải được tiến hành sinh mổ và tiến hành loại bỏ bánh nhau ra ngoài.

Sót nhau

Sót nhau được xác định khi nhau thai không tống xuất ra khỏi tử cung hoàn toàn từ 30 phút sau sinh, đây là tình trạng tương đối hiếm gặp. Sót nhau sau sinh thường gặp ở sản phụ có bệnh lý tử cung, người mẹ nạo phá thai nhiều lần hoặc tử cung dị dạng. Thêm nữa, nếu người mẹ sinh mổ sẽ có nguy cơ bị sót nhau nhiều hơn, so với khi sinh thường qua ngả âm đạo. Nếu không can thiệp lấy sạch nhau khỏi tử cung kịp thời, có nguy cơ thai phụ bị dính buồng tử cung, làm giảm chức năng sinh sản. Nặng hơn có thể làm nhiễm trùng hoặc biến chứng tử vong.

Biểu hiện khi sản phụ sót nhau là ra máu bất thường. Bác sĩ chuyên khoa sản cũng rất cẩn trọng, vì sót nhau rất dễ nhầm lẫn với sản dịch sau sinh. Thường thì, người mẹ sau khi sinh có thể tiết dịch hoặc máu kéo dài 1 tháng. Tuy nhiên, khi bị sót nhau thai, sản phụ sẽ bị ra huyết nhiều hơn bình thường, có màu đen và mùi hôi khó chịu, kèm theo một số triệu chứng như đau bụng âm ỉ với tần suất liên tục, sốt, mệt mỏi, choáng váng vì thiếu máu và tử cung đàn hồi kém.

Bánh nhau 03
Thai phụ sinh mổ có nguy cơ bị sót nhau nhiều hơn sinh thường

Phù nhau thai

Kích thước bánh nhau trung bình được ghi nhận là từ 2 đến 4 cm và nặng khoảng từ 400 đến 600 gram. Tuy nhiên, một số trường hợp bánh nhau được phát hiện có kích thước bất thường, có thể tăng gấp đôi hoặc hơn, được gọi là tình trạng phù nhau thai.

Tình trạng phù nhau thai có nguyên nhân là do tích tụ quá nhiều nước, làm tăng về cả kích thước và độ dày của nhau thai. Điều này rất nguy hiểm, vì nó làm giảm hiệu suất hoạt động của bánh nhau, từ đó làm suy giảm nồng độ oxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi thai nhi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý nhau thai

Mang thai là hành trình quan trọng và thiêng liêng trong cuộc đời người phụ nữ. Chính vì thế, để trải qua một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần thăm khám thai định kỳ thường xuyên. Bên cạnh đó là lắng nghe cơ thể, đến viện thăm khám ngay khi có các dấu hiệu dưới đây:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường. Đối với tình trạng nhau cài răng lược, chảy máu âm đạo thường thấy ở kỳ tam cá nguyệt thứ 3.
  • Đau bụng đột ngột không rõ nguyên nhân, đau dữ dội và kéo dài.
  • Nhịp thai bất thường.
  • Bụng bầu có dấu hiệu căng cứng, người mẹ có thể choáng váng và ngất xỉu.
  • Có cơn gò tử cung.
Bánh nhau 04
Mẹ bầu nên lắng nghe cơ thể mình để nhanh chóng nhận ra dấu hiệu bất thường

Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin về 5 bệnh lý bánh nhau thường gặp cũng như cách nhận biết bất thường của cơ thể người mẹ trong thai kỳ. Để đảm bảo cả mẹ và bé trải qua thai kỳ khỏe mạnh và chất lượng nhất, việc tìm hiểu kiến thức khi mang thai là rất cần thiết. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên đến bác sĩ thăm khám thai định kỳ đúng hẹn, nhằm phát hiện sớm các bất thường nếu có.

Xem thêm:

Gợi ý mẹ bầu tư thế nằm khi bị nhau tiền đạo

Nhau bám thấp thường tới tuần bao nhiều thì hết?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin