1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh ban đào: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Thanh Hương

30/06/2025
Kích thước chữ

Bệnh ban đào là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, thường gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Việc nhận biết sớm triệu chứng và hiểu rõ về nguyên nhân và cách điều trị bệnh giúp cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách.

Bệnh ban đào là một trong những bệnh lý phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Mặc dù thường lành tính và tự khỏi, nhưng nếu không nhận biết đúng, bệnh có thể khiến cha mẹ lo lắng và chăm sóc trẻ sai cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh ban đào hiệu quả.

Bệnh ban đào là bệnh gì?

Bệnh ban đào, còn gọi là Roseola infantum hoặc bệnh sốt ban đào, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus Human Herpesvirus type 6 (HHV-6) và đôi khi là HHV-7 - những loại virus phổ biến có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc nước bọt.

Đây là bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, chiếm khoảng 90% ca mắc. Ở lứa tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị virus tấn công. Tại Việt Nam, bệnh ban đào có thể gặp quanh năm nhưng thường xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm giao mùa hoặc những tháng có thời tiết nóng ẩm.

Một số nhóm trẻ có nguy cơ cao hơn gồm: Trẻ sinh non tháng, trẻ suy dinh dưỡng hoặc đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch (như sau ghép tạng, hóa trị). Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều lành tính và tự hồi phục sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Bệnh ban đào: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Bệnh ban đào do virus HHV-6 và đôi khi là HHV-7 gây ra

Diễn biến bệnh ban đào theo ngày

Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi rõ rệt theo từng ngày, từ sốt cao đến phát ban toàn thân. Từ ngày 1 đến 3, trẻ thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 39 - 40°C.

Tuy nhiên, trẻ vẫn tỉnh táo, ăn uống và chơi bình thường, không lờ đờ như các bệnh sốt nhiễm trùng khác. Điều này khiến nhiều phụ huynh chủ quan hoặc nhầm lẫn với sốt siêu vi thông thường.

Đến ngày thứ 4, sốt giảm nhanh và trẻ bắt đầu xuất hiện phát ban. Các nốt ban có màu hồng nhạt, mọc rải rác khắp người, bắt đầu từ ngực, bụng, sau đó lan ra tay chân và mặt. Khác với sởi hay thủy đậu, ban đào không gây ngứa, không phồng rộp và không để lại sẹo sau khi biến mất.

Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 từ khi mắc bệnh, các nốt ban sẽ tự lặn dần mà không để lại bong vảy hay thâm da. Trẻ thường đã khỏe lại hoàn toàn, trở về trạng thái bình thường mà không cần dùng thuốc đặc trị.

Chính vì đặc điểm sốt trước, ban sau và ban không đi kèm triệu chứng nổi bật nên bệnh ban đào rất dễ bị nhầm với phản ứng dị ứng hoặc sốt phát ban khác. Việc theo dõi kỹ trình tự triệu chứng theo ngày sẽ giúp bố mẹ nhận diện đúng bệnh và tránh hoang mang không cần thiết.

Bệnh ban đào: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Các triệu chứng bệnh ban đào có thể thay đổi theo từng ngày

Phân biệt bệnh ban đào với các bệnh có ban khác

Bệnh ban đào có thể dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác cũng gây phát ban ở trẻ nhỏ, như sởi, sốt phát ban do virus khác hay dị ứng da. Việc phân biệt chính xác giúp cha mẹ có hướng theo dõi và chăm sóc phù hợp, tránh lo lắng hoặc xử lý sai cách. Cụ thể là:

  • Với bệnh ban đào, các nốt ban xuất hiện sau giai đoạn sốt cao, thường có đầu tiên ở ngực, sau đó lan dần ra cổ, mặt và tứ chi. Các nốt ban nhỏ, đường kính khoảng 2 - 5mm, màu hồng nhạt, ấn vào sẽ mất và đặc biệt là không gây xuất huyết dưới da.
  • Ban do bệnh sởi thường dày, đỏ rực, có thể mất khi ấn ở giai đoạn đầu nhưng nhanh chóng trở nên dày đặc, liên kết thành từng mảng và ít mất khi ấn ở giai đoạn toàn phát. Kèm theo đó trẻ có dấu hiệu đặc trưng là dát trắng như hạt muối trong miệng (hạt Koplik). Khi bị sởi trẻ thường mệt mỏi nhiều, ho dữ dội và kết mạc mắt đỏ.
  • Nếu bị Rubella, trẻ có thể bị nổi ban giống ban đào, nhưng thường kèm nổi hạch sau tai, vùng gáy.
  • Ban do dị ứng thường gây ngứa dữ dội, xuất hiện sau khi trẻ ăn thức ăn lạ, tiếp xúc với phấn hoa, côn trùng hoặc thuốc. Trong trường hợp này, trẻ không sốt cao kéo dài trước đó.

Dù bệnh ban đào là lành tính, cha mẹ cũng cần nắm rõ những điểm phân biệt trên để không nhầm lẫn với các bệnh nguy hiểm khác.

Bệnh ban đào: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Trẻ bị ban đào thường sốt trước, ban sau

Chăm sóc và điều trị khi trẻ bị bệnh ban đào

Bệnh ban đào là bệnh lành tính do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nguyên tắc điều trị chính là điều trị triệu chứng, kết hợp với chăm sóc đúng cách tại nhà.

Kháng sinh không có tác dụng với virus và chỉ được dùng khi có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như viêm tai giữa hoặc viêm phổi thứ phát.

Về hạ sốt

Trong giai đoạn trẻ sốt cao 39 - 40°C kéo dài 3 - 4 ngày, cha mẹ cần hạ sốt đúng cách cho trẻ bằng Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại sau mỗi 4 - 6 giờ nếu sốt lại.

Ngoài ra, nên lau người cho trẻ bằng nước ấm để hỗ trợ làm mát cơ thể, tránh dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng gây co mạch hoặc bỏng da.

Về dinh dưỡng

Trẻ nên được tăng cữ bú nếu còn bú mẹ, hoặc ăn các món lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Oresol hoặc nước hoa quả loãng có thể được dùng để bổ sung nước và điện giải, giúp bé nhanh hồi phục hơn. Khi trẻ đang sốt và mệt, cha mẹ không nên ép ăn, quan trọng nhất là giữ đủ năng lượng và nước trong giai đoạn này.

Vấn đề vệ sinh

Thay vì cho trẻ kiêng gió, kiêng nước hoàn toàn như nhiều phụ huynh vẫn làm, bạn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày.

Cha mẹ có thể tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm sạch, lau khô người ngay và mặc quần áo mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt. Tắm với nước ấm giúp trẻ giảm khó chịu, hỗ trợ hạ sốt và hạn chế vi khuẩn phát triển trên da.

Bệnh ban đào: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Chăm sóc đúng cách tại nhà sẽ giúp bệnh ban đào nhanh khỏi

Đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường

Bệnh ban đào nhìn chung lành tính, hầu hết trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra biến chứng nếu trẻ sốt cao kéo dài như sốt co giật, mệt lả, bỏ ăn, mất nước,...

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt trên 39°C quá 3 ngày, có biểu hiện co giật, lơ mơ, bỏ bú, ban kèm sưng phù hoặc tình trạng sức khỏe xấu đi.

Hy vọng rằng, qua những thông tin chi tiết trong bài viết này, bố mẹ đã có thêm thông tin về bệnh ban đào và bớt lo lắng hơn khi con không may mắc phải.

Mặc dù là một bệnh lành tính, nhưng việc theo dõi sát sao, chăm sóc đúng cách và đưa con đi khám khi có dấu hiệu bất thường là điều cực kỳ quan trọng. Trong mọi trường hợp, cha mẹ đều nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và tư vấn cụ thể nhất cho tình trạng của con mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Phát bansốt