Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách chăm sóc nấm miệng ở trẻ 4 tuổi như thế nào là đúng?

Ngày 11/08/2022
Kích thước chữ

Bệnh nấm miệng tuy không quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh trở nặng và tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ba mẹ hãy trang bị kiến ​​thức chữa trị nấm miệng ở trẻ 4 tuổi thông qua bài viết dưới đây để có thể hỗ trợ điều trị cho bé nhé!

Nấm miệng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi còn đang bú sữa mẹ hoàn toàn. Một trong những sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là ít cho con uống nước sau khi ăn hay sau khi bú. Điều này dẫn đến rủi ro cao bé bị nấm miệng. Mong rằng một số thông tin dưới đây sẽ giúp ích được nhiều cho các mẹ trong việc phòng và chữa bệnh nấm miệng cho trẻ.

Nấm miệng ở trẻ 4 tuổi là gì?

Bệnh nấm Candida ở miệng là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh nấm miệng do một loại nấm Candida albicans gây ra, đây là một loại nấm tồn tại trong khoang miệng của trẻ em. Loại nấm này sinh sôi nhanh chóng và bắt đầu gây bệnh bằng các chấm trắng nhỏ ở đầu lưỡi sau đó lan rộng thành mảng trắng trên bề mặt lưỡi. 

Trẻ bú sữa mẹ có thể bị mắc bệnh nếu núm vú của mẹ mang nấm Candida. Biểu hiện là trên núm vú xuất hiện các hạt màu hồng, ngứa, đau rát. Lúc này phải điều trị nấm trên núm vú của mẹ.

Trẻ bị nấm miệng thường là do đồ chơi, đồ dùng ăn uống có chứa vi khuẩn nấm. Hoặc bệnh nấm miệng thường do dùng kháng sinh lâu ngày, trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu.

Nấm miệng ở trẻ có nguy hiểm không?

Nếu bị nấm miệng lâu không điều trị, nấm có thể lây lan khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, bỏ bú ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Nấm lan xuống dạ dày và gây tiêu chảy rất nguy hiểm. Trẻ có sức đề kháng kém sẽ khiến tình trạng bị nấm nặng hơn, trẻ dùng thuốc xịt corticoid khi bị hen suyễn hay trẻ dùng kháng sinh là những đối tượng có nguy cơ bị nấm lưỡi cao nhất. Vì thuốc kháng sinh phá vỡ sự cân bằng vi sinh vật trong cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm trên miệng.

Nấm miệng thường không gây đau, chỉ ngứa nhưng khiến trẻ khó chịu, khó ăn uống. Đây là những dấu hiệu điển hình của nấm trên lưỡi và miệng: Lưỡi và miệng của trẻ xuất hiện chấm nhỏ màu trắng. Mảng trắng này có thể xuất hiện trên vòm miệng, môi và bên trong má của bé. Những đốm trắng rất khó tẩy, khi gỡ ra sẽ chuyển sang màu đỏ.

Ngoài ra, trẻ có thể có các dấu hiệu khác như bỏ bú, lười ăn, cáu gắt, không chịu vệ sinh răng miệng,… Nếu không được điều trị kịp thời, nấm Candida ở miệng sẽ lây lan sang các vùng khác như thực quản, khí quản gây viêm phổi hoặc tiêu chảy ở trẻ em.

Cách chăm sóc nấm miệng ở trẻ 4 tuổi như thế nào là đúng? 1 Nấm miệng ở trẻ 4 tuổi không quá nguy hiểm nếu được chữa trị đúng cách và kịp thời

Phương pháp điều trị nấm miệng ở trẻ 4 tuổi

Tuy là tình trạng phổ biến và khá lành tính nhưng ba mẹ không nên tự ý dùng thuốc trị nấm miệng cho trẻ mà nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ đánh giá và tư vấn cách điều trị phù hợp. Các loại thuốc thường dùng là: 

  • Miconazole cream: Đây là loại thuốc trị nấm, dùng cho trẻ từ 4 tháng đến 2 tuổi.
  • Dung dịch nystatin: Dung dịch này dùng để rơ lưỡi cho bé khoảng 4 lần một ngày và dùng ít nhất 7 ngày.
  • Itraconazole, amphotericin B: Đây là hai loại thuốc kháng nấm mạnh hơn được chỉ định trong những trường hợp bệnh nặng.

Phương pháp chăm sóc trẻ bị nấm miệng tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ba mẹ nên biết cách chăm sóc trẻ đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điểm sau. 

Vệ sinh miệng, lưỡi

Chăm sóc trẻ bị nấm lưỡi, miệng ba mẹ cần lưu ý:

  • Nên rửa tay thật sạch trước khi bôi thuốc hoặc lau miệng cho trẻ. Không hôn lên miệng bé. 
  • Vệ sinh bầu vú của mẹ trước và sau khi cho con bú. 
  • Các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của bé như bình sữa, núm vú giả, dụng cụ ăn uống và đồ chơi cần được giữ sạch sẽ. 
Cách chăm sóc nấm miệng ở trẻ 4 tuổi như thế nào là đúng? 2 Vệ sinh miệng, lưỡi hằng ngày để phòng ngừa vi khuẩn, nấm sinh sôi và phát triển

Rơ miệng đúng cách

Rơ miệng đúng cách sẽ khiến trẻ bớt khó chịu. Cách làm sạch miệng hiệu quả và mẹ nên cẩn thận: 

  • Vì rơ miệng dễ khiến trẻ buồn nôn do đó nên thực hiện khi bụng đói hoặc sau khi ăn ít nhất 2 tiếng để tránh trẻ bị nôn trớ. 
  • Rửa tay sạch trước khi rơ miệng cho trẻ.
  • Khi dùng thuốc nếu nấm xuất hiện ở nhiều vị trí, tốt nhất mẹ nên rơ miệng theo thứ tự sau: Hai bên má đến các vùng trong vòm họng và cuối cùng là lưỡi để giảm cảm giác buồn nôn cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nâng cao sức đề kháng của trẻ khiến bệnh nhanh lành hơn. 

Những thực phẩm trẻ bị nấm miệng không nên ăn 

Trẻ bị nấm miệng cần tránh những thực phẩm sau: 

  • Thức ăn chứa nhiều đường là nguồn thức ăn yêu thích của nấm Candida. Do đó ăn quá nhiều đường sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh. Một số đồ ăn nhiều đường nên hạn chế cho trẻ là đồ ngọt, nước ngọt, hoa quả sấy khô,… 
  • Hải sản như tôm, cua, ghẹ,… dễ làm cơ thể bị dị ứng và gây ra các triệu chứng ngứa ngáy nhiều hơn.
  • Thực phẩm cay và nhiều gia vị như tỏi, hành, ớt,… làm trầm trọng thêm tình trạng lở miệng. Ngoài ra, những thực phẩm này còn dẫn đến cơ thể bị tăng cảm giác ngứa ngáy và làm giảm chức năng gan thận.

Những thực phẩm trẻ nên ăn khi bị nấm miệng 

Ba mẹ nên bổ sung những thực phẩm sau vào thực đơn hằng ngày của trẻ để giúp bệnh nấm miệng nhanh chóng khỏi.

  • Sữa chua là nguồn cung cấp dồi dào vi khuẩn có lợi, giúp khôi phục hiệu quả sự cân bằng của hệ vi sinh trong khoang miệng, từ đó ức chế sự phát triển của nấm.
  • Vitamin C giúp nâng cao hiệu quả hệ miễn dịch của cơ thể trẻ để chống lại bệnh tật hiệu quả, đặc biệt là nấm Candida ở miệng. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C là khoai lang, chanh tươi, cam, quýt,… 
Cách chăm sóc nấm miệng ở trẻ 4 tuổi như thế nào là đúng? 3 Cho trẻ ăn sữa chua để tăng lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng

Để phòng ngừa và điều trị nấm miệng ở trẻ 4 tuổi cơ bản là không khó. Các mẹ chỉ nên chú ý những nguyên tắc cơ bản như giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày, điều trị đúng cách và dứt điểm khi bé bị nấm miệng, vệ sinh đồ dùng ăn uống, đồ chơi để tránh trẻ bị tái nhiễm.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin