1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan

Phượng Hằng

02/07/2025
Kích thước chữ

Sốt phát ban không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà người lớn cũng có thể mắc phải do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ virus, vi khuẩn đến các yếu tố dị ứng. Khi bị sốt phát ban, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sốt cao kèm theo phát ban trên da gây khó chịu. Vậy nguyên nhân phổ biến nào gây ra sốt phát ban ở người lớn? Làm thế nào để nhận biết sớm và điều trị bệnh một cách an toàn, hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm? Chi tiết, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Dù thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng sốt phát ban ở người lớn cũng có thể xuất hiện với mức độ ảnh hưởng không kém phần nghiêm trọng. Triệu chứng ban đầu có thể dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm hoặc dị ứng thông thường, khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua giai đoạn điều trị sớm. Việc nhận biết đúng nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc kịp thời sẽ giúp người bệnh hạn chế biến chứng và phục hồi nhanh hơn.

Sốt phát ban ở người lớn là gì?

Sốt phát ban ở người lớn thường là hậu quả của các đợt nhiễm trùng cấp do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể, gây ra tình trạng sốt cao kèm theo các nốt ban đỏ xuất hiện trên da. So với trẻ em, bệnh ở người lớn nhìn chung ít nguy hiểm hơn và có thể hồi phục nhanh nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời, sốt phát ban vẫn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể.

Các triệu chứng sốt phát ban ở người lớn

Sau đây là các triệu chứng sốt phát ban ở người lớn mà bạn nên biết:

Dấu hiệu chung

Triệu chứng của sốt phát ban ở người trưởng thành có thể không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải như:

  • Sốt cao: Nhiệt độ cơ thể có thể tăng đột ngột, thậm chí lên tới 39°C. Cơn sốt thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thậm chí mất sức.
  • Phát ban ngoài da: Sau khi hạ sốt, cơ thể bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt, có thể ẩn dưới da hoặc nổi cộm, tập trung ở vùng ngực, lưng, tay, chân, mặt,…
  • Hạch sưng to: Một số người bệnh có thể bị nổi hạch ở cổ hoặc dưới hàm, gây cảm giác đau hoặc căng tức.

Thông thường, các dấu hiệu này sẽ khởi phát sau thời gian ủ bệnh khoảng 1-2 tuần kể từ khi cơ thể nhiễm tác nhân gây bệnh.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 1
Dấu hiệu chung của sốt phát ban ở người lớn là sau khi hạ sốt cơ thể bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ

Các triệu chứng đi kèm

Bên cạnh các biểu hiện điển hình, một số người còn có thể gặp thêm các triệu chứng phụ như: Rối loạn tiêu hóa nhẹ (tiêu chảy), chán ăn, đau nhức toàn thân, nhức đầu, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi,… Những triệu chứng này thường khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, suy giảm sinh lực trong vài ngày đầu mắc bệnh.

Triệu chứng đặc thù

Tùy vào tác nhân gây bệnh là virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng mà biểu hiện lâm sàng có sự khác biệt. Nếu sốt phát ban do nhiễm ký sinh trùng, người bệnh có thể thấy ngứa âm ỉ vào ban đêm, rối loạn tiêu hóa hoặc sốt cao đi kèm rét run. Ngược lại, nếu do virus hoặc vi khuẩn, có thể xuất hiện thêm tình trạng viêm kết mạc, đỏ mắt, viêm mũi hoặc chảy nước mắt không kiểm soát.

Lưu ý: Những biểu hiện nêu trên chỉ mang tính tham khảo chung. Mỗi người có thể có triệu chứng khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh, thể trạng và mức độ đáp ứng của cơ thể. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 2
Nếu sốt phát ban do nhiễm ký sinh trùng, người bệnh có thể thấy sốt cao đi kèm rét run

Các nguyên nhân sốt phát ban ở người lớn

Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến tình trạng sốt phát ban ở người trưởng thành, trong đó phải kể đến các nguyên nhân phổ biến sau:

Do nhiễm virus

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốt phát ban ở người trưởng thành là do virus. Một số loại virus có khả năng kích hoạt tình trạng này bao gồm: Virus Human Herpes loại 6 hoặc 7, virus sởi (thuộc họ Paramyxoviridae), virus Rubella (thuộc họ Togaviridae), Coxsackievirus A16, Parvovirus B19, virus corona,… Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm gặp, sốt phát ban có thể là triệu chứng đi kèm của các bệnh lý do virus gây nên như HIV, viêm gan siêu vi hay bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

Do nhiễm khuẩn

Vi khuẩn cũng có thể là thủ phạm gây nên tình trạng sốt phát ban đỏ ở người lớn, phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A. Khi loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và tiết ra độc tố, người bệnh có thể xuất hiện các nốt phát ban ở lưỡi hoặc trên da, kèm theo sốt cao và mệt mỏi.

Do nhiễm ký sinh trùng

Một số loài ký sinh trùng như giun, sán, rận hoặc bọ chét có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua:

  • Đường tiêu hóa: Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc nước uống chưa khử trùng.
  • Qua da: Khi da tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân như ve, rận, bọ chét mang mầm bệnh.

Nhiễm ký sinh trùng không chỉ gây sốt phát ban mà còn có thể đi kèm các biểu hiện như ngứa ngáy kéo dài, rối loạn tiêu hóa và nếu không điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan như gan, phổi, thận, thậm chí cả hệ thần kinh trung ương.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 3
Nhiễm ký sinh trùng không chỉ gây sốt phát ban mà còn có thể đi kèm các biểu hiện như ngứa ngáy kéo dài

Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây nên sốt phát ban ở người lớn. Điển hình là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị dùng kéo dài, phản ứng dị ứng với thức ăn, thời tiết, môi trường hoặc do thay đổi nội tiết, miễn dịch suy giảm. Những yếu tố này khiến cơ thể dễ bị kích ứng và khởi phát triệu chứng phát ban kèm theo sốt.

Sốt nổi ban đỏ ở người lớn có nguy hiểm không?

Sốt phát ban ở người trưởng thành thường ít nghiêm trọng hơn so với trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của người lớn đã phát triển hoàn thiện, giúp cơ thể phản ứng và hồi phục nhanh hơn trước tác nhân gây bệnh. Trong đa số trường hợp, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm chỉ sau vài ngày.

Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây sốt, sức đề kháng của từng người và điều kiện chăm sóc y tế. Nếu chủ quan, không xử lý kịp thời, sốt phát ban ở người lớn vẫn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sốt cao trên 40°C dẫn đến co giật, mất nước nghiêm trọng, mệt mỏi kéo dài, phát ban lan rộng khắp cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm não đe dọa đến tính mạng.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 4
Sốt phát ban ở người lớn thường ít nghiêm trọng hơn so với trẻ nhỏ

Sốt phát ban ở người lớn có tự khỏi được không?

Sốt phát ban ở người lớn có tự khỏi được không? Câu trả lời là có. Nhờ hệ miễn dịch đã hoàn thiện, người trưởng thành thường chỉ gặp triệu chứng nhẹ và có thể tự hồi phục sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và chăm sóc đúng cách. Sau thời gian ủ bệnh khoảng 1-2 tuần, người bệnh sẽ sốt và nổi ban trong 3-5 ngày, sau đó triệu chứng giảm dần rồi biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu cơ thể suy yếu hoặc không được chăm sóc tốt, bệnh có thể kéo dài hoặc gây biến chứng.

Chẩn đoán và xét nghiệm sốt phát ban ở người lớn

Để xác định chính xác nguyên nhân gây sốt phát ban đỏ, người bệnh cần được bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm chuyên sâu khi cần thiết.

Trong quá trình khám ban đầu, bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá các biểu hiện đặc trưng như phát ban ngoài da, sốt cao, hạch sưng,… Đồng thời, ghi nhận thêm các triệu chứng phụ có thể đi kèm như ngứa ngáy, đau đầu, rối loạn tiêu hóa hoặc cảm giác mệt mỏi toàn thân.

Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như: Công thức máu toàn phần, chức năng gan, xét nghiệm nước tiểu, tốc độ lắng máu (ESR), hoặc phân tích dịch mủ nếu các nốt ban có dấu hiệu nhiễm trùng. Những kết quả này giúp xác định nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 5
Cần tiến hành thăm khám lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm chuyên sâu để xác định chính xác nguyên nhân gây sốt phát ban

Điều trị sốt phát ban ở người lớn như thế nào?

Phác đồ điều trị sốt phát ban ở người lớn thường gồm các bước sau:

  • Điều trị triệu chứng: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm theo chỉ định bác sĩ. Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả.
  • Xử lý nguyên nhân gây bệnh: Tùy nguyên nhân (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng), bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp để loại bỏ tác nhân gây bệnh. Điều trị đúng nguyên nhân giúp hạn chế tái phát.
  • Chăm sóc tại nhà: Ăn uống đủ chất, bổ sung nước và thực phẩm lành mạnh. Giữ vệ sinh cá nhân, làm sạch vùng da nổi ban bằng nước muối sinh lý. Giữ không gian sống thông thoáng, sạch khuẩn.
  • Theo dõi sức khỏe: Báo ngay cho bác sĩ nếu sốt kéo dài, phát ban có dịch mủ hoặc xuất hiện triệu chứng bất thường.

Tóm lại, để điều trị sốt phát ban hiệu quả và tránh biến chứng, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên nhân. Đồng thời, phải tuân thủ phác đồ của bác sĩ, không tự ý đổi thuốc, không dùng thêm sản phẩm hỗ trợ khi chưa được tư vấn và cần phân biệt rõ với sốt xuất huyết để tránh nhầm lẫn.

Phòng ngừa sốt phát ban đỏ cho người lớn

Các biện pháp phòng ngừa sốt phát ban ở người lớn gồm:

  • Tăng cường miễn dịch: Ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.
  • Tránh lây nhiễm: Tránh tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tiêm đủ các loại vắc xin như sởi, rubella, thủy đậu,…
  • Giữ vệ sinh môi trường: Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, mở cửa thông thoáng, thay ga giường và rèm định kỳ để hạn chế mầm bệnh.
  • Tránh tác nhân dị ứng: Tránh xa phấn hoa, khói bụi, thực phẩm gây kích ứng, nên kiểm tra dị ứng định kỳ nếu có cơ địa nhạy cảm.

Tóm lại, duy trì lối sống lành mạnh và chủ động phòng ngừa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc sốt phát ban và bảo vệ sức khỏe một cách bền vững.

Sốt phát ban ở người lớn và những thông tin liên quan 6
Nên tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.

Câu hỏi thường gặp

Sau đây là những thắc mắc thường gặp liên quan đến tình trạng sốt phát ban ở người lớn:

Sốt phát ban ở người lớn có ngứa không?

Ở một số người, sốt phát ban có thể kèm theo cảm giác ngứa da. Tuy đây không phải là dấu hiệu nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng ngứa trở nên dữ dội, người bệnh nên tránh gãi để không làm trầy xước da hoặc gây nhiễm trùng. Trong trường hợp ngứa kéo dài hoặc lan rộng, cần chủ động trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý phù hợp.

Sốt phát ban ở người lớn có được tắm không?

Người trưởng thành mắc sốt phát ban vẫn có thể tắm và vệ sinh cơ thể mỗi ngày. Việc này giúp giữ da sạch sẽ, giảm cảm giác khó chịu do phát ban và hỗ trợ quá trình hồi phục. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách tắm và tần suất phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Sốt phát ban ở người lớn có lây không?

Sốt phát ban ở người lớn do virus hoặc vi khuẩn gây ra có khả năng lây lan cho người xung quanh. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Sốt phát ban ở người lớn uống thuốc gì?

Việc điều trị sốt phát ban bằng thuốc cần được bác sĩ chỉ định cụ thể dựa trên tình trạng của từng người bệnh. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được thăm khám hoặc tư vấn chuyên môn, vì điều này có thể gây tác dụng phụ, làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Sốt phát ban ở người lớn tuy không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chủ quan hoặc tự ý xử lý tại nhà. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Đừng quên thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn y khoa kịp thời và chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin