Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách điều trị nói lắp ở trẻ em hiệu quả nhất

Ngày 29/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ở một số trẻ em, tình trạng nói lắp xảy ra trong khoảng thời gian dài và gây ảnh hưởng đến việc học tập, giao tiếp hằng ngày. Trong bài viết dưới đây, nhà thuốc Long Châu sẽ gửi tới các bạn những thông tin cơ bản nhất về cách điều trị nói lắp ở trẻ em nhé!

Nói lắp là một hiện tượng thường thấy của trẻ trong giai đoạn từ 2 - 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp nói lắp sẽ kéo dài trong khoảng một vài tuần hoặc một vài tháng và sẽ tự khỏi khi trẻ bước qua giai đoạn này. Tuy nhiên, tình trạng nói lắp có thể duy trì đến khi trẻ trưởng thành nếu cha mẹ không phát hiện và điều trị sớm. Vậy cách trị nói lắp ở trẻ nhỏ hiệu quả là gì?

Cách điều trị nói lắp ở trẻ em hiệu quả nhất 1 Tình trạng nói lắp thường xảy ra với trẻ từ 2 - 5 tuổi

Nói lắp là gì?

Nói lắp là chứng rối loạn ngôn ngữ tạm thời. Khi đó, trẻ nói lặp đi lặp lại nhiều âm thanh, từ ngữ hay trọng âm và kéo dài thời gian hoàn thành ở một câu nói. Đôi lúc, tình trạng nói lắp trở nên nghiêm trọng hơn khi bé lo lắng, căng thẳng hay phải phát biểu trước đám đông, bởi vậy thậm chí có một hội chứng riêng gọi là nói lắp khi căng thẳng. Theo thống kê, khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn.

Nguyên nhân nói lắp ở trẻ em

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định một cách chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến tật nói lắp ở trẻ. Qua các nghiên cứu, các yếu tố được coi là có ảnh hưởng tới tật nói lắp ở trẻ như:

  • Tiếp xúc với nhiều người mắc tật nói lắp: Đa số các chuyên gia cho rằng nói lắp có tính di truyền. Người ta đã nhận thấy rằng tỉ lệ trẻ nói lắp trong một gia đình có bố mẹ hoặc người thân cũng bị tật này cao hơn nhiều so với những gia đình không có ai bị. Trẻ có thể bắt chước người khác nói lắp hoặc thường xuyên tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải ngôn ngữ không tốt và dần trở nên nói lắp.
  • Quá trình phát triển của trẻ: Từ 18 tháng đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu nói lắp do đây là giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ ở trẻ em. Vì còn nhỏ nên trẻ chưa tìm được từ ngữ thích hợp để biểu thị ý kiến của mình với người khác. Hãy tưởng tượng như bạn đang ăn bị mắc nghẹn, bạn phải dừng lại một lúc thì mới có thể ăn uống và nói chuyện tiếp được. Trẻ nói lắp cũng giống như vậy. Thế nên giai đoạn này được coi là bình thường và không đáng lo ngại.
  • Suy giảm chức năng vùng ngôn ngữ: Não của con người có một vùng “chịu trách nhiệm” về ngôn ngữ. Vùng này có liên hệ trực tiếp tới khả năng phát âm của con người nói chung và những người nói lắp nói riêng. Một nghiên cứu cho kết quả rằng lưu lượng máu giảm khi đổ vào vùng ngôn ngữ chính là nguyên nhân gây ra tật nói lắp. Lượng máu này giảm càng nhiều thì sự giảm chức năng thần kinh tại vùng này càng lớn và đó là nguyên nhân của tật nói lắp.
  • Do mắc bệnh: Nhiều nghi vấn cho rằng khi thai nghén, thai phụ mắc một căn bệnh ảnh hưởng cho thai nhi và bệnh đó đã gây tổn thương cho vùng ngôn ngữ của não thai nhi. Trường hợp trẻ nhỏ mắc phải một bệnh ở não hoặc màng não (như viêm não, viêm màng não), sau khi điều trị khỏi đã để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ. Sau khi bị các bệnh truyền nhiễm như cảm, ho gà..., chức năng vỏ đại não bị giảm yếu, tinh thần dễ bị kích thích dẫn đến căng thẳng quá mức, gây nói lắp ở trẻ nhỏ.
  • Bị sang chấn tâm lý: Các nhà khoa học lại có ý kiến cho rằng do khủng hoảng tình cảm, một cú sốc tâm lý hoặc chuyện nào đó thời thơ ấu xảy ra có khả năng làm cho trẻ mắc tật nói lắp. Những ảnh hưởng về tâm lý này về sau có thể khiến trẻ hình thành tật nói lắp.
Cách điều trị nói lắp ở trẻ em hiệu quả nhất 2 Người thân có thể ảnh hưởng tới tật nói lắp ở trẻ em

Khi nào nên trị nói lắp ở trẻ nhỏ?

Làm thế nào để cha mẹ biết được hiện tượng nói lắp ở trẻ chỉ là tạm thời hay lâu dài? Khi nào bạn cần can thiệp để tránh những tác hại về sau? Hãy đọc những thông tin dưới đây để hình dung về mức độ rối loạn ngôn ngữ của con mình:

  • Gia đình: Vì nói lắp có yếu tố di truyền nên cha mẹ cần xem xét họ hàng người thân có ai bị nói lắp ở tuổi trưởng thành không. Nếu có thì con của bạn có khả năng sẽ nói lắp lâu dài.
  • Độ tuổi: Sau 3 tuổi mà trẻ còn nói lắp thì nguy cơ sau này lớn lên có thể vẫn duy trì nói lắp.
  • Thời gian nói lắp kéo dài hơn bình thường: Nếu tật nói lắp ở trẻ kéo dài hơn 6 tháng thì rất có thể cha mẹ phải chú ý để tìm cách chữa nói lắp cho trẻ.
  • Giới tính: Bé trai có nguy cơ nói lắp mãn tính cao hơn bé gái từ 3 - 4 lần.
  • Khiếm khuyết ngôn ngữ: Nếu trẻ có những vấn đề trong quá trình nghe – hiểu và truyền đạt thông tin thì có nhiều khả năng trẻ sẽ nói lắp nghiêm trọng hơn.

Cách điều trị nói lắp ở trẻ em

Ngày nay, nhiều cha mẹ mải mê bận việc nên không thường xuyên nói chuyện, chăm sóc trẻ nhỏ. Họ cũng nghĩ rằng việc nói lắp ở trẻ em là điều quá bình thường nên không chú trọng tới cách trị nói lắp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia về trẻ em nhận định rằng nếu con bạn trên 3 tuổi và quá trình nói lắp của bé kéo dài từ 3 – 6 tháng thì có lẽ bạn phải đặc biệt quan tâm đến điều này. Một người có chuyên môn trị liệu hoặc một bác sĩ nhi sẽ giúp cha mẹ xác định xem trường hợp nói lắp của con bạn có cần phải can thiệp hay không?

Bạn hãy tham khảo một số mẹo sau đây để dễ dàng hơn trong cách trị nói lắp cho trẻ nhỏ nhé:

  • Dành nhiều thời gian để trò chuyện, chơi đùa cùng con hơn. Cố gắng nói thật bình tĩnh và chậm rãi để con có thể hiểu hết những gì bạn muốn diễn đạt.
  • Thường xuyên cho trẻ xem phim hoạt hình và ngay sau đó hỏi bé những nội dung vừa xem. Chú ý thật kiên nhẫn chờ trẻ nói hết câu và không nói thêm vào khi trẻ đang trình bày. Điều này đòi hỏi bạn phải thật sự tập trung trong cuộc trò chuyện con.
  • Tạo các cuộc trò chuyện theo nhóm như kể chuyện ở lớp với anh chị, ông bà. Cho bé hát một bài hay kể những điều thú vị mà hôm nay con đã làm ở lớp.
  • Khi con nói lắp, cha mẹ nên vờ như không chú ý và cứ để trẻ em tiếp tục câu chuyện của mình. Đặc biệt, người thân không nên nhại lại vì bé có thể sẽ cảm thấy xấu hổ và tự ti về bản thân.
  • Khuyến khích bé nói những câu, từ đơn giản. Hình thành phản xạ nói không bị lặp từ câu đơn giản, dần dần, từ từ rồi mới đến các câu mới.
Cách điều trị nói lắp ở trẻ em hiệu quả nhất 3 Giao tiếp thường xuyên với trẻ là một cách điều trị nói lắp ở trẻ em đơn giản cha mẹ có thể thực hiện

Trong trường hợp cần can thiệp, cha mẹ hãy đưa con đến các cơ quan y tế để các bác sĩ, chuyên gia có thể đánh giá và đưa ra những phương pháp điều trị hợp lý cho con bạn nhé! Khi trẻ nói lắp, bạn không cần quá lo lắng mà hãy thật kiên nhẫn và bình tĩnh tìm cách khắc phục. Với những thông tin trên, nhà thuốc Long Châu hy vọng bạn đã bỏ túi được những mẹo về cách điều trị nói lắp ở trẻ em hiệu quả!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm