Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các cách làm long đờm hiệu quả

Ngày 04/08/2022
Kích thước chữ

Đờm là một chất tiết ra ở niêm mạc đường hô hấp, có tác dụng bảo vệ đường hô hấp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn. Tuy nhiên, việc đờm tiết ra quá mức sẽ gây ra cảm giác khó chịu. Nếu gặp phải tình trạng này, liệu bạn đã biết cách làm long đờm hiệu quả chưa?

Đờm tiết ra nhiều chủ yếu do thói quen sinh hoạt hoặc do một số bệnh lý đường hô hấp, gây ra nhiều bất tiện cho người gặp phải. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn đọc cách làm long đờm hiệu quả, giúp bạn giảm thiểu sự khó chịu khi bị đờm.

Đờm là gì?

Đờm là những chất nhầy được tạo ra tại niêm mạc đường hô hấp, có tác dụng trong việc giữ ẩm và bắt giữ bụi bẩn, vi khuẩn ở trong không khí khi thực hiện động tác hít vào. Tuy nhiên, khi tiết ra quá mức, đờm có xu hướng trở nên đậm đặc, gây ra cảm giác vướng víu và khó chịu ở cổ họng.

Các cách làm long đờm hiệu quả 1 Đờm tiết ra quá mức gây khó chịu

Đờm ở trong tình trạng tăng tiết quá mức do rất nhiều nguyên nhân. Một số thói quen sinh hoạt cùng với những yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài góp phần tạo nên đờm, bao gồm:

  • Thường xuyên hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc trong thời gian dài, khiến cho màng nhầy bị viêm nhiễm, làm tăng tiết đờm trong mũi và cổ họng.
  • Cổ họng khô do độ ẩm trong không khí thấp hoặc uống ít nước nhưng lại uống nhiều cà phê, trà… dẫn đến quá trình tăng tiết chất nhầy ở cổ họng.
  • Ăn nhiều những thực phẩm gây nhiều đờm như: Ngũ cốc, sữa, trứng… 
  • Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa xâm nhập vào đường hô hấp làm tăng bài tiết chất nhầy.
  • Chức năng sinh lý của mũi và họng yếu hay vách ngăn mũi bị lệch cũng dẫn đến cản trở sự lưu thông đờm.

Ngoài ra, đờm nhầy xuất hiện nhiều trong cổ họng còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý, điển hình như:

  • Viêm xoang, nhiễm trùng xoang: Tạo ra nhiều chất nhầy, đờm để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
  • Viêm họng do vi khuẩn hay virus cũng gây ra tình trạng sưng viêm niêm mạc họng, làm tăng tiết dịch nhầy.
  • Viêm phổi khiến khả năng hô hấp của bệnh nhân suy giảm, dễ gặp tình trạng khó thở do đường thở bị bít tắc bởi đờm. 
  • Hen suyễn mạn tính khiến bệnh nhân tích tụ nhiều đờm trong xoang mũi, cổ họng… đi kèm với những biểu hiện như thở khò khè, tức ngực…

Các cách làm long đờm hiệu quả

Làm ẩm không khí giúp long đờm

Việc hít thở trong không khí có độ ẩm thích hợp giúp làm đờm bám trên đường hô hấp loãng ra, không bị cô đặc lại. Mặt khác, khi hít thở trong không khí quá khô, màng nhầy sẽ bị kích thích, gây tăng tiết đờm. 

Với những lí do trên, bạn nên sử dụng các loại máy phun sương hay máy tạo độ ẩm để hỗ trợ làm tan đờm, giảm bài tiết dịch nhầy. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hít thở không khí có độ ẩm phù hợp khác hẳn so với hít hơi nước. Chính vì vậy, bạn hãy chú ý sử dụng máy tạo độ ẩm một cách an toàn theo hướng dẫn sử dụng, nên thay nước trong máy mỗi ngày và vệ sinh, bảo dưỡng máy thường xuyên.

Các cách làm long đờm hiệu quả 2 Làm ẩm không khí là một trong những cách làm long đờm

Uống nhiều nước là cách làm long đờm đơn giản

Uống nhiều nước là một trong những cách làm long đờm trong cổ họng tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Khi bổ sung nước vào cơ thể, đặc biệt là nước ấm, tình trạng đờm và ho do đờm có thể được cải thiện rõ rệt. Nước có tác dụng làm loãng chất nhầy trong cổ họng, giảm ứ đọng đờm và thúc đẩy dịch đờm ra ngoài dễ dàng.

Để giảm tình trạng tích tụ đờm, bạn không nên bổ sung nước bằng việc uống trà hay thức uống có chứa caffeine như cà phê, những đồ uống này sẽ làm cổ họng bị khô và không có tác dụng loãng đờm. Để có hiệu quả tổ nhất, bạn nên sử dụng nước ấm sẽ giúp phá vỡ liên kết trong chất nhầy và làm ẩm, sạch cổ họng.

Long đờm bằng cách súc miệng bằng nước muối 

Nước muối không chỉ có khả năng kháng khuẩn, giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm mà còn có tác dụng tiêu đờm hiệu quả. Do đó, để giảm thiểu tình trạng đờm ở cổ họng, bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm, ngửa đầu và súc miệng nhẹ trong vài giây, sau đó nhổ ra và súc miệng lại. Thực hiện súc miệng bằng nước muối tối thiểu 2 lần mỗi ngày có tác dụng hạn chế tiết dịch nhầy quá mức, từ đó giảm bớt đờm ứ đọng ở cổ.

Để đạt hiệu quả giảm đờm tốt nhất, bạn nên kết hợp súc miệng với bơm xịt, rửa mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu bởi dịch nhầy hay đờm đặc ở mũi có căn nguyên từ vướng đờm ở họng.

Rửa mũi khi bị đờm

Súc rửa xoang mũi với bình rửa mũi có vòi chuyên dụng không chỉ giúp tẩy rửa đường thở mà còn làm cho chất nhầy loãng ra, dễ tiêu hơn. Để thực hiện rửa mũi khi bị đờm, bạn cần chuẩn bị bình nước muối sinh lý đóng chai hoặc nước tinh khiết có vòi rửa chuyên dụng. Sau đó, nghiêng người bên trên bồn rửa mặt và nghiêng đầu sang một bên. Tiếp đến, đặt vòi của bình rửa vào lỗ mũi trên, từ từ đổ nước vào mũi. Nếu thực hiện đúng, nước sẽ đi vào từ lỗ mũi trên và chảy ra khỏi lỗ mũi dưới. Tiếp tục với lỗ mũi bên còn lại. 

Bạn cần lưu ý thao tác cẩn thận để không hít phải dung dịch muối hoặc nước khi thực hiện rửa. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng không được sử dụng nước máy vì có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, rửa mũi khi bị đờm chỉ nên áp dụng đối với các bé từ 5 tuổi trở lên.

Các cách làm long đờm hiệu quả 3 Rửa mũi giúp long đờm

Sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho đường hô hấp

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp làm thông thoáng đường hô hấp, bạn cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Khi xuất hiện nhiều đờm, bạn hãy thử bổ sung các loại thực phẩm hoặc thức uống có chứa gừng, chanh và tỏi. Những nguyên liệu này tuy đơn giản nhưng đã được chứng minh là có tác dụng trong làm long đờm, trị ho và điều trị cảm lạnh.

Ngoài ra, một số loại dược liệu cổ truyền khác cũng có tác dụng tan đờm, ví dụ như rễ cam thảo, các loại quả mọng, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi sử dụng vì những loại dược liệu này có thể gây tương tác với các loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng. Chính vì vậy, trước khi dùng, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có được những lời khuyên chính xác nhất.

Lưu ý khi bị đờm trong cổ họng

Mặc dù gây khó chịu, tuy nhiên đờm không phải tình trạng nguy hiểm cấp tính. Bạn có thể gặp tình trạng đờm ở cổ họng vào buổi sáng do tích tụ và cô đặc qua đêm. Bạn cũng có thể nhận thấy đờm tăng tiết nhiều hơn khi bạn bị ốm hoặc dị ứng theo mùa. Trong đa số trường hợp, đờm không phải tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, đờm cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm khác. Bạn nên đến gặp các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác khi thấy đờm xuất hiện kèm các dấu hiệu sau:

  • Ho ra máu.
  • Đau, tức ngực.
  • Khó thở, hụt hơi.
  • Thở khò khè
  • Sốt.
  • Đờm xuất hiện quá mức hơn 4 tuần.
  • Đờm ngày càng đặc.
  • Đờm ngày càng gia tăng về lượng hoặc thay đổi màu sắc.

Trên đây là một số cách làm long đờm hiệu quả bạn đọc có thể tham khảo. Hy vọng với bài viết trên, Nhà Thuốc Long Châu có thể hỗ trợ bạn đọc trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và mong rằng nhà thuốc sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bạn trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Long đờmThuốc