Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bệnh hen phế quản đe dọa sức khỏe trẻ em Việt Nam

Ngày 15/05/2019
Kích thước chữ

Khoảng 30% trẻ em Việt Nam mắc bệnh hen phế quản. Tỷ lệ này đứng nhất nhì Châu Á và đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi không được điều trị hoặc theo dõi điều trị gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.

Khoảng 30% trẻ em Việt Nam mắc bệnh hen phế quản. Tỷ lệ này đứng nhất nhì Châu Á và đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi không được điều trị hoặc theo dõi điều trị gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.

Bệnh hen phế quản đe dọa sức khỏe trẻ em Việt Nam 1Trẻ em Việt Nam mắc bệnh hen phế quản ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Tổ chức hành động vì bệnh nhân hen toàn cầu (GINA) năm 2018, ước tính thế giới có khoảng 339 triệu người mắc bệnh. Mỗi ngày có khoảng 1.000 người chết vì bệnh hen phế quản và số bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt ở trẻ em.

Tại Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số bệnh nhân hen. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 5% dân số mắc bệnh. Trong đó, riêng với trẻ em thì cứ 10 trẻ sẽ có 3 trẻ mắc bệnh.

PGS. BS Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM cho biết trẻ em ở độ tuổi 12 - 13 tại Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng.

Nói thêm về vấn đề này, theo bà Lan việc xác định bệnh hen phế quản ở trẻ thường rất khó khăn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, dẫn đến việc phát hiện điều trị chậm trễ.

Khảo sát trẻ đến điều trị hen suyễn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2018 cho thấy tỷ lệ hen không kiểm soát là 31%, kỹ thuật dùng thuốc không đúng là 49% và trẻ không tuân thủ điều trị là 20%.

Bệnh hen phế quản đe dọa sức khỏe trẻ em Việt Nam 2Điều trị bệnh hen phế quản khó khăn hơn khi phụ huynh không đưa trẻ đến khám bệnh kịp thời.

Hen phế quản là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính ở đường thở. Nguyên nhân dẫn đến hen một phần do yếu tố chủ thể gồm di truyền, cơ địa dị ứng, tăng đáp ứng phế quản, giới tính và yếu tố môi trường như ô nhiễm, khói thuốc lá, lông động vật, phấn hoa, bọ trong nhà, một số thuốc tẩy, bụi nhà, nấm mốc, không khí lạnh…

Triệu chứng thường gặp phải là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại. Tuy nhiên, thời gian đầu triệu chứng khá mơ hồ, nếu phụ huynh không chú ý thì khó phát hiện để đưa con đi điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không kiên nhẫn với việc điều trị cho trẻ do nhiều nguyên nhân như bận rộn, thấy bệnh có vẻ giảm, chưa hiểu rõ về bệnh, lo lắng tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc lâu dài... khiến hen trở nên trầm trọng hơn.

Bệnh hen phế quản đe dọa sức khỏe trẻ em Việt Nam 3Triệu chứng ho, khò khè, khó thở ở trẻ nhỏ do cơn hen dễ bị bỏ qua.

Để việc điều trị hiệu quả, phụ huynh cần tiêm chủng ngừa cúm hằng năm cho trẻ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bị cảm cúm, không hút thuốc trong nhà, giặt áo gối thú bông, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng,... Đồng thời, phụ huynh cũng nên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe của trẻ, thảo luận với bác sĩ về tình trạng hen của con và nghiêm túc thực hiện các chỉ định bác sĩ đưa ra.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh hen phế quản hoàn toàn có thể dự phòng và kiểm soát được. Trẻ mắc hen hoàn toàn có thể sinh hoạt, vui chơi bình thường như mọi trẻ khác nếu kiểm soát tốt.

Hoàng Minh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin