Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Ngày 07/11/2022
Kích thước chữ

Bệnh dại chủ yếu lây từ chó, mèo sang người. Câu hỏi bệnh dại có lây từ người sang người không sẽ được làm rõ trong bài viết này. Bài viết cũng giải đáp bệnh dại lây qua đường nào.

Nguyên nhân gây bệnh dại ở chó, mèo là do bị nhiễm virus Rhabdovirus. Virus này có trong nước bọt của chó, mèo mắc bệnh dại. Chúng chủ yếu lây truyền sang người thông qua vết cắn của chó, mèo. Đây là bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ tử vong khi lên cơn dại là 100%. Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Tìm hiểu bệnh dại lây qua đường nào?

Theo thống kê, 97% các ca mắc bệnh dại ở người là do lây từ chó, 3% lây từ mèo và một số loài động vật khác. Chúng bị nhiễm bệnh dại do virus dại Rhabdovirus xâm nhập thông qua vết thương hở, hoặc bị loài động vật khác mắc bệnh dại cắn và truyền virus. Virus Rhabdovirus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, sau đó theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt.

Bệnh dại có lây từ người sang người không? 1 Bệnh dại có lây từ người sang người không là thắc mắc cần được làm rõ

Khi người bị động vật mắc bệnh dại cắn, virus Rhabdovirus trong nước bọt sẽ xâm nhập vào cơ thể. Virus cũng di chuyển và gây hại tương tự như ở động vật. Tốc độ di chuyển của nó ước tính là 12 - 24mm/ngày. Tùy vào vị trí của vết cắn mà thời gian phát bệnh khác nhau. Vết cắn càng gần khu vực tập trung nhiều sợi thần kinh trung ương thì càng nhanh phát bệnh.

Theo nghiên cứu, bệnh dại không chỉ lây truyền thông qua vết cắn của động vật. Con người cũng có thể mắc bệnh dại nếu vết thương hở trên cơ thể bị dính nước bọt của động vật chứa virus Rhabdovirus. Chẳng hạn như khi chó, mèo dại liếm vào vết trầy xước hoặc vết thương trên da. Virus Rhabdovirus còn có thể xâm nhập qua màng nhầy nếu dính vào mũi, giác mạc của con người.

Ở nhiệt độ thường, virus dại sống được 1 - 2 tuần nên có thể tồn tại trên một số bề mặt. Nếu vết thương hở ở người chạm vào bề mặt dính virus cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh dại. Ngoài ra, virus dại ở chó, mèo còn có thể lây nhiễm sang người trong quá trình giết mổ. Thực tế ở Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp tử vong do mắc bệnh dại sau khi tham gia giết mổ chó.

Bệnh dại có lây từ người sang người không? 3 Có 97% các trường hợp mắc bệnh dại là bị lây từ chó dại

Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Bệnh dại rất hiếm khi lây từ người sang người. Các trường hợp lây nhiễm đã ghi nhận chủ yếu qua ghép giác mạc hoặc ghép tạng, hoặc tiếp xúc với nước bọt qua vết thương hở hoặc niêm mạc. Tiếp xúc thông thường với người bệnh không gây lây nhiễm.

Các trường hợp lây bệnh dại từ người sang người chủ yếu thông qua ghép tạng. Theo nguồn tổng hợp của bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Bệnh viện Bạch Mai, thế giới có 8 ca lây dại từ người sang người sau khi ghép giác mạc, 3 ca lây nhiễm sau khi được hiến tạng. Trong đó có 1 ca được CDC Hoa Kỳ xác nhận là tử vong vì lây nhiễm bệnh dại từ người hiến tạng.

Chưa có nghiên cứu nào về thời gian virus dại tồn tại trong nước bọt của người bệnh trước khi phát tác cơn dại. Bệnh dại có lây qua đường nước bọt không là câu hỏi chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khuyến cáo tiếp xúc với nước bọt của người bệnh cũng có nguy cơ lây nhiễm. Mặc dù các trường hợp bệnh dại lây từ người sang người rất hiếm gặp, nhưng bạn vẫn nên đề phòng.

Bệnh dại có lây từ người sang người không? 2 Thực tế đã có những ca lây nhiễm bệnh dại từ người sang người thông qua hiến tạng

Đề phòng lây nhiễm bệnh dại như thế nào?

Những thông tin trên đã giải đáp câu hỏi bệnh dại có lây từ người sang người không. Dưới đây là hướng dẫn các cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại.

Tiêm phòng dại cho chó, mèo

Vacxin phòng dại cho chó, mèo cần tiêm ngay khi chúng đủ 3 tháng tuổi. Nếu bạn nuôi chó hoặc mèo thì nên tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Cứ mỗi năm một lần bạn đưa thú cưng đi tiêm nhắc lại vacxin phòng dại. Chi phí tiêm tùy theo quy định của từng cơ sở nhưng mặt bằng chung là rất rẻ. Dịch vụ đến tiêm tại nhà chỉ khoảng 30.000đ/con.

Tiêm vacxin cũng là cách phòng ngừa các bệnh lây từ chó, mèo sang người. Tuy nhiên, vacxin phòng dại không thể phòng ngừa tuyệt đối 100%. Chó, mèo vẫn có thể mắc bệnh dại nếu suy giảm sức đề kháng, bị nhiễm chủng virus nặng hơn hoặc có sai sót trong quá trình tiêm vacxin. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi bị chó, mèo cắn dù chúng đã được tiêm phòng.

Tiêm vacxin phòng dại cho người

Đây là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh dại từ chó, mèo sang người. Theo khuyến cáo, bạn nên tiêm phòng trong vòng 24 - 48 giờ sau khi bị chó, mèo cắn. Sau liều tiêm thứ nhất, bạn tiếp tục tiếp vào các ngày thứ 3, thứ 4 và 14 sau đó. Những người có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh dại cũng nên tiêm vacxin phòng bệnh, dự phòng bị cắn hoặc tiếp xúc nước bọt của con vật mắc bệnh dại.

bệnh dại có lây từ người sang người không Tiêm vacxin phòng dại để chặn đứng nguy cơ lây nhiễm từ chó, mèo sang người

Lưu ý khi tiếp xúc với người bệnh

Vùng da lành lặn tiếp xúc nước bọt chứa virus Rhabdovirus thì bệnh dại có lây từ người sang người không? Bạn yên tâm là trường hợp này không thể làm lây bệnh. Bạn có thể chăm sóc người bệnh nhưng lưu ý nên cho người bệnh ăn uống riêng, không dùng chung đồ sinh hoạt cá nhân. Đối với các trường hợp hiến tạng, y học đã có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để phòng ngừa lây nhiễm.

Dự phòng lây nhiễm bệnh dại

Để phòng ngừa virus dại xâm nhập và tấn công hệ thần kinh trung ương, bạn áp dụng các cách xử lý dưới đây sau khi bị chó, mèo cắn.

  • Rửa sạch vết thương bị cắn dưới vòi nước chảy liên tục và xà phòng. Bạn rửa trong 10 - 15 phút, không gãi mạnh để tránh trầy xước nhiều hơn.
  • Vệ sinh vết thương bằng cồn 70 độ hoặc các chất tương tự như là thuốc sát trùng, dung dịch khử trùng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Dùng bông vô trùng thấm cho khô, sau đó quấn hờ bằng gạc vô trùng để ngăn bụi bẩn, ô nhiễm. Lưu ý không quấn gạc quá chặt.
  • Tránh để vết thương tiếp xúc với nước, nhất là nước bẩn hoặc môi trường có nguy cơ ô nhiễm cao.
  • Đối với những vết cắn sâu, chảy nhiều máu thì bạn cần đến cơ sở y tế để xử lý sau khi đã sơ cứu.
  • Không tự ý đắp các loại bột, lá lên vết thương để tránh nhiễm trùng.

Bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi bệnh dại có lây từ người sang người không. Nếu chẳng may bị chó cắn, bạn nên liên hệ tới bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử trí, chăm sóc tốt nhất nhé!

Thanh Hương 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm