Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh sốt mò là gì? Nguyên nhân gây bệnh sốt mò?

Ngày 08/05/2020
Kích thước chữ

Sốt mò ở trẻ em (sốt ve mò hoặc sốt phát ban rừng), là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, ở những nơi có nhiều bụi cây và khá nguy hiểm nếu không được điều trị đúng.

Sốt mò ở trẻ em có nhiều nguy hiểm nếu không có cách điều trị phù hợp.

Bệnh sốt mò là gì?

Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, do rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, sốt mò thường bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.

Bệnh sốt mò là gì? Nguyên nhân gây bệnh sốt mò?

Vết đốt từ  ấu trùng mò là nguyên nhân gây nên bệnh sốt mò

Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột và thú nhỏ - vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ - có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta. Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, cao điểm là các tháng 6-7. 

Nguyên nhân gây bệnh

Nguồn lây truyền bệnh

Ổ chứa thứ yếu là các loài gặm nhấm và thú nhỏ (chuột, sóc, chồn, thỏ, các loài chim, chó, lợn, gà...): Khả năng truyền mầm bệnh từ các động vật này sang ấu trùng mò thường thấp. Mầm bệnh nhiễm vào mò thường không được nhân lên và không truyền sang người hoặc thú nhỏ khác vì ấu trùng mò chỉ đốt hút máu 1 lần trong đời.

Bệnh truyền sang người qua trung gian là ấu trùng mò; như vậy mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Bệnh sốt mò là gì? Nguyên nhân gây bệnh sốt mò? 2

Chu kỳ lây nhiễm bệnh sốt mò

Phương thức lây truyền

Bệnh truyền sang người qua trung gian là ấu trùng mò; như vậy mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, ấu trùng mò bị nhiễm O. tsutsugamushi. Ấu trùng mò 6 chân phát triển thành nymph 8 chân, rồi thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh, ấu trùng này đốt và hút máu người và các con vật khác, làm lây nhiễm bệnh. Ấu trùng là giai đoạn duy nhất có thể truyền bệnh sang người (nymph và mò trưởng thành sống trong đất và không hút máu các động vật khác).

Mò đỏ thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi qua các vùng ven suối, ven sông, vào các hang đá, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ…

Người bị nhiễm bệnh qua vết đốt của ấu trùng mò. Một khi bám vào người, ấu trùng mò thường đốt trong 2-3 ngày, đốt xong nó lại trở về mặt đất, trưởng thành và sinh sản ra thế hệ sau.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt mò

Sau khi đi qua da, O. tsutsugamushi nhân lên tại chỗ, tạo thành nốt sần, tiến triển thành nốt phỏng nước bằng hạt đỗ và vết loét hoại tử có vảy. Từ vết loét, Orientia tấn công hệ bạch huyết, gây viêm hạch tại chỗ, rồi viêm hạch toàn thân, gây sưng và đau hạch. Orientia đồng thời đi vào máu, tới cư trú và phát triển trong tế bào nội mạc (lớp lót) của các mạch máu nhỏ ở tất cả các cơ quan như phổi, gan, lách, thận, não, tim, gây tổn thương các cơ quan này.

Bệnh sốt mò là gì? Nguyên nhân gây bệnh sốt mò? 3

Người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi qua các vùng ven sông suối

Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 - 21 ngày (trung bình 10 -12 ngày). Bệnh thường khởi phát đột ngột. Sốt cao liên tục ≥ 38 - 40°C, kéo dài 2-3 tuần hoặc hơn nếu không điều trị. Có khi rét run 1-2 ngày đầu, kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

Nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò): Thường thấy ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ… đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai, rốn, mi mắt. Nốt loét thường không đau, đôi khi có thể gây ngứa, người bệnh thường chỉ có một nốt.

Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm. Sau đó vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông. Khi hết sốt, nốt loét liền dần. Một số bệnh nhân không có dấu hiệu nốt loét đặc trưng.

Nổi hạch tại khu vực nốt loét khi bệnh nhân bắt đầu sốt hoặc sau đó 2-3 ngày. Hạch này hơi sưng và đau, là chỉ điểm tìm nốt loét. Có thể nổi hạch toàn thân nhưng sưng đau nhẹ hơn. Sau khi sốt 5-8 ngày thường xuất hiện ban dát sẩn mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân. Ban có thể tồn tại vài giờ đến 1 tuần, đôi khi có đốm xuất huyết.

Trong tuần sốt đầu, bệnh nhân có thể ho nhiều, viêm phổi thường xuất hiện vào cuối tuần thứ hai. Nếu không được điều trị, sốt có thể kéo dài 2 tuần hoặc hơn rồi dần dần hạ trong vòng vài ngày. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân thường hết sốt sau 36 giờ và có thể hồi phục nhanh chóng.

Trường hợp bệnh sốt mò nặng có thể có tổn thương đa tạng: Viêm cơ tim, trụy tim mạch, đông máu nội mạc rải rác, viêm phổi nặng, suy hô hấp...

Mẫn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:sốt