Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh phải làm sao?

Ngày 24/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mùa hè là thời điểm mà nhiều bé bị nghẹt mũi do sử dụng máy lạnh không đúng cách. Vậy cách xử lý như thế nào là khoa học, làm sao để bé dễ chịu hơn? Dưới đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ và bình tĩnh hơn khi gặp hiện tượng bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh.

Do sức đề kháng còn yếu, cộng với những tác động khó thích nghi từ bên ngoài, khiến tình trạng bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh xuất hiện khá phổ biến vào mùa hè. Nếu không có những bước xử lý kịp thời, hệ hô hấp của bé sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn để biết cách phòng ngừa và điều trị phù hợp bạn nhé!

Dấu hiệu nhận biết bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh

Một số biểu hiện sau đây thì nhiều khả năng bé đã bị nhiễm bệnh do máy lạnh:

  • Nghẹt mũi: Bé có thể bị nghẹt 1 hoặc cả 2 bên mũi gây khò khè, khó thở, thậm chí nhiều bé còn phải thở bằng miệng chứ không thể thở bằng mũi. 
  • Hắt hơi: Không chỉ nghẹt mũi, bé còn có thể gặp tình trạng hắt hơi liên tục, do luồng khí lạnh từ điều hòa gây kích ứng, tạo thành phản xạ hắt hơi.
  • Sổ mũi, chảy nước mũi: Khi niêm mạc của bé bị sưng viêm, phù nề thì bé có thể sẽ gặp tình trạng nước mũi màu vàng đục, nếu nhẹ hơn thì nước mũi bé sẽ trong nhưng vẫn gây khó chịu cho bé.
  • Ho nhiều, đau họng: Khi nghẹt mũi, bé có thiên hướng thở bằng miệng, do đó khí lạnh càng làm cho họng khô, đau rát, gây ho. Thậm chí nhiều trường hợp nặng bé còn có thể bị viêm đường hô hấp trên.
be-bi-nghet-mui-khi-ngu-may-lanh-1.jpg
Bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh sẽ cảm thấy rất khó chịu 

Tại sao bé ngủ máy lạnh dễ bị nghẹt mũi?

Khi trời nắng nóng, máy lạnh sẽ giúp bé ngủ ngon giấc hơn. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì đây cũng chính là “thủ phạm” gây bệnh cho bé. Vậy nguyên nhân nào bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh? Các chuyên gia chỉ ra các lý do thường gặp như sau:

Độ ẩm không khí trong phòng giảm

Máy lạnh hoạt động theo cơ chế đưa luồng không khí đi qua bộ phận làm lạnh, sau đó hơi ẩm trong không khí gặp nhiệt độ thấp sẽ hóa lỏng và đi ra ngoài theo hệ thống xả của ống nước. Đó là lý do tại sao khi chúng ta bật máy lạnh thì không khí trong phòng sẽ bị khô, dẫn đến các vấn đề hô hấp thường gặp, trong đó có việc trẻ bị nghẹt mũi. 

Gió điều hòa phả thẳng vào người bé

Đây là nguyên nhân phổ biến mà nhiều gia đình gặp phải khi chọn vị trí nằm cho bé hoặc vị trí lắp đặt máy lạnh không phù hợp. Nhất là khi máy lạnh để ở chế độ quạt gió và hướng gió thổi thẳng vào người bé thì rất dễ sinh bệnh.

Không vệ sinh máy lạnh định kỳ

Nếu không vệ sinh máy lạnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất, rất có thể bộ phận lọc không khí sẽ bị ẩm mốc và bám bụi. Do đó, khi bạn bật máy lạnh thì bụi bẩn, vi khuẩn cũng theo luồng không khí phát tán khắp phòng, khiến bé bị nghẹt mũi.

Phòng bí, không thông thoáng

Nếu bạn thường xuyên đóng kín cửa phòng, không có lỗ thông gió thì cũng khiến việc lưu thông không khí bị cản trở, từ đó dễ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn gây nghẹt mũi.

be-bi-nghet-mui-khi-ngu-may-lanh-2.jpg
Có nhiều nguyên nhân khiến bé khi nghẹt mũi khi nằm trong phòng máy lạnh 

Bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh phải làm sao?

Nếu bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh, bạn cần thực hiện các bước theo chỉ dẫn sau đây:

Chăm sóc bé đúng cách

Bé bị nghẹt mũi sẽ có cảm giác khó chịu, quấy khóc, bạn hãy rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Đây là sản phẩm có tác dụng làm sạch bụi bẩn, tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa tình trạng viêm mũi khá hiệu quả. 

Không những vậy, loại dung dịch này còn có khả năng làm loãng dịch nhầy trong mũi, giúp bé dễ thở hơn. Đây là cách trị nghẹt mũi cho bé về đêm mà nhiều bậc phụ huynh áp dụng. Nước muối sinh lý khá an toàn, do đó bạn có thể sử dụng cả trong trường hợp bé sơ sinh bị nghẹt mũi.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại xịt khoáng chuyên biệt dành cho trẻ em giúp bé hạn chế được tình trạng nằm điều hòa bị nghẹt mũi. Bên cạnh đó, bạn cũng lưu ý cho bé uống đủ nước để hạn chế mất nước nhé!

Đây là những giải pháp trước mắt để giúp bé giảm khó chịu. Nếu trong vòng 2 - 3 ngày, tình trạng nghẹt mũi của bé không thuyên giảm, bé có những triệu chứng đi kèm nặng hơn thì bạn hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời nhé! 

be-bi-nghet-mui-khi-ngu-may-lanh-3.jpg
Nhỏ nước muối sinh lý giúp bé dễ chịu hơn 

Điều chỉnh cách dùng máy lạnh hợp lý

Bên cạnh việc chăm sóc bé đúng cách thì việc quan trọng khác là phải điều chỉnh cách dùng máy lạnh hợp lý. Trong những ngày hè nắng nóng, việc tắt hẳn máy lạnh sẽ khiến bé khó chịu. Đây cũng là giải pháp không cần thiết, bạn có thể thực hiện điều chỉnh như sau:

Không bật máy lạnh 24/24: Khi máy lạnh bật liên tục, cửa đóng thường xuyên sẽ khiến không khí trong phòng bị tù đọng, gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ. Do đó, bạn nên tắt điều hòa ít nhất 2 lần trong ngày, sau khi tắt nhớ mở hết tất cả các cửa trong phòng, có thể sử dụng thêm quạt để không khí tù đọng thoát được ra ngoài. Cách làm này còn giúp phòng ngủ đón được ánh nắng, tiêu diệt vi khuẩn và ẩm mốc. 

Sử dụng máy tạo ẩm: Sử dụng máy lạnh sẽ khiến không khí trong phòng bị khô. Do đó, bạn nên cải thiện tình trạng này bằng cách sử dụng thêm thiết bị tạo độ ẩm giúp hơi nước khuếch tán trong không khí, tránh việc bé bị nghẹt mũi. 

Không để gió máy lạnh phả thẳng vào bé: Như đã phân tích ở trên, gió điều hòa phả thẳng trực tiếp vào người bé sẽ làm gia tăng các bệnh về hô hấp ở trẻ. Vì thế, bạn hãy để trẻ nằm chếch so với hướng gió máy lạnh hoặc lắp điều hòa ở vị trí thích hợp, tránh gây cho bé khó chịu nhé!

Như vậy, với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bé bị nghẹt mũi khi ngủ máy lạnh, nguyên nhân cũng như cách khắc phục hiệu quả. Bạn hãy nắm vững những thông tin kiến thức này để giúp bé và cả nhà sử dụng máy lạnh hiệu quả trong mùa hè, đồng thời đảm bảo sức khỏe nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm