Long Châu

Các loại hormone trong cơ thể con người

Ngày 18/10/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hormone là chất có lượng rất ít nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu về các hormone trong cơ thể trong bài viết sau.

Các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh được hệ nội tiết có vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể con người. Tuy nhiên, đây cũng là một hệ thống rất phức tạp với sự kết hợp của các loại hormone sản sinh từ các tuyến và nội tạng trong cơ thể. Vậy chúng đóng vai trò gì và tác động thế nào đến cơ thể của chúng ta?

Vai trò của các loại hormone trong cơ thể

Trong cơ thể con người, hệ nội tiết có chức năng như của hệ thần kinh đó là chức năng giao tiếp. Trong khi hệ thần kinh thực hiện chức năng giao tiếp nhờ các tín hiệu điện não và nơron thần kinh thì hệ nội tiết thực hiện chức năng này thông qua nồng độ các hóa chất (hormone). Các hormone này kiểm soát phần lớn các quá trình trong cơ thể con người bao gồm quá trình tăng trưởng, phát triển, chuyển hóa trao đổi chất, sinh sản...

Hoocmon trong cơ thể rất quan trọng cho sức khỏe

Hormone trong cơ thể rất quan trọng cho sức khỏe.

Đặc biệt sự cân bằng hormone trong cơ thể đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể hoạt động bình thường. Các hormone trong cơ thể được sản sinh từ các vùng khác nhau như vùng não, tuyến yên, tuyến giáp, các cơ quan nội tạng như tụy, gan, thận. Mỗi vùng khác nhau sẽ sản sinh ra các hormone khác nhau. Chính vì vậy, nếu cơ thể mất cân bằng trong quá trình sản sinh hormone có thể gây ra các tình trạng bệnh lý.

Các loại hormone trong cơ thể người

Đây là các hormone quan trọng nhất trong cơ thể vì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người.

Các hormone của tuyến giáp

Tuyến giáp về cơ bản sản sinh ra 2 hormone là Triiodothyronine (T3) và Thyroxine (T4). Hai hormone này có vai trò giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn điều chỉnh cân nặng, nhiệt độ trong cơ thể, xác định mức năng lượng,.. Mất cân bằng hormone tuyến giáp sẽ gây nhiều bệnh lý như suy giáp, basedow.

Insulin - hormone tuyến tụy

Insulin là hormone được sản sinh từ tuyến tụy. Tuyến tụy là một cơ quan hình lá nằm trong ổ bụng, phía sau dạ dày. Hormone này cho phép cơ thể biến đổi lượng đường từ carbonhydrate có trong thức ăn mà chúng ta ăn vào  thành năng lượng hoặc tồn tại dưới dạng dự trữ để cơ thể dùng khi cần thiết. Đặc biệt, insulin giúp điều chỉnh lượng đường trong máu luôn giữ ở mức ổn định, không bị tăng quá cao (tăng đường huyết) hay hạ quá thấp (hạ đường huyết).

Insulin là hoocmon của tuyến tụy

Insulin là hormone của tuyến tụy.

Hormone sinh dục nữ Estrogen

Estrogen là hormone sinh dục nữ được sản sinh bởi 2 buồng trứng ở nữ, giữ vai trò quan trọng trong việc vấn đề kinh nguyệt, sinh sản và mãn kinh. Nếu nồng độ estrogen trong cơ thể tăng quá mức có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú, trầm cảm, chứng ủ rũ,... Ngược lại nếu nồng độ estrogen thấp sẽ dẫn đến các tình trạng tổn thương da, mụn trứng cá, rụng tóc ở phụ nữ.

Progesterone

Progesteron được sản sinh ở 2 buồng trứng ở nữ, tại nhau thai khi người phụ nữ có em bé và trong tuyến thượng thận. Progesteron kích thích và điều tiết, giúp cơ thể chuẩn bị cho sự thụ thai, mang thai, duy trì thai kỳ và điều chỉnh chu kỳ hàng tháng. Trường hợp người phụ nữ không mang thai, nồng độ progesteron giảm xuống là thời điểm chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Bên cạnh đó, progesteron còn đóng vai trò trong vấn đề ham muốn tình dục ở phụ nữ.

Testosterone

Testosterone là 1 hormone sinh dục nam và là 1 steroid đồng hóa tự nhiên giúp tăng cơ. Nó đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển các mô sinh sản ở nam giới: tinh hoàn và tuyến tiền liệt. Nó cũng túc đẩy đặc điểm tình dục thứ cấp như tăng xương, tăng khối lượng cơ bắp hay sự phát triển lông trên cơ thể. Thiếu testostrerone có thể dẫn đến những biến chứng ở nam giới như yếu và mất xương.

Testosterol là hooc môn sinh dục nam

Testosterol là hormone sinh dục nam.

Prolactin

Prolactin được tuyến yên tiết ra sau khi phụ nữ sinh con, giúp tạo sữa cho mẹ. Ở phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, nồng độ prolactin tăng cao hơn bình thường do cần prolactin để ức chế hormone kích thích nang trứng FSH và hormone giải phóng gonadotropin GnRH.  

Serotonin

Serotonin là hormone có vai trò giúp thúc đẩy cảm xúc hay còn gọi là “chất tạo cảm giác hạnh phúc" tự nhiên. Nó liên quan đến học tập và trí nhớ, giúp điều hòa tiêu hóa, điều hòa tâm trạng, giấc ngủ, một số chức năng cơ bắp,... Nếu nồng độ serotonin trong cơ thể thấp, não không thể sản xuất đủ hormone để điều chỉnh tâm trạng có thể gây ra tình trạng trầm cảm, đau nửa đầu, mất ngủ, thèm ăn, tăng cân,... Ngược lại nồng độ serotonin tăng cao có thể gây kích động, buồn ngủ, thậm chí là cơ thể rơi vào tình trạng lú lẫn.

Serotonin là hoocmon tạo cảm giác hạnh phúc

Serotonin là hormone tạo cảm giác hạnh phúc.

Cortisol

Cortisol được sản xuất từ tuyến thượng thận, có vai trò giúp cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng. Vai trò chính của hormone này là kiểm soát căng thẳng tâm lý và thể chất. Khi cơ thể gặp tình trạng nguy hiểm, cơ thể sẽ sản sinh ra cortisol, nó làm tăng nhịp tim, hô hấp, huyết áp,... để đối phó tình hình. Tuy nhiên, nếu nồng độ cortisol quá cao sẽ gây tăng huyết áp, mức cholesterol cao thậm chí gây rối loạn lo âu. Ngược lại, nồng độ cortisol thấp có thể dẫn đến chứng nghiện rượu hay các vấn đề do hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Adrenaline

Adrenaline được tiết ra từ tuyến thượng thận và các tế bào thần kinh trung ương. Nó kích thích khiến cơ thể phải suy nghĩ và phản ứng nhanh với căng thẳng. Khi cơ thể bị căng thẳng, adrenaline sẽ được giải phóng vào máu sau đó được gửi đến các cơ quan khác để tạo ra phản ứng cụ thể. Ngoài ra, adrenaline còn làm tăng tốc độ trao đổi chất và sự giãn nở các mạch máu đến tim và não.

Hormone tăng trưởng (Somatotropin)

Somatotropin là hormone protein gồm 190 loại axitamin được tổng hợp và sản sinh từ tế bào somatotrophs ở phần trước tuyến yên. Nó có vai trò kích thích tăng trưởng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tái tạo tế bào. Hormone tăng trưởng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của con người.

Hormone được coi là sứ giả hóa học của cơ thể. Cơ thể khi bị mất cân bằng hormone có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, vô sinh, xương yếu, tăng hoặc giảm cân hay các bệnh lý khác. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý là điều rất cần thiết đối với mỗi chúng ta. 

Lâm Khuê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm