Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bị nổi mề đay gây đau bụng có nguy hiểm không?

Ngày 17/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mề đay không chỉ đặc trưng bởi các sẩn phù nề, ban đỏ, ngứa ngáy ngoài da mà còn có thể xuất hiện ở ruột, gây co thắt dạ dày, đau bụng, tiêu chảy. Vậy nguyên nhân nổi mề đay gây đau bụng là gì và cách xử lý ra sao?

Đau bụng kèm theo các vết ban đỏ da cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm mạch nổi mề đay và phải điều trị tùy theo mức độ của bệnh. Bạn có thể chỉ cần dùng thuốc kháng histamine hoặc thuốc giảm đau không kê đơn. Tình trạng này là một trong những biểu hiện thường gặp, tuy nhiên mức độ nguy hiểm hơn so với các dạng nổi mề đay thông thường khác và có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.

Đau bụng kèm theo các vết ban đỏ da cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm mạch nổi mề đay và phải điều trị tùy theo mức độ của bệnh Đau bụng kèm theo các vết ban đỏ da

Nổi mề đay là gì?

Bệnh mề đay là một loại bệnh dị ứng. Đây là tình trạng phù cấp tính hoặc mãn tính của lớp hạ bì do phản ứng của các mao mạch da với nhiều yếu tố khác. Bệnh thường gặp và dễ nhận biết qua các triệu chứng điển hình, bệnh không lây từ người này sang người khác.

Người bị mề đay xuất hiện các sẩn phù nề trên da có kích thước khoảng 1 mm và cũng có thể dài đến vài cm. Những nốt sẩn này tồn tại từ 30 phút đến 36 giờ trên da.

Nguyên nhân của tình trạng mề đay gây đau bụng

Thống kê cho thấy khoảng 10 đến 20% dân số thế giới sẽ bị nổi mề đay hoặc phù mạch vào một thời điểm nào đó trong đời. Phù mạch là tình trạng sưng cục bộ ảnh hưởng đến da hoặc niêm mạc, chẳng hạn như hầu họng, hệ hô hấp và đường tiêu hóa. Theo các chuyên gia, hầu hết các trường hợp nổi mề đay gây đau bụng thường liên quan đến phù mạch.

Mề đay là một phản ứng cấp tính hoặc mãn tính của tình trạng phù nề mao mạch của da và niêm mạc do dị ứng. Khi một vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ cảm nhận nó là có hại và tạo ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại sự bất thường. Đồng thời, hệ thống miễn dịch kích hoạt các tế bào mast để giải phóng chất trung gian hóa học histamine tự do, giúp tăng tốc quá trình miễn dịch và thúc đẩy phản ứng viêm.

Khi được giải phóng, histamine tự do liên kết với các vị trí nhạy cảm được gọi là thụ thể histamine. Nếu histamin tự do gắn vào thụ thể H1 có thể gây ra các hiện tượng ngoài da như ngứa, nổi mẩn, mề đay, trên hệ hô hấp như sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, trên hệ tiêu hóa như đau bụng, nôn, co thắt đường tiêu hóa. Đây là cơ chế gây ra tình trạng vừa đau bụng vừa nổi mề đay cho người bệnh.

Do đó, các cơn đau bụng thường dữ dội, đau quặn từng cơn trong cơn mề đay cấp tính và giảm dần xuống mức độ trung bình trong giai đoạn mãn tính. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng, bệnh nhân cũng có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, điều này đặc biệt nguy hiểm.

Các cơn đau bụng thường dữ dội trong cơn mề đay cấp tính và giảm dần xuống mức độ trung bình trong giai đoạn mãn tính Các cơn đau bụng thường dữ dội trong cơn mề đay cấp tính

Làm thế nào để khắc phục tình trạng mề đay gây đau bụng?

Thông thường, tình trạng đau bụng sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần can thiệp nhiều. Tuy nhiên, các nốt ban đỏ có thể tồn tại và trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị. Vì vậy, việc giảm đau và hạn chế bệnh mề đay tái phát là vô cùng cần thiết.

Điều trị ban đầu

Để giảm đau và ngứa tạm thời, bạn có thể sử dụng các biện pháp đơn giản sau:

  • Chườm nóng: Đây là cách đơn giản nhất giúp giảm đau bụng và ngứa da. Hơi nóng của túi chườm sẽ kích thích và cải thiện tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết, đồng thời ức chế sự phát triển của nốt sần phù, nên giảm ngứa và sưng.
  • Uống nước mật ong: Do chứa nhiều vitamin và khoáng chất cùng đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, mật ong được coi là một thành phần quan trọng để giảm đau và ngăn ngừa dị ứng. Bạn chỉ cần pha 1 đến 2 thìa mật ong với nước ấm và uống mỗi ngày, cơn đau bụng sẽ thuyên giảm và các vết mẩn ngứa cũng giảm dần.
  • Uống trà thảo mộc: Khi bị nổi mề đay và đau bụng, uống trà thảo mộc không chỉ thanh nhiệt, giải độc mà còn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hoạt động trơn tru hơn. Trà hoa cúc và gừng khô là gợi ý hay cho bạn.
Khi bị nổi mề đay và đau bụng, uống trà thảo mộc không chỉ thanh nhiệt, giải độc mà còn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh Uống trà thảo mộc khi bị nổi mề đay và đau bụng

Sử dụng thuốc

Dù đã thử nhiều cách nhưng cơn đau bụng vẫn tái phát và nổi mề đay không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn có thể dùng một số loại thuốc sau để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol là thuốc giảm đau cơ bản cho nhiều loại đau khác nhau. Tuy nhiên, vì loại thuốc này có thể gây độc cho gan, thận khiến bệnh nổi mề đay nặng hơn nên bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi uống.
  • Thuốc trị dị ứng: Thuốc kháng histamine, kháng viêm corticoid có tác dụng kiểm soát các phản ứng dị ứng, từ đó cải thiện các triệu chứng viêm, ngứa và đau bụng do nổi mề đay.

Trên đây là những thông tin về hiện tượng mề đay gây đau bụng và cách xử lý khi gặp tình trạng bệnh. Ngoài các biểu hiện ngoài da hoặc đường tiêu hóa, nổi mề đay có thể gây phù nề cổ họng, hầu, khó thở và cần được điều trị khẩn cấp. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn không nên chủ quan mà hãy điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm