Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tay chân miệng là bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh mang đến cho trẻ cảm giác khó chịu, mệt mỏi bởi các nốt phỏng nước đặc trưng. Sốt cũng là một trong những triệu chứng mà trẻ phải đối mặt khi mắc phải căn bệnh này. Vậy bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cần lưu ý gì khi chăm trẻ bị tay chân miệng?

Triệu chứng sốt do bệnh tay chân miệng không chỉ khiến các bậc phụ huynh lo lắng mà còn khiến trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc và mệt mỏi. Vậy bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng là gì? Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng (Hand, foot and mouth disease) là bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như đau họng, sốt, tổn thương tại niêm mạc da và miệng dưới dạng các nốt phỏng nước. Các nốt phỏng này tập trung bên trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng là nhóm virus đường ruột, đại diện là Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B, Enterovirus (E71, E68). Trong đó, Coxsackievirus A16 được xem là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất với triệu chứng nhẹ, ít xảy ra các biến chứng nguy hiểm và thường tự khỏi.

Tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm, xảy ra phổ biến ở các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bởi hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa được hoàn thiện. Mặt khác, trẻ ở độ tuổi này hay có thói quen mút tay, virus nhân cơ hội này có thể xâm nhập dễ dàng và gây bệnh tay chân miệng ở trẻ. Ở Việt Nam, bệnh diễn ra quanh năm, ở bất kỳ độ tuổi nào. Giai đoạn bùng phát dịch thường rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng 1
Tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm, xảy ra phổ biến ở các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi?

Khi trẻ bị tay chân miệng sẽ trải qua 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 - 7 ngày sau khi bé bị lây nhiễm virus tay chân miệng.
  • Giai đoạn khởi phát: Thường kéo dài từ 1 - 2 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu có các triệu chứng đầu tiên của tay chân miệng. Các triệu chứng này tương tự như cảm cúm thông thường, bao gồm đau họng, mệt mỏi, sốt, tiêu chảy, biếng ăn và có thể kèm theo nôn ói.
  • Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này thường diễn ra từ 3 - 10 ngày. Ở giai đoạn này, các triệu chứng điển hình của tay chân miệng sẽ xuất hiện ở trẻ, bao gồm phát ban dạng bỏng nước và xuất hiện các vết loét bên trong miệng. Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp triệu chứng sốt và nôn.
  • Giai đoạn lui bệnh: Giai đoạn này thường sẽ kéo dài từ 3 - 5 ngày kể từ lúc phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ thời điểm trẻ bước vào giai đoạn khởi phát.

Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm khi con em mình mắc tình trạng này. Sốt được xem là một trong các triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng. Trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện cơn sốt ở giai đoạn khởi phát khoảng 2 - 3 ngày hoặc có thể kéo dài đến giai đoạn toàn phát. Hầu hết các trường hợp tay chân miệng, trẻ sẽ sốt ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ bị nặng hơn có thể sốt cao liên tục suốt 3 ngày. Đối với những trường hợp này, ba mẹ nên cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp nhằm tránh các biến chứng không mong muốn xảy ra.

Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng 2
Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi là thắc mắc của nhiều người

Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng hiệu quả

Triệu chứng sốt do tay chân miệng sẽ khiến cho bé yêu của bạn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn phương pháp phù hợp để hạ sốt cho trẻ. Dưới đây là một vài phương pháp giúp trẻ hạ sốt an toàn và hiệu quả bố mẹ có thể tham khảo:

  • Cho trẻ uống nhiều nước: Khi trẻ sốt và kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, nôn ói, vã mồ hôi sẽ làm cho trẻ mất một lượng nước khá nhiều. Vì thế, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước để đảm bảo bé yêu của mình được cung cấp đủ nước, tránh tình trạng bé bị mất nước.
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát: Nhiều bậc phụ huynh có quan niệm cho trẻ mặc nhiều quần áo để giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trẻ bị sốt lạnh, kèm theo biểu hiện run. Tuy nhiên, việc làm này không giúp trẻ hạ sốt mà có thể khiến trẻ bị cảm lạnh do không thoát được mồ hôi. Vì thế, khi trẻ sốt, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát từ chất liệu thấm hút tốt để giúp trẻ thoải mái hơn và cơn sốt cũng phần nào được giảm.
  • Chườm khăn ấm: Khi trẻ sốt, bố mẹ có thể dùng khăn ấm chườm cho trẻ, thực hiện liên tục đến khi trẻ hạ thân nhiệt xuống mức bình thường.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng: Bố mẹ có thể cho trẻ nằm tại phòng riêng, mở máy điều hòa hoặc quạt giúp không khí lưu thông, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, mát mẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý không đặt trẻ nằm tại hướng máy điều hòa hoặc hướng quạt.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ: Trong thời gian trẻ bị tay chân miệng, bố mẹ nên cho trẻ tắm nhanh với nước ấm và trong không gian kín gió.
  • Dùng thuốc hạ sốt: Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38.5 độ, bậc phụ huynh nên cho bé dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng 3
Chườm ấm là một trong những giải pháp giúp trẻ hạ sốt hiệu quả

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Tay chân miệng mang đến cho trẻ nhiều cảm giác khó chịu bởi các bóng nước trong miệng, tay và chân, Vì thế, việc chăm sóc trẻ đúng cách góp phần quan trọng trong việc giúp bé yêu của bạn phục hồi bệnh một cách nhanh chóng và an toàn. Bố mẹ cần lưu ý các điều sau:

  • Ba mẹ tuyệt đối không được lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.
  • Nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, mềm như cháo, súp,...
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng, họng cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý.
  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi trong môi trường vệ sinh, thoáng mát.
  • Cách ly trẻ với những người xung quanh, bố mẹ chăm sóc trẻ cần mang khẩu trang và rửa tay cẩn thận sau khi chăm sóc trẻ nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
  • Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục không hạ, nôn ói, co giật, thở nhanh, thở gấp, huyết áp và nhịp tim bất thường, da tím tái, xanh xao,... bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để các bác sĩ thăm khám và kịp thời xử lý.
Bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi? Cách hạ sốt cho bé bị tay chân miệng 4
Nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, mềm như cháo, súp,... trong thời gian trẻ mắc tay chân miệng

Bài viết trên đây đã cho bạn câu trả lời về vấn đề bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày sẽ khỏi. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra các phương pháp hạ sốt an toàn tại nhà và những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bố mẹ sẽ có cách giải quyết đúng khi bé yêu của mình không may bị tay chân miệng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm