Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị khàn tiếng ăn gì cho hết?

Ngày 26/08/2022
Kích thước chữ

Khàn tiếng là vấn đề xảy ra phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên những người thường xuyên phải nói nhiều với âm lượng lớn sẽ có nguy cơ bị khàn giọng cao hơn. Vậy khi bị khàn tiếng ăn gì cho hết?

Khàn tiếng luôn gây nên cảm giác khó chịu cho người bệnh, ngoài ra khàn tiếng còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như đời sống, công việc đặc biệt là những nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng giọng nói như MC, phát thanh viên... Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi rất được quan tâm đó là: Bị khàn tiếng ăn gì cho hết?

Nguyên nhân gây ra khàn tiếng

Khàn tiếng là tình trạng giọng nói bị thay đổi, âm thanh không còn trong trẻo và phải cố gắng để phát ra âm thanh. Tình trạng này có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu bị khàn tiếng nhiều hơn hai tuần không rõ nguyên nhân thì mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để phòng ngừa nguy cơ tổn thương dây thanh quản hoặc ung thư thanh quản.

Bị khàn tiếng ăn gì cho hết? 1 Khàn tiếng gây khó khăn cho việc giao tiếp

Các nguyên nhân gây khàn giọng phổ biến là:

Nói nhiều và to: Nếu nói nhiều, cổ vũ quá to, hát hoặc nói với âm vực cao có thể làm dây thanh quản bị tổn thương, dẫn đến khàn tiếng.

Tuổi tác: Theo tuổi tác, cấu trúc dây thanh quản sẽ thoái hoá, mất tính đàn hồi, giảm rung động, làm cho giọng nói trở nên khàn hơn.

Sử dụng chất có cồn: Việc uống rượu bia và các chất có cồn khác quá nhiều cũng có thể gây ra khàn giọng.

Cảm lạnh, ho, viêm họng: Khàn tiếng có thể là một trong những triệu chứng của cảm cúm, ho hoặc viêm họng. Vấn này thường biến mất sau khi khỏi bệnh.

Viêm thanh quản: Dị ứng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên khiến hai dây thanh quản bị phù nề, sung huyết sau đó gây khàn tiếng.

Trào ngược dạ dày thực quản: Khi axit trong dạ dày trào ngược lên đường hô hấp trên sẽ làm dây thanh quản tổn thương và khiến giọng nói của bạn bị khàn.

Liệt dây thanh quản: Liệt dây thanh quản có thể dẫn đến tình trạng khàn giọng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thanh quản thường là chấn thương, ung thư tuyến giáp và vùng trung thất, đa xơ cứng, đột quỵ, bệnh Parkinson

Ung thư thanh quản: Bị khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần kèm theo điều trị thuốc không giảm có thể là một triệu chứng của ung thư thanh quản.

Bệnh u nhú đường hô hấp tái phát: Bệnh này gây ra các khối u trên đường dẫn khí, dẫn tới tình trạng khàn tiếng. Đây là khối u lành tính nhưng dễ tái phát.

Khó thở, rối loạn giọng do căng cơ: Tình trạng căng cơ quá mức trong và xung quanh thanh quản sẽ cản trở hoạt động khép mở của dây thanh quản. 

Bị khàn tiếng ăn gì cho hết? 2 Nói to trong khoảng thời gian dài dễ dẫn đến khàn tiếng

Bị khàn tiếng ăn gì cho hết?

Khản tiếng, mất tiếng thường đi kèm với các triệu chứng như đau rát họng, khô họng, giảm tiết nước bọt… Vì vậy chế độ dinh dưỡng cho người bị khàn tiếng cần đảm bảo một số nguyên tắc như: Các thực phẩm có tính chất mềm, dạng lỏng, không quá nóng và không quá lạnh để hạn chế làm tổn thương niêm mạc thanh quản và cổ họng.

Hơn nữa, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm chống viêm, giúp vết thương nhanh lành để giọng nói trong trẻo nhanh chóng quay trở lại. Dưới đây là một số thực phẩm người bị khàn tiếng nên ăn để nhanh khỏi:

  • Giá đỗ: Giá đỗ chứa nhiều vitamin, chất khoáng và enzyme giúp quá trình làm lành vết thương diễn ra nhanh chóng hơn. 
  • Quả sung: Quả sung có tính kháng khuẩn cao với các dưỡng chất dồi dào như calci, phospho, vitamin A, B, E, K… sẽ giúp giảm tình trạng viêm nhiễm ở cổ họng và phục hồi các tế bào bị tổn thương. 
  • Củ cải: Củ cải có vị cay, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, long đờm, điều trị khàn tiếng hiệu quả. Đây cũng là thực phẩm cung cấp nhiều nước, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Mọi người có thể pha gừng với cốt củ cải để tăng khả năng phục hồi của giọng nói.
  • Cam, chanh, quất: Đây là các loại quả giàu vitamin C, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và giảm tình trạng đau rát họng rất hiệu quả. Khi bị khản tiếng mọi người có thể ăn trực tiếp một vài lát chanh, cam, quất hoặc hấp cách thủy rồi ngâm với mật ong.
  • Bắp cải: Bắp cải chứa nhiều vitamin A và flavonoids giúp thành mạch bền vững, từ đó, hạn chế các tổn thương ở thanh quản. 
  • Nha đam: Ngoài tác dụng làm đẹp, nha đam còn giúp ức chế vi khuẩn gây ra các bệnh viêm đường hô hấp nhờ các polyphenol. Khi bị khàn tiếng, mọi người có thể uống một cốc nước ép nha đam nhằm giúp cổ họng dịu nhẹ và giảm đau nhanh chóng.
  • Kiwi: Trong kiwi chứa rất nhiều vitamin A, E, C giúp phục hồi hệ thống miễn dịch, chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh. Hơn nữa, kiwi còn có khả năng làm giảm cơn ho rất hiệu quả.
  • Mật ong: Mật ong có chức năng làm mềm dịu các tế bào bị tổn thương và ấm họng. Bên cạnh đó, mật ong cũng có tính kháng viêm rất tốt. Nếu ăn 1 – 2 thìa mật ong nguyên chất mỗi ngày cổ họng sẽ được bảo vệ và cảm thấy thoải mái hơn.
Bị khàn tiếng ăn gì cho hết? 3 Bị khàn tiếng ăn gì cho hết? Nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C

Bị khàn tiếng nên kiêng ăn gì?

Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, khi bị khàn tiếng mọi người cũng cần kiêng một số đồ ăn có khả năng làm tình trạng bệnh nặng hơn.

  • Thực phẩm cay nóng: Những thực phẩm này thường ảnh hưởng không tốt cho bệnh nhân bị viêm họng, khàn giọng hoặc mất tiếng. Nếu ăn thực phẩm cay nóng, vùng niêm mạc họng tổn thương sẽ bị kích ứng tại chỗ, khiến bệnh nghiêm trọng và lâu khỏi hơn.
  • Các đồ chiên rán: Người bị khản giọng, mất tiếng thường có triệu chứng đau họng dẫn đến ăn uống khó khăn. Các loại thực phẩm chiên, rán thường giòn và cứng, từ đó làm tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn, quá trình hồi phục diễn ra lâu hơn.
  • Đồ ngọt: Đồ ngọt chứa nhiều đường, làm tăng tiết dịch nhờn ở cổ họng và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn. Vì vậy, người bị khản giọng, mất tiếng cần hạn chế ăn đồ ngọt để cổ họng bớt khó chịu và tình trạng bệnh nhanh khỏi hơn. 
  • Chất kích thích: Các loại thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê sẽ khiến niêm mạc họng của người bị khản tiếng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi cơ hô hấp trên không được kiểm soát, dịch tiết ra nhiều dẫn đến khi ngủ phải há miệng ra để thở. Không khí đi qua miệng, không được lọc và làm ẩm sẽ làm mức độ khàn giọng gia tăng.
Bị khàn tiếng ăn gì cho hết? 4 Người bị khàn tiếng nên kiêng đồ cay nóng

Mặc dù khàn giọng là vấn đề phổ biến và nhanh khỏi, tuy nhiên để bệnh nhanh khỏi thì mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, có tính viêm để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó hạn chế các đồ cay nóng và chất kích thích để tình trạng khàn giọng không bị nặng hơn. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn giải đáp vấn đề bị khàn tiếng ăn gì cho hết. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin