Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các cấp độ dính thắng lưỡi? Dính thắng lưỡi nhẹ có tự hết được không?

Ngày 09/10/2022
Kích thước chữ

Nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con mình bị dính lưỡi rất lo lắng cho khả năng ăn uống và ngôn ngữ sau này của con mình và vội vàng đưa trẻ đi cắt ngay. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào trẻ cũng cần cắt thắng lưỡi. Vậy trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ có tự khỏi không? Các cấp độ dính thắng lưỡi? Hãy cùng tìm hiểu thêm về dị tật này qua bài viết dưới đây.

Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mà bất kỳ trẻ nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng nhận biết được tình trạng này kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng này để xử lý kịp thời cho trẻ.

Sơ lược về bệnh dính thắng lưỡi ở trẻ

Theo nhiều nghiên cứu ở Việt Nam, khoảng 5% trẻ em sinh ra bị dị tật dính thắng lưỡi với các mức độ khác nhau. Hiện tại, nguyên nhân gây ra khiếm khuyết này vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, may mắn thay, đó là một khiếm khuyết nhỏ có thể được điều trị bằng các biện pháp can thiệp phẫu thuật thông thường. Thắng lưỡi hay còn gọi là phanh lưỡi là một màng niêm mạc mỏng hình tam giác nối sàn miệng với mặt dưới của lưỡi. Thắng lưỡi này chịu trách nhiệm giữ lưỡi cử động trong một không gian thuộc vào cấu trúc của vòm miệng. Nhờ phanh lưỡi, việc giao tiếp cũng trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn. Nhưng cũng vì thế mà một số vấn đề về ăn uống cũng phát sinh khi phanh lưỡi không may bị ngắn. Trẻ em bị dính thắng lưỡi thì có các dấu hiệu sau: 

  • Với trẻ sơ sinh, trẻ khó ngậm ti của mẹ, do đó phải rất lâu trẻ mới bú no.
  • Khi trẻ khóc, miệng trẻ thường có hình bầu dục, lưỡi trẻ thường gập hình chữ V.
  • Trẻ không thể đưa lưỡi lên trên vòm miệng.
  • Trong trường hợp dính thắng lưỡi quá nặng, trẻ thường nói lắp, phát âm không rõ ràng.
Các cấp độ dính thắng lưỡi? Dính thắng lưỡi nhẹ có tự hết được không? 1 Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mà bất kỳ trẻ nào cũng có thể mắc phải

Các cấp độ dính thắng lưỡi

Khi đánh giá mức độ dính lưỡi ở trẻ, các bác sĩ thường phân thành 4 cấp độ với các đặc điểm sau: 

  • Dính thắng lưỡi cấp độ 1 - cấp độ nhẹ nhất: Thắng lưỡi có chiều dài từ 12 - 16 mm. Đây là mức độ dính lưỡi không quá nặng. 
  • Dính thắng lưỡi cấp độ 2: Thắng lưỡi có chiều dài từ 8 - 11mm, ở cấp độ này cha mẹ bắt đầu thấy một số dấu hiệu dính lưỡi ở trẻ. Nếu cần thiết phải phẫu thuật cắt ngay lập tức. 
  • Dính thắng lưỡi cấp độ 3: Thắng lưỡi của trẻ dài từ 3 - 7 mm. Trong trường hợp này, có thể dễ dàng quan sát thấy phanh lưỡi ngắn rõ ràng. Trường hợp này cần phải can thiệp kịp thời để tránh ảnh hưởng khi lớn hơn. 
  • Dính thắng lưỡi cấp độ 4 - cấp độ nặng nhất: Phanh lưỡi có chiều dài dưới 3mm. Trong trường hợp này, phanh lưỡi gần như chạm vào sàn của lưỡi và phải được phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt.

Dính thắng lưỡi nhẹ có tự hết được không?

Như đã đề cập ở trên, dính thắng lưỡi có nhiều cấp độ khác nhau. Thông thường dính thắng lưỡi mức độ 1 và 2 là mức độ nhẹ, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh của trẻ và đưa ra lời khuyên cụ thể.

Khi trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt ăn uống hàng ngày của trẻ và có thể tự khỏi. Đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, ba mẹ có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường mà không cần can thiệp y tế. Điều ba mẹ nên làm là trong quá trình trẻ tập nói, hãy chủ động cùng con học nói và dần dần điều chỉnh cho con những phát âm sai. Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ là khi trẻ bắt đầu nói, phát âm chưa rõ chữ, không sửa lại cách phát âm cho con mà lặp lại phát âm ngọng của trẻ. Hành vi này là nguyên nhân gây ra tật nói ngọng, nói không rõ ở trẻ. 

Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh được. Tuy nhiên, trước khi kết luận về mức độ dính lưỡi, hãy nhớ đưa trẻ đi khám và tham khảo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.

Các cấp độ dính thắng lưỡi? Dính thắng lưỡi nhẹ có tự hết được không? 2 Dính thắng lưỡi khiến trẻ khó bú, bú chậm, quấy khóc, chậm tăng cân

Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Mặc dù đây không phải là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không xác định và điều trị kịp thời thì dính thắng lưỡi ở trẻ có thể dẫn đến một số ảnh hưởng nhất định như: 

  • Trẻ khó cử động lưỡi và khó bú sữa mẹ. Kết quả là trẻ bị chậm lớn, không tăng cân, quấy khóc,…
  • Trẻ khó nuốt hoặc khó nói.
  • Dính thắng lưỡi khiến răng hàm dưới của trẻ bị nghiêng hoặc mọc lệch.

Trẻ bị dính thắng lưỡi khi nào cần phải phẫu thuật?

Nếu trẻ bị dính thắng lưỡi cấp độ 3 hoặc 4 thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám và tiến hành phẫu thuật cắt phanh lưỡi của trẻ. Để hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ. Ba mẹ nên đưa trẻ cắt phanh lưỡi càng sớm càng tốt.

Trong 6 tháng đầu đời

Trẻ mới trong 6 tháng đầu đời hoàn toàn có thể cắt dính thắng lưỡi bằng phương pháp gây tê. Tuy nhiên, cần sự hợp tác của trẻ và giữ trẻ cố định trong vài phút để thực hiện. 

Thời điểm này được gọi là thời điểm vàng để phẫu thuật cắt phanh lưỡi cho trẻ vì hầu hết các mạch máu ở phanh lưỡi chưa hình thành hoặc có rất ít. Vì vậy, trẻ sẽ không bị đau hay chảy nhiều máu. Với phương pháp này, trẻ sau khi cắt phanh lưỡi có thể bú mẹ ngay mà không lo sợ bị ảnh hưởng. 

Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi

Ở hầu hết trẻ em trên 6 tháng tuổi, các mạch máu đã phát triển nhiều ở vùng thắng lưỡi. Điều này có nghĩa là bất cứ tác động nào vào vùng này cũng sẽ gây chảy máu nhiều. Đó là lý do tại sao hầu hết các trường hợp cắt phanh lưỡi đều sau 6 tháng tuổi, các bác sĩ thường thực hiện gây mê để tránh đau đớn và tinh thần hoảng loạn cho trẻ. Đây là một phương pháp gây mê ngắn trong vài phút, đủ để tiến hành phẫu thuật và giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc mê đối với trẻ.

Các cấp độ dính thắng lưỡi? Dính thắng lưỡi nhẹ có tự hết được không? 3 Nếu nghi ngờ trẻ bị dính thắng lưỡi nên đưa trẻ đi khám và xử lý càng sớm càng tốt

Trên đây là thông tin về bệnh dính thắng lưỡi và các cấp độ dính thắng lưỡi, giúp ba mẹ giải đáp thắc mắc bệnh dính thắng lưỡi nhẹ có tự khỏi không và khi nào trẻ cần phẫu thuật. Nếu không cắt dính thắng lưỡi sớm, trẻ sẽ rất dễ nói ngọng, thậm chí sau khi phẫu thuật thì quá trình dạy trẻ nói cũng tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn của ba mẹ và con cái. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị dính thắng lưỡi, hãy kiểm tra cử động lưỡi của trẻ và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. 

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin