1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?

Phương Thảo

24/06/2025
Kích thước chữ

Bị chồn cắn có sao không? Đây là câu hỏi khiến nhiều người hoang mang khi không may bị cắn bởi loài động vật tưởng như vô hại này. Thực tế, chồn tuy hiếm khi tấn công người nhưng khi đã cắn, vết thương có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ phơi nhiễm virus dại. Việc xử lý đúng cách và kịp thời là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe.

Không ít người cho rằng chồn là loài động vật nhỏ, ít gây nguy hiểm nên khi bị cắn thường chủ quan, không đi khám hay tiêm phòng. Tuy nhiên, bị chồn cắn không phải là vấn đề có thể xem nhẹ. Vậy, bị chồn cắn có sao không? Bị chồn cắn có phải tiêm phòng dại không? Cần làm gì ngay sau khi bị chồn cắn để hạn chế rủi ro? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm và cách xử trí đúng đắn khi gặp tình huống này.

Bị chồn cắn có sao không?

Vậy, bị chồn cắn có sao không? Câu trả lời là: Có. Bị chồn cắn tưởng chừng như là một tai nạn nhỏ nhưng thực chất có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý đúng cách. Một số rủi ro điển hình bao gồm nguy cơ nhiễm virus dại, vi khuẩn Salmonella hoặc Campylobacter – những tác nhân có thể gây bệnh nặng, đặc biệt là ở những người có sức đề kháng yếu. Trong số đó, bệnh dại là mối đe dọa đáng lo ngại nhất vì tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được can thiệp kịp thời.

Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?1
Tuyệt đối không nên chủ quan với vết bị chồn cắn

Nguy cơ mắc bệnh dại

Bệnh dại là biến chứng nghiêm trọng nhất khi bị động vật có vú, bao gồm cả chồn, cắn. Virus dại thuộc họ Rhabdovirus, thường tồn tại trong nước bọt của những con vật nhiễm bệnh. Khi virus dại xâm nhập qua vết cắn, niêm mạc hoặc các tổn thương hở, nó có thể ủ bệnh trong khoảng 2 đến 8 tuần, thậm chí lâu hơn tùy vào cơ địa mỗi người. Giai đoạn đầu thường biểu hiện bằng cảm giác ngứa, đau tại vị trí bị cắn, kèm theo mệt mỏi, sốt nhẹ. Tuy nhiên, khi virus lan đến hệ thần kinh trung ương, các triệu chứng sẽ trở nên nguy hiểm hơn như co thắt cơ, ảo giác, liệt, khó thở, co giật và đặc biệt là chứng sợ nước. Một khi các triệu chứng đã khởi phát, khả năng cứu chữa gần như không còn, tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu chưa được tiêm phòng dại.

Chính vì vậy, dù chồn trông có vẻ hiền lành hoặc khỏe mạnh nhưng nếu bị cắn, bạn nên coi đó là tình huống có nguy cơ cao và cần được xử lý y tế ngay lập tức.

Nhiễm khuẩn Salmonella

Ngoài bệnh dại, một rủi ro khác khi bị chồn cắn là nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Dù phần lớn ca nhiễm thường đến từ thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm, thì vẫn không loại trừ khả năng đến từ vết cắn từ động vật mang mầm bệnh.

Triệu chứng nhiễm Salmonella thường xuất hiện sau vài giờ đến vài ngày, bao gồm tiêu chảy (đôi khi có máu), đau bụng dữ dội, buồn nôn, sốt và ớn lạnh. Trường hợp nghiêm trọng có thể khiến vi khuẩn lan vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân hoặc ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch.

Nhiễm khuẩn Campylobacter

Một tác nhân khác cũng cần lưu tâm là Campylobacter, loại vi khuẩn gram âm có khả năng gây viêm đường ruột nặng. Vi khuẩn này thường lây qua đường phân – miệng nhưng cũng có thể truyền từ động vật sang người qua nước bọt hoặc vết cắn nếu chồn mang mầm bệnh.

Việc bị chồn cắn không chỉ gây tổn thương cơ học mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn kéo dài, do Campylobacter có thể tồn tại và được đào thải qua phân tới 6 tuần sau khi nhiễm. Các triệu chứng điển hình gồm tiêu chảy, sốt, buồn nôn và đau bụng. Trong những tình huống hiếm gặp, vi khuẩn có thể gây biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, viêm khớp hoặc thậm chí là giả viêm ruột thừa, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh cấp cứu khác.

Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?2
Ngoài bệnh dại, chồn cắn còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Campylobacter

Mối đe dọa sức khỏe từ vết cào của chồn

Nhiều người thường lầm tưởng rằng chỉ vết cắn mới có thể lây truyền virus dại. Tuy nhiên, thực tế là vết cào cũng có thể trở thành đường xâm nhập nguy hiểm, đặc biệt nếu trên móng vuốt của chồn có dính nước bọt chứa virus dại. Ví dụ, nếu con vật liếm móng vuốt hoặc nước bọt vô tình dính lên móng trước khi cào vào người, nguy cơ phơi nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.

Không chỉ vậy, nước bọt của chồn nhiễm dại nếu tiếp xúc với vùng da bị trầy xước hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng, cũng có thể tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, ngay cả những trường hợp tưởng chừng không nghiêm trọng như bị chồn cào qua lớp áo mỏng gây trầy xước cũng không nên xem nhẹ.

Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?3
Ngoài vết cắn, vết cào cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại

Cách xử lý sau khi bị chồn cắn

Sơ cứu vết thương đúng cách

Ngay khi bị chồn cắn hoặc cào, cần nhanh chóng thực hiện các bước sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus:

  • Rửa kỹ vết thương dưới vòi nước sạch với xà phòng diệt khuẩn liên tục trong ít nhất 15 phút. Đây là bước cực kỳ quan trọng giúp loại bỏ phần lớn virus hoặc vi khuẩn có thể tồn tại trên bề mặt vết thương.
  • Sát trùng bằng cồn 45 – 70%, dung dịch iod hoặc povidone-iodine nếu có. Điều này giúp tiêu diệt mầm bệnh còn sót lại và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
  • Không chà xát mạnh hoặc làm tổn thương thêm vết thương, tránh để mô bị dập nát vì có thể khiến virus xâm nhập sâu hơn.
  • Hạn chế khâu kín vết thương, trừ khi có chỉ định y tế rõ ràng vì môi trường kín có thể tạo điều kiện cho virus phát triển âm thầm.
  • Tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, ngay cả khi vết thương nhỏ, để được bác sĩ đánh giá và chỉ định điều trị dự phòng phù hợp.
Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?4
Sơ cứu vết thương đúng cách là việc rất quan trọng và cần thiết

Tiêm vắc xin phòng dại

Bị chồn cắn có phải tiêm phòng dại không? Nếu bị chồn (hoặc bất kỳ động vật nghi nhiễm dại nào) cắn hoặc cào, tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh dại phát triển.

  • Người chưa từng tiêm vắc xin dại sẽ được tiêm theo phác đồ 5 mũi trong 1 tháng.
  • Người đã từng tiêm đầy đủ, nếu bị phơi nhiễm lại, chỉ cần tiêm nhắc 2 mũi mà không cần dùng huyết thanh.
  • Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm huyết thanh kháng dại để tăng cường khả năng bảo vệ, đặc biệt nếu vết cắn sâu, gần đầu mặt cổ hoặc chảy nhiều máu.

Ngoài ra, có thể chủ động tiêm phòng dại trước khi bị phơi nhiễm, đặc biệt với người làm nghề thú y, kiểm lâm hoặc sống ở vùng có nguy cơ cao. Phác đồ tiêm dự phòng gồm 3 mũi, nếu không may bị cắn sau này, chỉ cần tiêm thêm 2 mũi là đủ, không cần dùng huyết thanh.

Tiêm phòng uốn ván

Bên cạnh bệnh dại, người bị chồn cắn còn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván, thường có trong đất, bụi bẩn hoặc phân động vật. Những vết cắn sâu, trầy xước do móng vuốt chồn gây ra có thể trở thành “cửa ngõ” cho vi khuẩn xâm nhập.

  • Nếu chưa rõ lịch sử tiêm phòng uốn ván, cần tiêm 3 mũi trong vòng 7 tháng để đạt miễn dịch đầy đủ.
  • Người đã tiêm đủ, nên tiêm nhắc lại mỗi 10 năm/lần.
  • Tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị thương để phòng tránh biến chứng nguy hiểm như co giật, liệt cơ, thậm chí tử vong.
Bị chồn cắn có sao không? Phải xử lý thế nào khi bị chồn cắn?5
Đừng quên tiêm phòng dại và uốn ván

Bị chồn cắn có sao không? Câu trả lời là có và sẽ rất nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Ngoài nguy cơ mắc bệnh dại, căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối, người bị chồn cắn còn có thể đối mặt với nhiều rủi ro nhiễm trùng khác như Salmonella, Campylobacter hoặc uốn ván. Chính vì vậy, không nên chủ quan dù chỉ là một vết cắn hay vết cào nhỏ.

Việc sơ cứu đúng cách, đến cơ sở y tế sớm và tuân thủ đầy đủ phác đồ tiêm phòng là những bước cần thiết để bảo vệ sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Hãy chủ động trang bị kiến thức và luôn cảnh giác khi tiếp xúc với động vật hoang dã, vì an toàn của chính bạn và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin