Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi? Những điều cha mẹ nên biết

Thục Hiền

15/03/2025
Kích thước chữ

Nghẹt mũi là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ khiến bé khó thở, quấy khóc và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nghẹt mũi, đôi khi nghẹt mũi còn xuất phát từ những yếu tố ít ai ngờ tới khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng và “Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vậy làm thế nào để giúp bé giảm nghẹt mũi và hô hấp dễ dàng hơn? Bố mẹ có thể áp dụng những biện pháp nào để phòng tránh tình trạng này? Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ và những phương pháp khắc phục hiệu quả, giúp bé luôn khỏe mạnh và thoải mái.

Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi?

Thời tiết thay đổi đột ngột

Khi trời trở lạnh, đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ giảm làm đường hô hấp của trẻ dễ bị kích thích, dẫn đến nghẹt mũi. Tình trạng này thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc những ngày thời tiết chuyển mùa.

Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi: Những điều cha mẹ nên biết 1
Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi?

Nhiễm virus và vi khuẩn

Cảm lạnh và cúm là nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi ở trẻ. Virus cảm lạnh thường khiến bé bị nghẹt mũi kèm theo ho, hắt hơi và sốt nhẹ, trong khi cúm có thể gây thêm các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức cơ thể và chán ăn.

Tiếp xúc với môi trường mới

Trẻ bắt đầu đi học hoặc đến những nơi đông người có thể dễ mắc các bệnh về đường hô hấp do tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh. Việc thay đổi môi trường cũng làm hệ miễn dịch của trẻ chưa kịp thích ứng, dẫn đến nghẹt mũi và các triệu chứng hô hấp khác.

Viêm mũi dị ứng

Một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với phấn hoa, khói bụi, lông động vật hoặc thời tiết thay đổi có thể bị viêm mũi dị ứng. Tình trạng này thường đi kèm với nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong và ngứa mắt.

Dị vật trong mũi

Trẻ nhỏ có thể vô tình đưa đồ chơi hoặc vật lạ vào mũi khi chơi đùa, gây nghẹt mũi một bên, khó thở hoặc thậm chí viêm nhiễm. Nếu cha mẹ nghi ngờ bé bị mắc dị vật trong mũi, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Phương pháp cải thiện tình trạng nghẹt mũi ở trẻ

Dùng dụng cụ hút dịch mũi cho trẻ

Sử dụng dụng cụ hút dịch mũi đúng cách có thể giúp loại bỏ dịch nhầy, làm thông thoáng đường thở và giúp bé dễ thở hơn.

Trước khi hút dịch mũi, cha mẹ cần rửa tay sạch, lắp ống hút vào bóng hút mũi và nhỏ 1-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé. Đợi khoảng 20 giây để dịch nhầy loãng ra, sau đó bóp chặt bóng hút, nhẹ nhàng đưa vào mũi bé và thả bóng để hút dịch ra ngoài.

Sau khi hút, cần vệ sinh dụng cụ hút sạch sẽ và không nên lạm dụng phương pháp này quá nhiều lần trong ngày để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Nếu bé nghẹt mũi kéo dài kèm theo sốt, ho, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn kịp thời.

Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi: Những điều cha mẹ nên biết 2
Sử dụng dụng cụ hút dịch mũi giúp làm thông thoáng đường thở cho trẻ

Áp dụng các biện pháp tại nhà

Nghẹt mũi có thể gây khó chịu cho trẻ, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi, để giúp bé dễ thở hơn, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà dưới đây:

  • Xông hơi mũi là một trong những cách tự nhiên giúp làm loãng dịch nhầy và làm thông thoáng đường thở. Cha mẹ có thể để bé hít hơi nước nóng từ một bát nước hoặc tắm nước ấm trong phòng kín hơi. Phương pháp này giúp giảm tắc nghẽn mũi và tạo cảm giác dễ chịu cho trẻ.
  • Xịt hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng là một giải pháp hữu hiệu. Nước muối giúp làm sạch dịch nhầy, giảm viêm và thông thoáng đường mũi. Khi sử dụng, cha mẹ cần đảm bảo dung dịch vô khuẩn, có nhiệt độ ấm vừa phải để tránh gây kích ứng hoặc nhiễm khuẩn.
  • Chườm ấm vùng mũi có thể giúp giảm áp lực xoang và làm dịu cảm giác nghẹt mũi. Để thực hiện, cha mẹ dùng một chiếc khăn ẩm ấm và đặt lên mũi, trán của trẻ. Tuy nhiên, cần kiểm tra nhiệt độ khăn trước khi chườm để tránh gây bỏng da.
  • Xông tinh dầu là một phương pháp khác giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Tinh dầu khuynh diệp hoặc bạc hà có thể làm dịu đường hô hấp, giúp trẻ dễ thở hơn. Cha mẹ có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước nóng để bé hít hơi nước hoặc thoa một lượng nhỏ lên quần áo, chăn gối của trẻ.
  • Giữ ấm cơ thể là điều quan trọng để ngăn ngừa nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn. Khi thời tiết lạnh, đặc biệt là vào ban đêm, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, nhất là ở vùng cổ, ngực và bàn chân, giúp cơ thể bé duy trì nhiệt độ ổn định.
  • Kê cao đầu khi ngủ có thể giúp trẻ dễ thở hơn. Khi bị nghẹt mũi, việc kê gối cao hoặc cho trẻ nằm nghiêng giúp giảm tắc nghẽn, giúp bé ngủ ngon hơn.
  • Bổ sung đủ nước cũng là một cách hỗ trợ làm giảm nghẹt mũi. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, dịch nhầy trong mũi trở nên loãng hơn, giúp thông thoáng đường thở. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể cho bé uống đủ sữa, còn với trẻ lớn, cần khuyến khích bé uống nước thường xuyên trong ngày.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh. Việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, chăn gối và không gian sống của trẻ sẽ giúp hạn chế vi khuẩn, virus gây nghẹt mũi và các bệnh về đường hô hấp.
Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi: Những điều cha mẹ nên biết 3
Cha mẹ nên giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết trở lạnh

Sử dụng thuốc điều trị

Khi trẻ bị nghẹt mũi kèm theo sốt, mệt mỏi hoặc nôn ói, cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc như kháng histamin, thuốc chống dị ứng hoặc paracetamol để hạ sốt, giảm đau, tuy nhiên cần tuân thủ liều lượng để tránh ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.

Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, kháng sinh có thể được kê đơn nhưng phải dùng đúng hướng dẫn. Trường hợp ho khan kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định codein hoặc dextromethorphan, tuy nhiên, việc lạm dụng có thể gây ra tình trạng suy hô hấp.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc và điều trị tình trạng nghẹt mũi ở trẻ

Khi nào cần đưa trẻ bị nghẹt mũi đi khám bác sĩ?

Nếu đã áp dụng các biện pháp giảm nghẹt mũi tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm và kéo dài dai dẳng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu như nghẹt mũi kéo dài hơn một tuần, kèm sốt cao, mệt mỏi hoặc đau vùng xoang.

Ngoài ra, nếu dịch nhầy có màu xanh đục hoặc vàng, trẻ có bệnh nền như hen suyễn, COPD, hoặc chảy mũi liên tục sau chấn thương đầu, có nguy cơ rò rỉ dịch não tủy, thì việc thăm khám sớm là rất quan trọng để tránh biến chứng nguy hiểm.

Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi?

Cha mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng khi chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé;

  • Không nên dùng miệng để hút chất nhầy vì có thể gây nhiễm khuẩn chéo.
  • Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, vì lạm dụng thuốc có thể gây kháng thuốc và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
  • Không nên áp dụng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng để tránh gây hại cho trẻ.
  • Không nên kiêng tắm vì vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, bảo vệ sức khỏe của bé tốt hơn.
Tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi: Những điều cha mẹ nên biết 4
Chỉ nên dùng thuốc cho trẻ khi có sự chỉ định của bác sĩ

Phòng tránh nghẹt mũi ở trẻ thế nào?

Để giúp trẻ phòng ngừa tình trạng nghẹt mũi, cha mẹ cần chú trọng tăng cường sức đề kháng bằng cách duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo trẻ ngủ đúng giờ. Bên cạnh đó, cần giữ gìn không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, đặc biệt là những khu vực bé thường xuyên chơi và sinh hoạt, sẽ giúp hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn và vi khuẩn.

Ngoài ra, tránh để trẻ tiếp xúc với người đang mắc cảm cúm để giảm nguy cơ lây nhiễm. Vệ sinh cá nhân cho bé thường xuyên cũng là biện pháp quan trọng giúp loại bỏ vi khuẩn có hại, góp phần cải thiện tình trạng nghẹt mũi và giúp bé thở dễ hơn.

Hy vọng thông qua bài viết này, cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về những nguyên nhân tại sao trẻ hay bị nghẹt mũi và cách xử lý phù hợp. Nghẹt mũi không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bé. Vì vậy, nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Hãy luôn đồng hành cùng bé để giúp con có một hệ hô hấp khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin