Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh động mạch chủ: Biểu hiện, điều trị và biện pháp phòng ngừa

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh lý động mạch chủ đang có xu hướng gia tăng. Căn bệnh này có thể gây đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Vậy bạn đã biết gì về bệnh lý động mạch chủ?

Bệnh lý động mạch chủ là gì? Hướng điều trị ra sao và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay trong bài viết sức khỏe hôm nay. Tuy nhiên, trước hết hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về động mạch chủ bạn nhé.

Động mạch chủ là gì?

Động mạch chủ là động mạch chính và lớn nhất của cơ thể, có điểm xuất phát từ tâm thất trái, chạy một vòng chữ U lên ngực trên và kết thúc ở quanh vùng rốn. Nhiệm vụ của động mạch chủ là thông qua hệ tuần hoàn, vận chuyển máu đến các cơ quan của cơ thể.

Về giải phẫu, động mạch chủ được chia thành 2 đoạn cụ thể:

  • Động mạch chủ ngực: Tại đây, động mạch chủ sẽ chia thành quai động mạch chủ, các đoạn động mạch chủ lên và động mạch chủ xuống. Đoạn quai động mạch chủ sẽ cho ra các nhánh động mạch ở cánh tay.
  • Động mạch chủ bụng bao gồm động mạch chủ phía trên thận và động mạch chủ phía dưới thận.

Một số bệnh lý động mạch chủ

Một số bệnh lý xảy ra ở động mạch chủ phải kể đến như:

  • Bệnh lý về van động mạch chủ bao gồm hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ và van động mạch chủ hai mảnh.
  • Phình động mạch chủ xảy ra khi xuất hiện một chỗ phình ra bất thường tại thành động mạch chủ. Khối phình này được xem là điểm yếu của động mạch chủ, nó có thể vỡ ra và gây xuất huyết nội, nguy hiểm đến tính mạng.
  • Phình bóc tách động mạch chủ xảy ra khi các lớp tế bào của thành động mạch bị rách khởi đầu ở nội mạc, có thể phát triển to dần và vỡ ra.
  • Xơ vữa động mạch bao gồm xơ cứng động mạch và tắc nghẽn động mạch. Bệnh xảy ra do sự tích tụ chất béo và cholesterol trong thành động mạch kết hợp với huyết áp cao. Thành động mạch sẽ rất dễ bị tổn thương nếu người bệnh bị xơ vữa động mạch nhiều.
  • Viêm động mạch chủ: Viêm nhiễm, điển hình là viêm động mạch Takayasu ngăn cản sự lưu thông dòng chảy của máu đi qua động mạch chủ và hậu quả dẫn đến sự suy yếu thành động mạch.
  • Rối loạn mô liên kết: Thành động mạch chủ yếu và rất dễ bị rách hoặc vỡ trong trường hợp mắc hội chứng Ehler - Danlos, Marfan hay các bệnh rối loạn mô liên kết di truyền.
Bệnh động mạch chủ: Biểu hiện, điều trị và biện pháp phòng ngừa 1
Xơ vữa động mạch là một trong những bệnh lý động mạch chủ phổ biến hiện nay

Các biểu hiện thường gặp của bệnh lý động mạch chủ

Biểu hiện của bệnh động mạch chủ ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc vào dạng tổn thương. Nếu phình động mạch chủ thì hầu hết người bệnh đều không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi siêu âm ổ bụng hoặc bỗng nhiên người bệnh thấy ở vùng quanh rốn xuất hiện khối đập theo nhịp tim.

Đối với viêm tắc động mạch chi dễ gây ra các cơn đau, gây khó khăn trong việc đi lại, một số trường hợp lại đột ngột thiếu máu cấp tính ở chân. Lúc này, người bệnh nên đi khám xương khớp bởi đau dọc chân, có dấu hiệu đi cách hồi hoặc đau cột sống thắt lưng. Bác sĩ gọi đây là đau kiểu giả rễ gốc bắt nguồn từ mạch máu.

Điều trị bệnh lý động mạch chủ

Mọi bệnh lý động mạch chủ cần được điều trị sớm bởi các bệnh lý này đều có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Căn cứ vào vị trí giải phẫu mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị sao cho phù hợp.

Dưới đây là 4 hướng điều trị bệnh lý động mạch chủ, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Điều trị nội khoa: Các bệnh lý động mạch chủ thường rất phức tạp, chính vì thế, việc điều trị nội khoa là rất cần thiết đối với những trường hợp chưa cần can thiệp phẫu thuật, thậm chí là dù đã can thiệp phẫu thuật vẫn cần phải duy trì điều trị nội khoa. Điều trị nội khoa chủ yếu nhằm làm hạ huyết áp đồng thời giảm nguyên nhân gây bệnh.
  • Điều trị phẫu thuật truyền thống: Các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt đoạn, thay đoạn nhân tạo… đối với các bệnh lý động mạch chủ bụng phía trên thận và bệnh lý quai động mạch chủ.
  • Can thiệp nội mạch áp dụng trong các trường hợp bị chấn thương và phình động mạch chủ bụng.
  • Điều trị Hybrid.
Bệnh động mạch chủ: Biểu hiện, điều trị và biện pháp phòng ngừa 2
Tuỳ vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp

Phòng ngừa bệnh lý động mạch chủ

Chủ động phòng ngừa bệnh lý động mạch chủ giúp người bệnh giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa những biến chứng sức khoẻ nguy hiểm. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh lý động mạch chủ hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo:

Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và lối sống lành mạnh

Một chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh và kiểm soát tốt bệnh lý động mạch chủ.

  • Bạn nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với một số bộ môn như yoga, bơi lội, chạy bộ… Hành động này giúp giảm đáng kể áp lực lên động mạch đồng thời tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Kiểm soát cân nặng: Những người bị thừa cân béo phì nên cố gắng giảm cân một cách khoa học và duy trì cân nặng ở mức phù hợp. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên động mạch.
  • Tránh căng thẳng, stress bởi điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý động mạch chủ. Bạn có thể tìm đến một số hoạt động giảm căng thẳng như thiền, massage, yoga và các hoạt động giải trí khác.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thuốc lá, không lạm dụng rượu bia cũng như các thức uống chứa cồn.
Bệnh động mạch chủ: Biểu hiện, điều trị và biện pháp phòng ngừa 3
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe tim mạch

Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học

Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe và chống lại bệnh tật. Theo đó bạn nên:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất như các loại rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa…
  • Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất béo bão hoà như thịt đỏ, kem, bơ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh… Hạn chế ăn các đồ ăn chứa nhiều đường và muối…
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Kiểm soát tốt sức khoẻ

Kiểm soát tốt sức khoẻ là một trong những cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý động mạch chủ. Để kiểm soát tốt sức khoẻ, bên cạnh việc duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, người bệnh cần:

  • Duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị các bệnh đồng mắc: Kiểm soát tốt các bệnh lý có liên quan đến động mạch chủ bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch.
Bệnh động mạch chủ: Biểu hiện, điều trị và biện pháp phòng ngừa 4
Bạn nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý động mạch chủ nếu có

Trên thực tế, hầu hết các bệnh lý động mạch chủ đều diễn biến rất nhanh và nguy hiểm, chính vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết sức khỏe này của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc có thêm một lượng kiến thức sức khoẻ bổ ích. Chúc bạn sẽ có thật nhiều sức khoẻ và thành công trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin