Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh túi thừa​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị

Ngày 13/12/2024
Kích thước chữ

Bệnh túi thừa là tình trạng bệnh khá nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, không phải độc giả nào cũng hiểu rõ về bệnh túi thừa. Hiểu được tâm lý đó, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về bệnh túi thừa, từ đó giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Vậy bệnh túi thừa là gì? Nguyên nhân gây bệnh túi thừa ra sao? Đâu là dấu hiệu nhận biết bệnh túi thừa? Bệnh túi thừa được chẩn đoán và điều trị như thế nào? Theo dõi hết bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có được lời giải đáp bạn nhé.

Bệnh túi thừa là gì?

Túi thừa là các túi nhỏ, phồng lên và nhô ra trong thành ruột, có thể xuất hiện ở mọi phần của hệ tiêu hóa từ thực quản đến đại tràng. Cấu tạo của túi thừa bao gồm ba lớp: Lớp niêm mạc lót, lớp cơ và lớp thanh mạc bên ngoài. Túi thừa thường xuất hiện phổ biến sau tuổi 40 và thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Vậy bệnh túi thừa là gì?

Bệnh túi thừa xảy ra khi các túi thừa bị viêm, chảy máu hoặc thủng, gây ra các triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn hoặc thay đổi tính chất phân. Nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ rệt và chỉ được phát hiện khi thực hiện nội soi định kỳ.

Đây là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Bệnh túi thừa có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng tình trạng viêm thường xuất hiện ở người trên 70 tuổi.

Các bệnh lý túi thừa thường gặp có thể kể đến như:

  • Viêm túi thừa: Viêm túi thừa xảy ra khi chất thải, vi khuẩn hoặc các mẫu phân bị mắc kẹt trong các túi thừa. Ngoài ra, sự gia tăng vi khuẩn có hại trong ruột cũng có thể làm giảm lợi khuẩn, dẫn đến viêm. Viêm túi thừa có thể gây đau bụng, nhiễm trùng và một số biến chứng nghiêm trọng như: Hình thành áp xe túi thừa, chảy máu túi thừa, thủng túi thừa.
  • Chảy máu túi thừa: Khi các mạch máu trong túi thừa bị vỡ, máu có thể xuất hiện bất thường trong phân, có thể là máu đỏ tươi hoặc máu sẫm màu. Điều này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi và suy nhược. Nếu tình trạng chảy máu không ngừng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như: Truyền máu, sử dụng thuốc, can thiệp qua nội soi đường tiêu hóa, phẫu thuật.
Bệnh túi thừa​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị 1
Bệnh túi thừa là gì?

Nguyên nhân dẫn đến bệnh túi thừa

Mặc dù y học hiện nay chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh túi thừa, nhưng một số yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Tuổi tác

Tuổi càng cao, thành ruột dần yếu đi, khiến áp lực trong ruột khi phân đi qua trở nên lớn hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành túi thừa.

Khi các túi thừa xuất hiện, chúng dễ bị viêm hoặc chảy máu do áp lực cao trong ruột, đặc biệt là ở người cao tuổi. Việc thành ruột bị suy yếu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc chất thải mắc kẹt trong các túi thừa, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Chế độ ăn uống và lối sống

Chế độ ăn uống thiếu chất xơ là một yếu tố quan trọng liên quan đến bệnh túi thừa. Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc làm mềm phân và giảm áp lực lên thành ruột. Khi chế độ ăn thiếu chất xơ, phân sẽ trở nên cứng, gây áp lực lớn hơn lên thành ruột, làm tăng nguy cơ hình thành túi thừa. Ngoài ra, một số yếu tố trong chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Ăn nhiều thịt đỏ: Thịt đỏ chứa nhiều chất béo và protein có thể tạo điều kiện cho các vấn đề tiêu hóa.
  • Uống nhiều rượu: Rượu có thể làm suy yếu hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, cũng như ảnh hưởng đến chức năng của ruột.
  • Uống nhiều đồ uống có caffeine: Caffeine có thể làm tăng tiết axit dạ dày, gây ra các vấn đề về tiêu hóa và ảnh hưởng đến sự vận động của ruột.

Di truyền

Di truyền có thể là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành túi thừa. Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh túi thừa, đặc biệt là trước 50 tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này cho thấy yếu tố di truyền có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh.

Bệnh túi thừa​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị 2
Di truyền có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi thừa

Các yếu tố nguy cơ khác

Một số yếu tố khác có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi thừa, bao gồm:

  • Thói quen hút thuốc: Hút thuốc có thể làm suy yếu hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong các túi thừa.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân hoặc béo phì tạo thêm áp lực lên hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về ruột, trong đó có bệnh túi thừa.
  • Tiền sử táo bón: Táo bón lâu dài có thể làm tăng áp lực trong ruột, dẫn đến hình thành các túi thừa.
  • Lạm dụng thuốc giảm đau: Việc sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc aspirin trong thời gian dài có thể gây hại cho thành ruột, làm tăng nguy cơ hình thành túi thừa.
  • Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất làm giảm khả năng tiêu hóa của cơ thể và có thể làm tăng áp lực trong ruột.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Các vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch yếu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm trong các túi thừa.
  • Tăng huyết áp động mạch: Tăng huyết áp có thể gây căng thẳng cho các mạch máu trong thành ruột, góp phần làm hình thành túi thừa.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa thường không có triệu chứng rõ ràng. Khoảng 75 - 80% trường hợp mắc bệnh túi thừa không có biểu hiện nào cụ thể. Tuy nhiên, 10 - 15% còn lại người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau vùng bụng dưới bên trái, táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân lẫn máu…

Khi có viêm hoặc nhiễm trùng túi thừa, người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Đau bụng liên tục và dữ dội: Đau bụng trở nên liên tục và dữ dội, đặc biệt là ở vùng bụng dưới bên trái. Cơn đau này không giảm và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
  • Sốt: Sốt là dấu hiệu của viêm nhiễm, cho thấy cơ thể đang phản ứng với tình trạng viêm trong ruột. Sốt thường đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi, ớn lạnh.
  • Phân lẫn chất nhầy hoặc máu: Nếu túi thừa bị nhiễm trùng hoặc viêm, phân có thể lẫn chất nhầy hoặc máu, đôi khi máu tươi hoặc máu đen. Đây là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm nặng hoặc có thể là biểu hiện của thủng túi thừa.
Bệnh túi thừa​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị 3
Đau bụng dưới bên trái là một trong các dấu hiệu nhận biết bệnh túi thừa

Chẩn đoán và điều trị bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, áp xe ruột hoặc thủng túi thừa… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy chẩn đoán và điều trị bệnh túi thừa ra sao?

Về chẩn đoán

Sau khi xem xét bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán. Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh túi thừa có thể kể đến như:

  • Nội soi đại tràng: Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp các túi thừa và dấu hiệu viêm trong đại tràng.
  • Chụp CT: Phương pháp này giúp xác định chính xác các biến chứng của bệnh như viêm hoặc áp xe, sử dụng máy CT để chụp hình ảnh đại tràng. Chụp CT có thể mất khoảng 30 phút và có thể sử dụng thuốc cản quang để làm rõ hình ảnh.

Về điều trị

Sau khi đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh túi thừa, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị bệnh túi thừa có thể kể đến như:

  • Ăn kiêng: Người bệnh cần tăng cường chất xơ từ rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Lượng chất xơ cần tăng dần trong vài tuần và kết hợp uống đủ nước để ngăn ngừa táo bón.
  • Dùng thuốc: Paracetamol hoặc các thuốc giảm đau khác như aspirin, ibuprofen để giảm đau. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc nhuận tràng giúp giảm táo bón, thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, thuốc chống co thắt giúp giảm đau bụng.
  • Phẫu thuật: Phương pháp này được chỉ định khi bệnh có biến chứng nghiêm trọng như thủng ruột hoặc viêm phúc mạc. Phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ phần đại tràng bị tổn thương và tạo hậu môn nhân tạo nếu cần.
Bệnh túi thừa​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị 4
Bác sĩ tư vấn hướng điều trị cho người mắc bệnh túi thừa

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh bệnh túi thừa mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về căn bệnh này đồng thời nắm được các phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị bệnh túi thừa. Cảm ơn vì các bạn đã luôn ở đó, dõi theo và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin