Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết

Ngày 11/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chảy máu cam là hiện tượng rất phổ biến, thường gặp ở trẻ em từ 2 - 10 tuổi và người lớn từ 50 - 80 tuổi. Nguyên nhân chảy máu cam có thể bao gồm nhiều thứ, thế nhưng hầu hết tình trạng này đều có thể xử lý tại nhà, trừ những trường hợp diễn ra thường xuyên hoặc không thể cầm máu mới cần tới sự can thiệp y tế.

Vậy đâu là những nguyên nhân chảy máu cam phổ biến, cũng như cách xử lý và phòng tránh nó như thế nào, hãy cùng Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau.

Sơ lược về bệnh lý chảy máu cam

Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi. Bộ phận ngăn cách hai bên lỗ mũi được gọi là vách ngăn, vách ngăn này chứa nhiều mạch máu nhỏ mỏng manh. Chảy máu cam xảy ra khi có tổn thương làm cho các mạch máu này bị vỡ ra.

Chảy máu cam được chia làm 2 loại, phụ thuộc vào vị trí nơi bị chảy máu:

  • Chảy máu cam phía trước: Xảy ra khi các mạch máu ở phía trước mũi bị phá vỡ.
  • Chảy máu cam phía sau: Là hiện tượng hiếm hơn, nó xảy ra ở phần lưng hoặc phần sâu nhất của mũi và thường gặp ở người lớn tuổi, người đã có chấn thương ở mặt hoặc người bị huyết áp cao.

Khá khó để nhận biết bạn bị chảy máu cam phía trước hay phía sau. Cả hai loại đều có thể khiến máu chảy về phía sau cổ họng nếu bạn nằm ngửa. Tuy nhiên nếu bạn đang thực sự bị chảy máu cam phía sau, hãy tìm kiếm sự can thiệp y tế sớm vì đây có thể là tình trạng nguy hiểm.

Các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết 1
Chảy máu cam xảy ra khi có tổn thương làm cho các mạch máu này bị vỡ ra

Nguyên nhân chảy máu cam thường gặp

Chảy máu cam thường xảy ra khá đột ngột và có thể do những nguyên nhân phía dưới đây.

Không khí khô

Không khí khô là nguyên nhân chảy máu cam thường gặp nhất. Độ ẩm không khí thấp có thể làm khô niêm mạc mũi, khiến nó bị nứt và gây chảy máu. Với những người có cơ địa nhạy cảm, thời điểm giao mùa hoặc khi di chuyển từ nơi khí hậu nóng ẩm sang nơi có khí hậu lạnh và khô hơn sẽ dễ bị chảy máu cam vì cơ thể chưa kịp thích nghi với thời tiết.

Dị vật kẹt trong mũi

Khi một vật lạ kẹt bên trong mũi, nó có thể vô tình cọ xát với các bộ phận bên trong, gây ra tổn thương và dẫn đến chảy máu cam. Tình trạng này khá phổ biến ở các em nhỏ, vì đó là độ tuổi của sự tò mò và tính khám phá, các em hay có thói quen đưa những đồ vật nhỏ như viên bi, cục tẩy, đồ chơi nhỏ vào miệng, mũi hoặc tai.

Trong một số trường hợp, dị vật mắc kẹt có thể gây nhiễm trùng, nghẽn đường thở và thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, đây là nguyên nhân mà phụ huynh cần phải chú ý để bảo vệ sức khỏe của con mình.

Ngoáy mũi hoặc chà xát quá mạnh

Việc ngoáy mũi thường xuyên sẽ vô tình làm tổn thương các mạch máu và gây chảy máu cam. Ngoáy mũi là thói quen hay gặp ở trẻ em, và cũng có ở một số người lớn do ngứa và khó chịu bên trong mũi.

Các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết 2
Ngoáy mũi là thói quen hay gặp ở trẻ em và là một trong các nguyên nhân chảy máu cam

Bệnh lý và thuốc

Một số bệnh lý và thuốc sử dụng cũng có thể là nguyên nhân chảy máu cam, chẳng hạn như:

  • Bệnh gan, bệnh thận hay nghiện rượu mãn tính có thể làm giảm khả năng đông máu của cơ thể, dẫn đến bạn dễ bị chảy máu cam nhiều hơn.
  • Các bệnh tim như huyết áp cao và suy tim sung huyết.
  • Cảm lạnh, dị ứng và xì mũi thường xuyên cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mũi và dẫn đến chảy máu cam.
  • Các loại thuốc chống đông máu như Warfarin, Aspirin 81 mg, Clopidogrel… có thể làm thay đổi khả năng đông của máu, dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
  • Các thuốc giảm đau thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAID).
  • Các thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng có thể làm khô niêm mạc mũi, gây nứt nẻ và dẫn tới chảy máu.
  • Hóa trị có thể làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cản trở quá trình đông máu nên cơ thể sẽ dễ bị chảy máu hơn.
  • Bệnh lý lệch vách ngăn mũi.

Cách xử lý khi chảy máu cam tại nhà

Hầu như các tình trạng chảy máu cam đều có thể khắc phục tại nhà với nguyên tắc điều trị là cầm máu. Sau đây là cách xử trí mà bạn có thể thực hiện:

  • Trấn an người bệnh, đặc biệt là trẻ em, vì khóc sẽ làm tăng lưu lượng máu, khiến máu chảy ra nhiều hơn.
  • Cho bệnh nhân ngồi thẳng người, có thể hơi cúi đầu về phía trước.
  • Dùng ngón tay cái ấn và tạo áp lực lên phần mềm của mũi trong vòng ít nhất 10 phút, trong lúc này khuyến khích người bệnh thở bằng miệng.
  • Nới lỏng quần áo bó sát phần xung quanh cổ.
  • Sau 10 phút, thả tay ra và kiểm tra xem tình trạng đã cải thiện chưa.
  • Nếu mũi đã ngừng chảy máu, đảm bảo người bệnh không xì mũi trong vòng 15 phút sau đó và cố gắng không ngoáy mũi trong suốt thời gian còn lại của ngày. 15 phút là thời gian tối thiểu để quá trình đông máu được ổn định.
  • Nếu máu vẫn tiếp tục chảy trong 10 - 15 phút sau đó, bạn nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ.

Bạn nên tìm đến bác sĩ và phải có sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu rơi vào một trong những trường hợp sau:

  • Bị chảy máu cam thường xuyên;
  • Đã bị chấn thương ở đầu;
  • Đang dùng thuốc chống đông máu;
  • Bị tim đập nhanh;
  • Chảy máu cam trong hơn 20 phút.
Các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết 3
Hầu như các tình trạng chảy máu cam đều có thể khắc phục tại nhà

Các cách phòng tránh chảy máu cam

Bạn có thể không biết lúc nào mình có thể bị chảy máu cam, nhưng đây là một số việc bạn có thể làm để giảm bớt nguy cơ mắc phải nó:

  • Giữ ấm cho phần bên trong mũi: Việc này sẽ giúp giảm bớt tình trạng khô niêm mạc mũi. Bạn có thể sử dụng tăm bông để nhẹ nhàng bôi một lớp sáp dưỡng ẩm mỏng bên trong mũi 3 lần một ngày, kể cả trước khi ngủ, hoặc có thể thay bằng các thuốc mỡ kháng sinh như Bacitracin và Polysporin.
  • Sử dụng các sản phẩm xịt thông mũi: Mục đích là giữ ẩm bên trong mũi của bạn.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Để duy trì độ ẩm không khí trong nhà hoặc phòng của bạn vào những ngày thời tiết hanh khô.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá có thể gây kích ứng và làm khô niêm mạc mũi.
  • Cố gắng không ngoáy mũi, không thổi vào mũi hoặc chà xát quá mạnh. Nếu bạn có con, ngoài việc khuyên bé không ngoáy mũi, bạn cũng nên cắt móng tay cho bé thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ tổn thương khi bé chạm vào mũi của mình.
  • Không sử dụng thuốc cảm cúm và thuốc dị ứng quá thường xuyên: Tác dụng phụ của các thuốc này có thể làm khô niêm mạc mũi của bạn.
Các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết 4
Sử dụng các sản phẩm xịt thông mũi là một càch phòng tránh chảy máu cam

Chảy máu cam là tình trạng khá phổ biến, thường không nghiêm trọng mặc dù nó có thể xảy ra rất bất ngờ. Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin về các nguyên nhân chảy máu cam, cách xử lý và phòng tránh tại nhà bạn cần biết để có thể bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin