Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên nhân hen phế quản và những thông tin cơ bản về bệnh hen phế quản

Ngày 18/07/2024
Kích thước chữ

Hen phế quản là căn bệnh khá phổ biến, tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc những thông tin cơ bản về nguyên nhân hen phế quản, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị hen phế quản.

Vậy nguyên nhân hen phế quản là gì? Biểu hiện của bệnh hen phế quản ra sao? Hướng chẩn đoán và điều trị bệnh hen phế quản như thế nào? Trước hết, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh hen phế quản bạn nhé.

Tổng quan về căn bệnh hen phế quản

Hen phế quản hay còn được biết đến với tên gọi khác là hen suyễn. Đây là bệnh lý viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhầy phế quản và hậu quả là khiến người bệnh phải đối diện với các cơn khó thở từng cơn.

Thông thường, trước khi khởi phát cơn hen phế quản, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu toàn cơ thể, đặc biệt là vùng mũi và họng đồng thời thường xuyên xuất hiện các cơn ho cấp tính.

Ở những trường hợp hen phế quản nhẹ, người bệnh sẽ chỉ bị khó chịu ở cổ họng và ho, gây ra những bất tiện nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày song ở những trường hợp nặng, những cơn khó thở xuất hiện thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và nếu không được điều trị kịp thời, hen phế quản có thể dẫn đến suy hô hấp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Nguyên nhân hen phế quản và những thông tin cơ bản về bệnh hen phế quản 1
Hen phế quản là bệnh lý khá phổ biến hiện nay

Thực tế cho thấy, hen phế quản không được chữa khỏi hoàn toàn song những cơn hen phế quản này chỉ khởi phát khi gặp phải các tác nhân gây kích thích. Vậy nguyên nhân hen phế quản là gì?

Nguyên nhân hen phế quản

Tính đến thời điểm hiện tại thì các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân hen phế quản. Tuy nhiên, một số yếu tố được chứng minh gây kích thích và khởi phát cơn hen phế quản có thể kể đến như:

  • Yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, sơn, xăng dầu, lông thú, khói thuốc lá, thức ăn (như tôm, cua…) và một số loại thuốc (Penicillin, Aspirin…).
  • Yếu tố nhiễm khuẩn: Thường là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, chẳng hạn như viêm amidan, viêm VA ở trẻ em, viêm xoang, cảm lạnh thông thường…
  • Yếu tố vật lý: Sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ, gió mùa, áp suất và độ ẩm.
  • Hoạt động gắng sức: Một số trường hợp người bệnh xuất hiện cơn hen sau các hoạt động gắng sức, thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.
  • Sang chấn tinh thần: Sang chấn tinh thần như cảm xúc hoặc căng thẳng quá mức cũng có thể làm khởi phát cơn hen.
  • Ngoài ra, bệnh lý trào ngược dạ dày cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen bởi khi dịch axit dạ dày trào ngược vào đường thở sẽ gây kích thích khởi phát cơn hen.

Bên cạnh tác nhân gây kích thích khởi phát cơn hen thì một số yếu tố dưới đây cũng được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản:

  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có thành viên bị hen phế quản thì bạn có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
  • Mắc phải một tình trạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng hoặc viêm da dị ứng.
  • Thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích khởi phát cơn hen bao gồm khói thuốc lá, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, khói thải hoặc các loại ô nhiễm khác…
Nguyên nhân hen phế quản và những thông tin cơ bản về bệnh hen phế quản
Có nhiều nguyên nhân gây hen phế quản

Triệu chứng của hen phế quản

Hen phế quản khiến bạn phải đối mặt với vô số các triệu chứng khó chịu và phiền toái. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh không giống nhau ở mỗi người. Dưới đây là các triệu chứng điển hình của hen phế quản, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Các triệu chứng báo trước: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mặt, ho khan và buồn ngủ.
  • Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ gặp phải các cơn khó thở, thở nông.
  • Giai đoạn sau đó, người bệnh thở khò khè và khó thở tăng dần, người bệnh phải ngồi dựa vào thành giường để thở, mệt mỏi, vã mồ hôi, tiếng nói ngắt quãng. Cơn khó thở này kéo dài từ 10 - 30 phút, có khi kéo dài hàng giờ, thậm chí là hàng ngày.
  • Cơn khó thở giảm dần và kết thúc bằng ho, khạc nhiều đờm trong, quánh dính. Người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi khạc được nhiều đờm.
Nguyên nhân hen phế quản và những thông tin cơ bản về bệnh hen phế quản 3
Khó thở là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản

Chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Các triệu chứng của hen phế quản ở giai đoạn đầu rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh cảm thông thường. Để chẩn đoán chính xác và điều trị hen phế quản kịp thời, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn cần đến bệnh viện để thăm khám.

Chẩn đoán

Để xác định có phải bạn đang bị hen phế quản hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi thăm tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự chẳng hạn như COPD, nhiễm trùng đường hô hấp…

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng chuyên sâu để có thể khẳng định chẩn đoán cũng như đánh giá chính xác mức độ hen phế quản mà bạn đang gặp phải từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Điều trị hen phế quản

Mục tiêu của điều trị là giảm tối đa số cơn hen, giảm tối thiểu nhu cầu dùng thuốc cắt cơn loại cường beta, ngăn ngừa cơn hen diễn tiến nặng đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Điều trị hen phế quản chủ yếu là điều trị bằng thuốc.

Dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tác nhân gây bệnh, triệu chứng của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị và liều lượng phù hợp. Các thuốc được chỉ định trong điều trị hen phế quản bao gồm thuốc giãn phế quản và thuốc chống dị ứng nếu thành phần của thuốc có yếu tố gây dị ứng cho người bệnh. Việc người bệnh cần làm là tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên để theo dõi tiến triển của điều trị.

Nguyên nhân hen phế quản và những thông tin cơ bản về bệnh hen phế quản 4
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh hướng điều trị hen phế quản

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh hen phế quản mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về căn bệnh này, nắm được nguyên nhân hen phế quản, triệu chứng hen phế quản cũng như hướng chẩn đoán và điều trị hen phế quản.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin