Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh tổ đỉa chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ

Nếu bạn xuất hiện các nốt nhỏ li ti, khó vỡ kèm ngứa rát ở đầu các ngón chân thì rất có thể bạn đã bị bệnh tổ đỉa chân. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu xem bệnh này có nguy hiểm không và cách phòng ngừa như thế nào nhé!

Bệnh tổ đỉa (chàm tổ đỉa) là một bệnh đặc biệt trong nhóm các bệnh chàm (Eczema). Tuy không gây các triệu chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống, một trong số đó có thể kể đến là bệnh tổ đỉa chân.

Bệnh tổ đỉa chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh 1 Hình ảnh bệnh tổ đỉa chân

Bệnh tổ đỉa chân là gì?

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm ngoài da đặc biệt gây ra do nấm. Đây là một bệnh mạn tính với biểu hiện thường gặp nhất là các nốt mụn nước nằm sâu trong cấu trúc da, khó vỡ mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám.

Các mụn nước này có thể xuất hiện ở các đầu ngón tay, lòng bàn tay, ngón chân, bàn chân nhưng đặc biệt không bao giờ vượt quá bàn tay và cổ chân. Bệnh tổ đỉa ở bàn chân thường ít gặp hơn nhưng lại hay gây những biến chứng nặng nề hơn bệnh ở bàn tay.

Dựa vào các biểu hiện và diễn biến lâm sàng mà bệnh tổ đỉa nói chung và bệnh tổ đỉa chân nói riêng được phân thành 4 thể chính sau đây:

  • Thể đơn giản: Đây là thể bệnh hay gặp nhất. Ở thể bệnh này, bệnh nhân có những mụn nước sâu cùng với cảm giác ngứa ngáy khó chịu. 
  • Thể bọng nước: Tổ đỉa thể này thường xuất hiện khi dị ứng với các hóa chất tẩy rửa thường ngày. Tại lòng bàn chân, bàn tay của người bệnh xuất hiện bọng nước kích thước lớn, chứa đầy dịch.
  • Thể nhiễm khuẩn: Là thể bệnh bội nhiễm các mụn nước khi bệnh nhân vệ sinh kém hoặc gãi quá nhiều, xung quanh mụn nước sẽ có sưng đỏ và chảy dịch mủ.
  • Thể khô: Xuất hiện sau nhiều năm khởi phát bệnh, thay vì các mụn nước thì da xuất hiện các tình trạng khô đỏ, bong tróc vảy...
Bệnh tổ đỉa chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh 2 Bệnh tổ đỉa ở bàn chân thể bọng nước

Nguyên nhân của bệnh tổ đỉa chân

Yếu tố di truyền

Ở những bệnh nhân có người thân trong gia đình mắc tổ đỉa thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tổ đỉa. 

Yếu tố dị ứng

Với cơ địa nhạy cảm với các tác nhân từ môi trường thì rất dễ gặp các bệnh liên quan đến cơ chế dị ứng, miễn dịch như bệnh tổ đỉa chân, hen phế quản hay dị ứng thực phẩm, thuốc...

Ngoài ra, với người có dị ứng, hay mẩn ngứa với hóa chất tẩy rửa thông thường như bột giặt, nước rửa bát... thì sau khi tiếp xúc trực tiếp sẽ có thể gặp tổ đỉa ở bàn chân thể bọng nước.

Bệnh tổ đỉa chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh 3 Các loại nước tẩy rửa có thể gây bệnh tổ đỉa ở bàn chân

Yếu tố nhiễm khuẩn

Nếu sinh hoạt trong môi trường không vệ sinh trong thời gian kéo dài có thể gây tích tụ nấm trên da, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển. Bệnh sẽ nặng hơn nếu những mụn nước bị bội nhiễm các vi khuẩn khác nếu người bệnh gãi nhiều gây xây xát.

Yếu tố thần kinh

Các căng thẳng hay một số bệnh lý thần kinh gây kích thích tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn tăng tiết dịch. Chính điều kiện ẩm kéo dài là nhân tố gây bệnh tổ đỉa ở bàn chân, bàn tay.

Sự suy giảm miễn dịch

Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư, suy thận mạn, tiểu đường... thì khả năng cơ thể tự chống lại những tác nhân gây nhiễm khuẩn như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn đều giảm. Từ đó, bệnh tổ đỉa ở bàn chân có thể xuất hiện.

Thuốc

Một số thuốc gây ức chế miễn dịch như thuốc chống thải ghép, corticoid hay thuốc điều trị ung thư cũng là một nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa. Ngoài ra, việc sử dụng các loại mỹ phẩm có tính bào mòn mạnh gây mỏng da thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Biểu hiện của bệnh tổ đỉa ở bàn chân

Bệnh tổ đỉa bản chân có những biểu hiện sau:

  • Biểu hiện hay gặp nhất của bệnh tổ đỉa bàn chân là xuất hiện các mụn nước nhỏ, nằm sâu dưới da, khó tự vỡ được. 
  • Các mụn nước này có thể đứng riêng rẽ hoặc tập trung thành đám hoặc mảng lớn.
  • Vị trí xuất hiện mụn nước ở bệnh tổ đỉa chân có thể ở đầu ngón chân, kẽ ngón, mặt gan chân, mu chân nhưng không bao giờ vượt quá cổ chân.
  • Các mụn nước này xuất hiện sẽ gây nên tình trạng ngứa rát, khó chịu cho người bệnh dẫn đến gãi, cào nhiều gây tổn thương da.
  • Mụn nước sẽ tự tiêu sau một thời gian và được thay thế bằng một lớp vảy màu vàng, sau khi bong ra vùng da sẽ đỏ, mỏng và căng bóng.
  • Các vết mụn nước của bệnh tổ đỉa ở bàn chân sẽ tái đi tái lại nhiều lần ở các vị trí khác nhau ở bàn chân, tuy nhiên sẽ không lây sang người khác.
  • Một số bệnh nhân có bọng nước lớn chứa nhiều dịch ở lòng bàn chân có thể vỡ ra trong quá trình di chuyển, vận động thì khả năng nhiễm khuẩn rất cao.
  • Bệnh tổ đỉa ở bàn chân có bội nhiễm sẽ kèm theo sốt, sưng đỏ quanh vùng mụn nước bị vỡ, nổi hạch bạch huyết lân cận...

Phòng tránh bệnh tổ đỉa bàn chân

Vì bệnh tổ đỉa ở bàn chân là bệnh lý da liễu mạn tính, tái phát nhiều lần và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên cần có các biện pháp phòng ngừa bệnh tránh gây bất tiện cho thẩm mỹ, sinh hoạt thậm chí là một số biến chứng nặng của bệnh như nhiễm trùng, khó khăn đi lại...

Một số phương pháp phòng tránh bệnh tổ đỉa ở bàn chân bao gồm:

  • Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp bàn chân, bàn tay với các yếu tố gây dị ứng như nước rửa bát, nước tẩy rửa, bột giặt... Nếu công việc bắt buộc phải tiếp xúc thì cần sử dụng găng tay.
  • Người có cơ địa dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, khói bụi, cũng như các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, lạc...
  • Sau khi với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cần tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ.
  • Giữ bàn chân khô ráo, thoáng mát để ngăn ngừa sự phát triển của nấm gây bệnh tổ đỉa ở bàn chân.
  • Không sử dụng các mỹ phẩm có tính bào mòn da mạnh.
  • Bổ sung đa dạng các nhóm chất từ thực phẩm tươi sạch để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tự chống chọi với các vi sinh vật gây bệnh.
  • Cung cấp đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể có thể đào thải độc tố một cách thuận lợi, từ đó ngăn ngừa bệnh.
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ thuốc hay lạm dụng quá nhiều thuốc.
Bệnh tổ đỉa chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh 5 Ăn đầy đủ dinh dưỡng để phòng tránh bệnh tổ đỉa ở bàn chân

Tóm lại, bệnh tổ đỉa chân là bệnh gây ra sự mất thẩm mỹ và ảnh hưởng cuộc sống nhưng không phải bệnh quá nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nếu biết cách phòng ngừa đúng cách. Với những chia sẻ của Nhà Thuốc Long Châu, hi vọng bạn đã phần nào hiểu rõ về bệnh tổ đỉa chân.

Ánh Vũ

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm