Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dụng cụ nặn mụn được sử dụng để hỗ trợ quá trình loại bỏ cồi mụn ra khỏi lỗ chân lông. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về các loại dụng cụ phổ biến được dùng để nặn mụn và cách thức sử dụng công cụ đặc biệt này.

Khi có sự hỗ trợ của dụng cụ nặn mụn, việc lấy cồi mụn ra khỏi da sẽ diễn ra cực tiện lợi, dễ dàng và hiệu quả. Tuy nhiên điều này chỉ đúng nếu bạn sử dụng chúng một cách chuyên nghiệp, thành thạo và đúng cách.

Các loại dụng cụ nặn mụn được dùng phổ biến nhất hiện nay

Các dụng cụ nặn mụn hiện nay rất phong phú về mặt hình thái và dựa vào chức năng, người ta phân ra làm 2 loại cơ bản, đó là cây nặn mụn và nhíp gắp mụn.

Cây nặn mụn

Cây nặn mụn thường được làm bằng chất liệu inox chống gỉ, độ dài trên dưới 10cm. Chúng này có thể xử lý tốt mọi loại mụn có cồi, bao gồm cả mụn viêm và mụn ẩn.

Tùy từng phiên bản mà hai đầu của dụng cụ sẽ có đôi chút biến tấu. Có những đại diện đính kèm vòng inox ở cả hai đầu để hỗ trợ khâu ấn mụn. Hai vòng thép này sai khác về kích cỡ nên giúp người dùng chủ động trong việc tiếp cận và loại bỏ nhiều nốt mụn to nhỏ khác nhau. Có những đại diện chỉ gắn vòng thép ở một đầu, đầu còn lại vuốt nhọn như mũi kim (dùng để chọc vào đầu mụn, tạo điều kiện cho phần cồi dễ thoát ra).

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 1
Cây nặn mụn thường chứa vòng thép và đầu kim nhọn

Nhíp gắp mụn

Nhíp gắp mụn dùng để lôi cồi mụn ra khỏi lỗ chân lông. Chúng gồm hai cánh, kết nối với nhau ở một đầu, đầu còn lại mở rộng và có thể tăng giảm khoảng cách. Đặc biệt khi tiếp cận hai cánh nhíp, dụng cụ này sẽ giúp giữ chặt cồi mụn để loại bỏ chúng ra khỏi nền da người can thiệp.

Nhíp gắp mụn thường dùng trong hai trường hợp. Một là sau khi dùng cây nặn mụn, cồi mụn đã nhô ra một phần và người thực hiện muốn dùng nhíp để lấy nhân mụn triệt để. Hai là xử lý những nốt mụn già, cồi nhô cao khỏi bề mặt da (thường là mụn ẩn).

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 2
Nhíp gắp mụn được dùng khi cồi mụn đã khô và nhô cao khỏi bề mặt da

2. Quy trình nặn mụn đúng cách tại nhà với sự hỗ trợ của dụng cụ nặn mụn

Để nặn mụn bằng cây nặn mụn đúng cách, bạn làm theo các bước dưới đây:

Bước 1: Làm sạch tay và tiệt trùng dụng cụ nặn mụn

Nếu tay và cây nặn mụn vẫn còn nhiều vi khuẩn khu trú thì khi chạm vào da mặt, mụn sẽ nặng thêm. Do đó, việc đầu tiên bạn cần làm là làm sạch tay và tiệt trùng dụng cụ hỗ trợ.

Với tay, hãy dùng nước rửa tay diệt khuẩn, thao tác đúng kỹ thuật để loại bỏ mọi yếu tố nguy cơ. Với dụng cụ hỗ trợ, bạn có thể tiệt trùng theo ba cách. Một là nấu sôi nước và trụng qua. Hai là rửa bằng cồn 70 độ. Ba là thấm dung dịch povidine 10% vào bông tẩy trang rồi lau qua cây nặn mụn và nhíp gắp mụn, sau đó để khô tự nhiên.

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 3
Dụng cụ nặn mụn cần phải được tiệt trùng trước khi sử dụng

Bước 2: Làm sạch da mặt

Nếu lỗ chân lông vẫn còn nhiều dầu nhờn, bụi bẩn và tế bào chết thì việc tiếp cận cồi mụn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy nên làm sạch da mặt cũng là khâu đặc biệt quan trọng trong tiến trình nặn mụn.

Nếu bạn trang điểm hoặc dùng sản phẩm chống nắng thì trước khi rửa mặt cần tẩy trang thật sạch. Trong trường hợp để mặt mộc thì chỉ cần dùng sữa rửa mặt là đủ. Ưu tiên sản phẩm dịu nhẹ, chuyên dùng cho da mụn và có pH từ 5 - 6 để duy trì lớp màng bảo vệ tự nhiên trên da. Tuyệt đối nói không với các loại sữa rửa mặt dạng hạt vì sản phẩm này có thể khiến da bị kích ứng nặng do làm trầy xước bề mặt.

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 4
Làm sạch da sẽ giúp tiến trình nặn mụn diễn ra dễ dàng hơn

Bước 3: Xông hơi

Xông hơi da mặt bằng nước ấm là một trong những mẹo cực hay khi nặn mụn. Khi tiếp xúc với nền nhiệt cao nhưng trong giới hạn an toàn, lỗ chân lông sẽ giãn nở mạnh, mở to hơn. Từ đó dụng cụ hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận cồi mụn nằm ẩn sâu bên trong lỗ chân lông. Bên cạnh đó còn mở rộng đường đi ra của nhân mụn, giúp giảm thiểu tình trạng sang chấn, chảy máu khi nặn mụn.

Để chuẩn bị nước xông, bạn chỉ cần rửa sạch sả và chanh với tỷ lệ ngang nhau, cho vào nồi nấu sôi vài dạo. Sau đó tắt bếp, chờ hạ nhiệt xuống mức 85 độ C thì ghé mặt vào nồi, trùm khăn thật kín. Lưu ý để mặt cách miệng nồi 25cm và xông khoảng 15 phút trước khi nặn mụn.

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 5
Khi xông hơi, lỗ chân lông sẽ nở to nên tạo thế thuận lợi cho việc lấy cồi mụn ra khỏi bề mặt da

Bước 4: Nặn mụn bằng dụng cụ chuyên biệt

Đầu tiên, bạn dùng bông tẩy trang thấm chút cồn hoặc nước muối sinh lý 0,9% để sát khuẩn bề mặt. Sau đó xác định hướng của cồi mụn và nhẹ nhàng dùng vòng thép của cây nặn mụn tiếp cận theo hướng vuông góc. Từ từ ấn đều tay xuống nền da. Khi đó, nhân mụn chịu áp lực lớn từ vòng inox bao quanh nên sẽ bật ra khỏi lỗ chân lông đang khu trú.

Trong trường hợp lỗ chân lông bịt kín, khó tiếp cận thì bạn dùng mũi kim ở đầu đối diện để chích một đường nhỏ rồi mới tiến hành thao tác nói trên.

Nếu mụn ẩn đã già và phần đầu của cồi mụn đã đẩy lên bề mặt thì bạn dùng nhíp kẹp lấy đầu mụn và kéo từ từ lên trên. Có thể dùng tay còn lại hơi bóp nhẹ nốt mụn để tối ưu hiệu quả loại bỏ nhân mụn.

Sau khi nhân mụn được lấy ra, bạn dùng bông thấm nước muối 0,9% để lau rửa rồi di chuyển đến khu vực khác, tiếp tục tiến trình nặn mụn cho đến hết.

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách dùng chuẩn xác nhất 6
Loại bỏ cồi mụn bằng dụng cụ chuyên dụng là bước quan trọng nhất trong tiến trình nặn mụn

Bước 5: Làm sạch sau nặn mụn

Rửa mặt một lần nữa bằng sản phẩm thân thiện, có độ lành tính cao rồi dùng khăn sạch thấm khô. Với dụng cụ hỗ trợ, bạn nên rửa sạch và tiệt trùng trước khi hong khô và đem cất giữ để tái sử dụng lần sau.

Những lưu ý đặc biệt sau nặn mụn

Sau khi nặn mụn, bạn cần chú ý đến những điều sau:

  • Bọc đá vào vải cotton, sau đó chườm nhẹ để giảm sưng nếu cần.
  • Nên thoa kem đặc trị để diệt khuẩn, tiêu viêm và đẩy nhanh tiến trình se lành tổn thương.
  • Chống nắng kỹ càng vì da ở giai đoạn này rất nhạy cảm, nếu tiếp xúc nắng trực tiếp sẽ dễ hình thành vết thâm, tổn thương lâu phục hồi.
  • Không nên dùng nhiều thành phần dưỡng ẩm sau nặn mụn, ưu tiên sản phẩm thân thiện với da mụn, dễ thấm, thoáng mặt khi chăm sóc da.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ quả tươi, kiêng thịt bò, hải sản, đồ dầu mỡ, chất kích thích, đồ uống có cồn trong tối thiểu 10 ngày.
  • Không trang điểm sau nặn mụn để tránh gây viêm nhiễm và nguy cơ hình thành cồi mụn trở lại.

Các loại dụng cụ nặn mụn và cách sử dụng chúng đã được cung cấp chi tiết trong bài viết này. Bây giờ thì bạn có thể nặn mụn đúng cách tại nhà theo hướng dẫn trên rồi chứ?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin