Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bọ cạp cắn phải làm sao?

Ngày 17/01/2023
Kích thước chữ

Khi bị bọ cạp cắn, nhiều người thường hoảng hốt và không biết xử trí như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hãy tham khảo những thông tin hữu ích trên đây để “bỏ túi” những giải pháp an toàn bạn nhé!

Nếu không may bị bọ cạp cắn, việc tuân thủ các bước sơ cứu đúng cách là cực kỳ quan trọng, giúp hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Vậy khi gặp tình huống này, chúng ta nên xử trí thế nào cho đúng? Dưới đây là những thông tin khoa học lý giải về những nguy cơ khi bị bọ cạp cắn và hướng dẫn điều trị theo quan điểm của y khoa. 

Bọ cạp là gì? Tại sao bọ cạp cắn lại độc?

Bọ cạp là loài động vật không xương sống thuộc lớp nhện. Bọ cạp là loài chân đốt ăn thịt, có 8 chân. Ước tính trong tự nhiên hiện có khoảng 1500 loài bọ cạp, phân bố ở khắp nơi trên thế giới, phổ biến ở các vùng sa mạc. Ngoài ra, bọ cạp cũng xuất hiện ở nhiều vùng khí hậu khác. Thân bọ cạp chia làm 2 phần, đầu ngực (đốt thân trước) và bụng (vùng thân sau). Đuôi bọ cạp gồm có 6 đốt. Nọc độc của bọ cạp thường nằm ở đốt cuối cùng. 

Theo nhiều nghiên cứu, nọc độc của đa số loài bọ cạp đều không quá nguy hiểm đến tính mạng với con người. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều phản ứng như đau, sưng nề, tê cứng ở phần da bị bọ cạp cắn. Đồng thời, tất cả các loại bọ cạp đều có chứa độc tố thần kinh có tên gọi là chlorotoxin, có thể gây tê liệt khi bị chích.

Thông thường, bọ cạp không chủ động tấn công con người mà chúng chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Bọ cạp hoạt động về đêm, chủ yếu vào mùa hè nên tỷ lệ bò cạp cắn xuất hiện nhiều vào mùa nóng. Theo nghiên cứu, mỗi lần bọ cạp cắn có thể đưa toàn bộ nọc độc (từ 0,1 - 0,6 mg vào cơ thể nạn nhân) hoặc cũng có thể không có chút nọc độc nào. Đối tượng bị bọ cạp cắn có nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Bởi ở lứa tuổi này, sức đề kháng kém, da còn non nên rất dễ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

bọ cạp cắn 1
Bọ cạp cắn có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe 

Cách chẩn đoán và điều trị bọ cạp cắn

Bọ cạp cắn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vậy làm thế nào để chúng ta biết chính xác vết cắn đó do bọ cạp gây ra và cách điều trị ra sao? Theo thông tin từ các nhà khoa học, Bọ cạp ở Việt Nam thường có độc tính không cao.

Các dấu hiệu có thể nhận biết bọ cạp cắn như đau, tê ngứa râm ran xung quanh vết cắn, sưng nóng đỏ nhẹ quanh vết cắn. Nặng hơn có thể bị co giật, đổ mồ hôi, nôn mửa, khó cử động vùng cơ ở đầu, cổ, huyết áp không ổn định, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, khó chịu… Nếu trên da chỉ có những vết cắn mà cơ thể không có biểu hiện rõ ràng thì cần làm xét nghiệm như xét nghiệm máu, điện giải đồ... để chẩn đoán.

Vậy khi bị bọ cạp cắn, chúng ta nên xử trí như thế nào? Theo các bác sĩ, người bệnh cần bình tĩnh xử lý theo các bước như sau:

  • Trước hết, bạn cần sử dụng dụng cụ sơ cứu vết thương càng sớm càng tốt, bởi nếu để quá 6 giờ, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người già và người bị suy giảm hệ miễn dịch. Bạn cần làm sạch vết thương, sát trùng vết cắn bằng cồn 70o hoặc Povidine 10%. Bạn lưu ý tuyệt đối không được chích rạch hoặc hút ở chỗ bị bọ cạp cắn.
  • Sau khi sát trùng, bạn chườm đá hoặc túi nước đá lên vết cắn trong 20 phút để làm giảm tình trạng lây lan nọc độc. Sau đó, đến cơ sở y tế gần nhất và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tại cơ sở y tế, tùy vào tình trạng vết cắn và sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị khác nhau. Có thể bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chữa rắn cắn (antivenin) cho các vết thương nghiêm trọng, kết hợp thêm các loại thuốc khác để làm giảm đau cơ bắp. Trong trường hợp nặng, cần kết hợp thực hiện biện pháp hồi sức, đảm bảo hô hấp hoặc điều trị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh nếu cần.
bọ cạp cắn 2
Sau khi sát trùng, bạn có thể chườm đá lạnh để tránh lây lan nọc độc 

Cách phòng ngừa bọ cạp cắn

Tuy bọ cạp thường không chủ động tấn công con người, song chúng ta cũng cần cẩn trọng để không vô tình “chạm mặt” loài vật có nọc độc này. Một số biện pháp phòng ngừa bọ cạp cắn bạn nên thực hiện như sau:

  • Tốt nhất, bạn nên di chuyển thùng rác, khúc gỗ, đá, gạch, các tấm biển bảng cũ không dùng đến hoặc dọn dẹp sạch sẽ nhà kho, cách xa nơi sinh sống, bởi đây là những vị trí thường cư trú của bọ cạp.
  • Bạn nên thường xuyên cắt cỏ, tỉa bụi rậm, cành cây xòe tán rộng để tránh tạo đường dẫn cho bọ cạp đi vào mái nhà. 
  • Tại nhà ở, bạn nên bịt kín các vết nứt, khe nứt trên cửa chính, cửa sổ vào nhà để tránh bọ cạp và các loài côn trùng gây hại khác có thể vào nhà.
  • Không dự trữ củi trong nhà vì sẽ tạo thành nơi cư trú của côn trùng gây hại.
  • Khi cắm trại, đi bộ đường dài hoặc đơn giản là khi dọn dẹp nhà cửa, bạn nên mặc áo dài tay, quần dài. Đồng thời luôn nhớ kiểm tra quần áo, giặt giũ giày trước khi đi, luôn đi giày trong mọi trường hợp. Cần kiểm tra giường, gối, các gói hành lý một cách cẩn thận trước khi dùng.
  • Khi đi du lịch, bạn nên trang bị thêm các loại thuốc xịt hoặc bôi chống côn trùng để phòng ngừa bị chúng tác động lên cơ thể.
bọ cạp cắn 3
Bạn nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để tránh bọ cạp làm nơi trú ẩn 

Như vậy, với những thông tin mà Long Châu cung cấp trên đây, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về mối nguy hiểm từ bọ cạp cũng như cách điều trị bọ cạp cắn một cách khoa học. Tốt nhất bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh mối nguy hại từ bọ cạp cũng như các loài côn trùng gây hại khác nhé! 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Hellobacsi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Côn trùng cắn