Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng

Ngày 14/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường là bệnh lý có thể gặp ở mọi độ tuổi, tuy nhiên hầu như thường gặp ở người lớn tuổi và biểu hiện cũng không rõ ràng, do đó cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường để xác định chính xác bệnh lý. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về một số loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường được áp dụng thông qua bài viết dưới đây nhé.

Tiểu đường là bệnh lý phổ biến hiện nay và đang dần trẻ hoá. Việc xã hội phát triển khiến việc ăn uống phản khoa học hoặc các loại thực phẩm không sạch có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường. Do đó, cần tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và điều trị chính xác.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng phương pháp xét nghiệm đường niệu

Thông thường glucose sẽ được tái hấp thu tại ống thận hầu như là hoàn toàn. Chỉ khoảng 0,5 mmol/24h. Vì vậy đối với các xét nghiệm thông thường không phát hiện glucose được thì xem như "Âm tính".

Ngưỡng của thận với glucose thông thường là 1,6-1,8 g/L (160-180 mg/dL) hay 8,9-10 mmol/L. Nếu lượng đường trong máu cao hơn giá trị trung bình này, thận sẽ không thể hấp thu được hết và glucose sẽ xuất hiện trong nước tiểu.

Trước kia xét nghiệm glucose niệu thường dùng để sàng lọc đái tháo đường. Tuy nhiên hiện nay chúng ít được áp dụng hơn là do:

  • Một số người có khả năng tái hấp thu của thận kém, tức là ngưỡng thận thấp (<1,7 g/L), đường máu chưa cao nhưng xét nghiệm đã thấy đường trong nước tiểu.
  • Nếu bệnh nhân nào bị rối loạn enzyme bẩm sinh sẽ xuất hiện một số đường khác như fructose, galactose và cho xét nghiệm dương tính.
  • Máy đo đường huyết cá nhân đã phổ biến nên cũng tiện lợi cho việc sàng lọc, không cần phải đi xét nghiệm.
Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng1 Có nhiều phương pháp dùng để xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Xét nghiệm glucose niệu được thực hiện bằng 2 cách là định tính với thuốc thử Fehling và định lượng bằng máy xét nghiệm nước tiểu. Hiện nay đa số đều xét nghiệm glucose niệu bằng máy xét nghiệm nước tiểu 10 hoặc 11 thông số. Nước tiểu sẽ phản ứng với hoá chất trên thanh test thử tạo màu. Độ đậm nhạt sẽ tỉ lệ thuận với nồng độ glucose trong nước tiểu. Xét nghiệm tương đối nhanh, đơn giản.

Định lượng glucose máu ngẫu nhiên

Theo tổ chức y tế thế giới,một trong các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường là xét nghiệm đường máu tại thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dl (≥ 11,1 mmol/l) với huyết tương hoặc ≥ 180 mg/dl (≥ 10,0 mmol/l) với máu toàn phần. Như vậy ta có thể xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường bất kỳ lúc nào mà không cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Nếu cứ thấy đường máu ≥ 11,1 mmol/l thì kết luận là bị đái tháo đường. Tuy nhiên cần làm thêm nghiệm pháp tăng đường huyết để khẳng định chính xác khi mà kết quả đường máu ở thời điểm bất kỳ mà < 7,8mmol/L.

Xét nghiệm định lượng đường máu có hai cách. Một là lấy máu ly tâm tách huyết tương và xét nghiệm trên các hệ thống máy hóa sinh bán tự động hoặc tự động. Hai là dùng các máy đo đường huyết cá nhân để đo ngay máu toàn phần từ mao mạch. Nên dùng cách một để kết quả chính xác hơn.

Định lượng glucose máu lúc đói

Đây là xét nghiệm phổ biến được dùng để chẩn đoán đái tháo đường. Bình thường glucose huyết tương khi đói là 4,4 - 5,0 mmol/L. Nếu như chỉ số (sau ăn 8h) ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) ở hai lần xét nghiệm gần nhau thì kết luận là đái tháo đường. Lưu ý là đường máu trong huyết tương phải cao hơn trong máu toàn phần khoảng 10 đến 15%.

Như vậy:

  • Nếu xét nghiệm glucose huyết tương < 5,6 mmol/L (<100mg/dL) hoặc <4,4mmol/L (<79mg/dL) trong máu toàn phần thì không bị đái tháo đường.
  • Nếu xét nghiệm glucose huyết tương 5,6 - 6,4 mmol/L (100-116 mg/dL) hoặc 4,4 - 5,5 mmol/L (79 - 99 mg/dL) trong máu toàn phần thì khả năng bị đái tháo đường khá thấp.
  • Nếu xét nghiệm glucose huyết tương 6,5 - 7,0 mmol/L (117 - 126 mg/dL) hoặc 5,6 - 6,6 mmol/L (100 - 119 mg/dL) trong máu toàn phần thì nguy cơ bị đái tháo đường cao và cần làm thêm nghiệm pháp tăng đường huyết.
  • Nếu xét nghiệm glucose huyết tương ≥ 7,0 mmol/L (≥126mg/dL) hoặc ≥6,7mmol/L (≥120mg/dL) trong máu toàn phần thì kết luận bị đái tháo đường.
Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng2 Xét nghiệm định lượng glucose máu lúc đói cũng có thể dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường

Xét nghiệm glucose máu sau khi ăn 2 giờ

Xét nghiệm định lượng glucose sau ăn 2h là được thực hiện bằng cách lấy máu bệnh nhân sau khi họ ăn được 2h. Bữa ăn của bệnh nhân sẽ có khoảng 100g carbonhydrat và một số dinh dưỡng khác. Nếu xét nghiệm thấy kết quả nồng độ glucose trong huyết tương ≥ 11,1 mmol/l thì sẽ được coi là đái tháo đường. Còn nếu nồng độ glucose < 6,7 mmol/L được coi là bình thường. Tuy nhiên xét nghiệm này ít được sử dụng hiện nay vì:

  • Khó kiểm soát được thành phần dinh dưỡng bữa ăn của bệnh nhân. Có người ăn nhiều cơm, có người ăn nhiều rau, nhiều thịt…
  • Khó kiểm soát thời gian của bữa ăn một cách chính xác.
  • Khó kiểm soát sự hấp thu thức ăn của cơ thể bệnh nhân.

Nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống

Nghiệm pháp này thường được dùng nhằm để khẳng định bệnh nhân có nồng độ glucose huyết tương > 6,4 mmol/L nhưng < 7,0 mmol/L có tiểu đường hay không. Nghiệm pháp được thực hiện như sau:

  • Lấy máu trước khi uống (lúc đói).
  • Cho bệnh nhân uống 75g glucose hòa tan trong vòng 5 phút. Trẻ em uống 1,75g/kg cân nặng.
  • Lấy máu bệnh nhân định lượng lại nồng độ glucose tại các thời điểm sau 30, 60, 90 và 120 phút sau uống.

Nếu kết quả định lượng glucose ở thời điểm 120 phút và một thời điểm nào đó trong các điểm 30’, 60’ và 90’ mà ≥ 11,1 mmol/L thì được xem là đái tháo đường.

Tuy nhiên để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất nên lưu ý:

  • Bệnh nhân đang không sử dụng các loại thuốc nhóm glucocorticoid, thuốc lợi tiểu
  • Bệnh nhân vẫn hoạt động hay ăn uống bình thường 3 ngày trước khi tiến hành xét nghiệm.
  • Nghiệm pháp được thực hiện khi bệnh nhân đã nhịn ăn được tối thiểu 8 đến 10 tiếng.
  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại chỗ, tránh vận động trong quá trình xét nghiệm.
Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dùng3 Bạn vẫn có thể ăn uống bình thường 3 ngày trước khi xét nghiệm

Tiêm tĩnh mạch để thực hiện nghiệm pháp tăng glucose máu

Nghiệm pháp này không phổ biến vì dễ làm bệnh nhân sợ.

Nghiệm pháp này chỉ được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân hấp thu kém hoặc không có khả năng dung nạp glucose bằng đường uống.

Nghiệm pháp được tiến hành bằng cách tiêm glucose tĩnh mạch với liều lượng 0,5g/kg thể trọng. Tiến hành lấy máu sau khi tiêm và định lượng lại glucose 10 phút 1 lần, thực hiện trong vòng 60 phút.

Trên đây là các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường thường được dùng. Hy vọng thông qua bài viết trên của Long Châu, các bạn đã hiểu thêm về các xét nghiệm trong bệnh tiểu đường cũng như cách đọc chỉ số xét nghiệm chính xác.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm