Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng tránh

Ngày 18/04/2022
Kích thước chữ

Bệnh nấm miệng ở trẻ em dưới 1 tuổi luôn là vấn đề lo lắng của bố mẹ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và sinh hoạt của trẻ, nếu kéo dài sẽ khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn. Vậy nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi thế nào? Cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi này ba mẹ nhé!

Bệnh nấm miệng ở trẻ em dưới 1 tuổi là một bệnh rất hay gặp bởi trẻ ở lứa tuổi này có rất nhiều yếu tố nguy cơ như giải phẫu hầu họng ngắn, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, trẻ dùng các dụng cụ núm ti, ti giả... tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và lây lan.

Nấm miệng thường ảnh hưởng ít đến sức khỏe của trẻ, ít lây lan qua các bộ phận khác. Tuy nhiên do ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt của trẻ khiến bố mẹ trẻ rất lo lắng. Do đó bài viết này sẽ giúp các bố mẹ cách nhận biết trẻ bị nấm miệng để điều trị và cách phòng ngừa nấm miệng cho con ba mẹ nhé!

Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng tránh 1 Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi rất dễ xảy ra

Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi

Nấm miệng (hay còn gọi là tưa lưỡi) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh do tình trạng nhiễm nấm ở trong khoang miệng, biểu hiện là sự xuất hiện các mảng màu trắng đục trên toàn bộ niêm mạc, điển hình nhất là trên bề mặt lưỡi. Nấm miệng thuộc loại nấm nông ở trẻ em (gồm nấm da, tóc, móng và niêm mạc). Nguyên nhân chính dẫn đến nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi là nấm Candida.

 Bình thường nấm Candida vẫn luôn ký sinh ở khoang miệng trẻ với số lượng nhỏ và cân bằng với các vi khuẩn có lợi nên không gây hại. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển quá mức dẫn đến nấm miệng.

Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng tránh 2 Nấm Candida gây nấm miệng ở trẻ em

Trẻ em dưới 1 tuổi là lứa tuổi hay gặp nấm lưỡi, tưa miệng , các nguyên nhân hàng đầu cần biết như:

  • Hệ miễn dịch còn non yếu: Trẻ dưới 1 tuổi có hệ thống miễn dịch yếu hơn nhiều so với người lớn. Đặc biệt là các bé sinh non, thiếu cân hoặc trẻ suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm nấm từ mẹ: Nếu trẻ nhiễm nấm Candida vùng âm đạo trong khi mang thai hoặc chuyển dạ mà không được điều trị dứt điểm sẽ lây qua trẻ nếu sinh qua đường âm đạo, tăng nguy cơ nấm miệng khi trẻ ra đời.
  • Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Cặn sữa và thức ăn thừa dễ bám lại răng miệng sau khi ăn nếu mẹ không vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ, tạo môi trường cho nấm Candida phát triển.
  • Sử dụng kháng sinh lâu ngày: Trẻ dưới 1 tuổi là lứa tuổi rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa nên phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Nếu lạm dụng kháng sinh trong 1 thời gian dài sẽ tiêu diệt không chọn lọc các vi khuẩn, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh vật có lợi và không có lợi trong khoang miệng, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển và gây nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi.
  • Sử dụng kéo dài Corticoid dạng xịt mà không súc miệng sau khi xịt, gây suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.
  • Bú bình, ngậm ti giả... không được vệ sinh sạch hay dùng chung với trẻ bị nấm miệng.

Chẩn đoán nấm miệng ở trẻ em dưới 1 tuổi

Chẩn đoán nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi thì dựa vào triệu chứng lâm sàng là chủ yếu. Có thể lấy các mảng trắng ở khoang miệng để xét nghiệm tìm tế bào nấm.

Lâm sàng được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn nấm miệng mới hình thành

  • Đầu lưỡi trẻ xuất hiện các chấm trắng hình tròn nhỏ, lâu dần chúng phát triển thành các màng trắng đục bao phủ toàn bộ bề mặt lưỡi, niêm mạc mặt trong má, nướu, amidan hoặc sau cổ họng.
  • Các mảng trắng bám chắc vào khoang miệng và khó làm sạch, có thể gây xây xát niêm mạc, chảy máu nếu cố cạo ra.
  • Nấm miệng thông thường ít khi gây đau.
  • Nếu mảng trắng gồ lên, gai lưỡi sưng tấy sẽ khiến bé khó chịu, không muốn ăn, quấy khóc, lười bú và hay chảy nước miếng.
Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng tránh 3 Nấm miệng khiến trẻ khó chịu, quấy khóc

Giai đoạn tiến triển nghiêm trọng

  • Là giai đoạn nấm phát triển, xâm nhập và gây bệnh ở các cơ quan khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ.
  • Môi, da miệng khô, xuất hiện nhiều vết nứt ở khóe miệng.
  • Hơi thở trẻ có mùi hôi.
  • Trẻ khó nuốt, đau rát khoang miệng.
  • Nấm xâm nhập hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
  • Nấm xâm nhập hệ hô hấp: Trẻ có nguy cơ mắc viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nấm.

Điều trị nấm miệng cho trẻ em dưới 1 tuổi

Nấm miệng là một bệnh rất hay tái phát và ảnh hưởng đến dinh dưỡng sinh hoạt của trẻ nên khi thấy trẻ có các triệu chứng của nấm miệng thì bố mẹ trẻ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay để chẩn đoán kịp thời và điều trị dứt điểm, tránh tái phát nhiều lần. 

Chăm sóc răng miệng cho trẻ dưới 1 tuổi bị nấm miệng

Thường xuyên rơ lưỡi cho trẻ để khoang miệng, lưỡi luôn phải sạch sẽ, tránh sự phát triển quá mức của nấm. Cách rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý:

  • Nước muối sinh lý có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch khoang miệng, tiêu diệt các tế bào nấm Candida, giúp điều trị nấm miệng hiệu quả.
  • Cách rơ lưỡi: Lấy khoảng 10ml nước muối sinh lý thấm vào gạc y tế rồi nhẹ nhàng rơ lưỡi cho trẻ 2-4 lần/ngày. Tránh đưa gạc quá sâu vào khoang miệng vì có thể vô tình gieo giắc nấm vào đường hô hấp, tiêu hóa của trẻ.

Các thuốc điều trị nấm miệng cho trẻ dưới 1 tuổi

  • Nystatin: Thuốc có tác dụng tại chỗ, ít độc ngay cả khi sử dụng lâu dài. Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc dạng bột. Mẹ pha thuốc với nước sôi để nguội, dùng gạc thấm thuốc và rơ lưỡi cho bé 2 lần/ngày.
  • Miconazole: Thuốc có hoạt tính kháng nấm mạnh hơn và phổ tác dụng rộng hơn so với nystatin. Thuốc được sản xuất dưới dạng gel bôi trực tiếp lên mảng trắng trong miệng, liều thông thường 1-2 lần/ngày.
  • Amphotericin B: Điều trị trong trường hợp nấm miệng đã phát triển nặng, lây lan sang các hệ cơ quan khác. Thuốc được sản xuất dưới dạng kem bôi tại chỗ hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch, có nhiều tác dụng phụ nên phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý: Cần điều trị cả cho mẹ nếu mẹ bé cũng bị nhiễm nấm. Điều quan trọng hàng đầu là đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng theo tháp dinh dưỡng bởi trẻ bị nấm lưỡi đã bị biếng ăn do nấm lưỡi gây khó chịu cho trẻ.

Bệnh nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng tránh 4 Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng cần lưu ý khi điều trị cho trẻ nấm miệng

Cách phòng ngừa nấm miệng ở trẻ em dưới 1 tuổi

Phòng tránh nấm miệng với trẻ dưới 1 tuổi

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ cho bé đặc biệt là sau khi trẻ bú xong hoặc ăn dặm.
  • Sử dụng khăn tắm, khăn mặt riêng, bát thìa riêng, ti giả, bình sữa riêng cho trẻ.
  • Nếu trẻ có xịt corticoid vào khoang miệng cần súc miệng sạch sẽ sau khi xịt song.

Phòng tránh nấm ở mẹ cho con bú

  • Điều trị triệt để nấm sinh dục cho mẹ trong thời kỳ mang thai.
  • Vệ sinh vú sạch sẽ trước khi cho trẻ bú, vệ sinh cơ thể đặc biệt là tay trước khi chăm sóc trẻ.

Nấm lưỡi ở trẻ em dưới 1 tuổi gây cho trẻ những khó chịu và khó khăn trong ăn uống ở trẻ nên luôn là mối quan tâm lo lắng của bố mẹ. Bài viết trên đây giúp cho các bố mẹ trẻ cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi. Ngay khi thấy con có những biểu hiện của nấm miệng bố mẹ hãy mang trẻ đến bác sĩ để được khám, tư vấn và điều trị cho trẻ triệt để. Mong rằng bài viết này sẽ có ích cho bố mẹ trong việc chăm sóc trẻ.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin