Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chảy máu lâu cầm: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Ngày 23/10/2024
Kích thước chữ

Chảy máu lâu cầm có thể là dấu hiệu của các vấn đề về rối loạn đông máu hoặc thiếu hụt các yếu tố cần thiết như tiểu cầu, vitamin K. Nguyên nhân bao gồm các bệnh lý di truyền, suy giảm chức năng gan hoặc tác dụng phụ của thuốc chống đông máu,... Việc nhận biết và xử lý kịp thời sẽ giúp hạn chế nguy cơ mất máu và nhiễm trùng.

Khi cơ thể bị tổn thương, quá trình cầm máu diễn ra để hạn chế tình trạng mất máu và hỗ trợ cho vết thương nhanh chóng phục hồi. Cơ chế này không chỉ giúp ngăn chặn máu thoát ra ngoài mà còn đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, quá trình này không hoạt động như bình thường và điều này có thể gây ra vấn đề chảy máu lâu cầm hoặc khó đông máu.

Quá trình cầm máu và hiện tượng chảy máu lâu cầm

Khi cơ thể gặp phải tổn thương, máu bắt đầu chảy ra tại vị trí mạch máu bị vỡ và cơ chế cầm máu của cơ thể lập tức được kích hoạt để ngăn ngừa tình trạng mất máu quá nhiều. Đây là một quá trình phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các rủi ro tiềm ẩn.

Cơ chế cầm máu của cơ thể

Cơ chế cầm máu của cơ thể là một phản ứng tự nhiên giúp hạn chế mất máu khi mạch máu bị tổn thương. Ngoài ra trong quá trình lành vết thương, các mô mới sẽ được tái tạo và cục máu đông sẽ từ từ tách ra khỏi khu vực bị tổn thương. Quá trình này được diễn ra gần như đồng thời với ba bước chính:

  • Co mạch máu và tạo nút chặn miệng vết thương: Tiểu cầu sẽ bám vào mô bị tổn thương và hình thành nút chặn tạm thời để ngăn máu thoát ra ngoài, đồng thời co thắt mạch máu để giảm lượng máu bị mất.
  • Chuỗi đông máu: Các thành phần đông máu trong cơ thể được kích hoạt theo chuỗi phản ứng đông máu để tạo fibrin - sợi protein làm chắc và ổn định nút tiểu cầu, hình thành cục máu đông.
  • Tái tạo cục máu đông fibrin: Là quá trình cơ thể phân hủy cục máu đông tạm thời và thay thế bằng mô mới thông qua quá trình tiêu sợi huyết, giúp vết thương lành hoàn toàn.
Chảy máu lâu cầm: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 1
Quá trình cầm máu của cơ thể được diễn ra gần như đồng thời với ba bước chính

Hiện tượng chảy máu lâu cầm

Hiện tượng chảy máu lâu cầm xảy ra khi máu không thể đông lại hoặc đông rất chậm so với bình thường khiến vết thương chảy máu kéo dài. Ở người bình thường, khi cơ thể bị tổn thương, máu sẽ đông lại tạo thành cục máu đông bao phủ lên miệng vết thương. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh máu khó đông hoặc thiếu hụt tiểu cầu quá trình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến việc chảy máu lâu cầm và khó kiểm soát.

Mặc dù chúng ta không có ngưỡng thời gian cụ thể để xác định tình trạng chảy máu lâu cầm và kéo dài vì mỗi vết thương lại có vị trí và mức độ tổn thương khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của vết thương cũng như quá trình tiến hành các biện pháp cầm máu mà thời gian đông máu sẽ không đồng nhất. Tuy nhiên nếu bạn đã cố gắng thực hiện tất cả các thao tác sơ cứu nhưng máu vẫn tiếp tục chảy thì hãy lưu ý đến hiện tượng chảy máu lâu cầm để được điều trị kịp thời.

Chảy máu lâu cầm: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 2
Hiện tượng chảy máu lâu cầm xảy ra ở những người mắc bệnh máu khó đông

Nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu lâu cầm

Tình trạng chảy máu kéo dài và lâu cầm là một dấu hiệu đáng báo động về các vấn đề liên quan đến cơ chế đông máu. Khi cơ thể gặp khó khăn trong việc tạo cục máu đông để cầm máu, nhiều tình huống nguy hiểm hơn mà chúng ta có thể phải đối mặt như nguy cơ nhiễm trùng, mất máu,... Các bác sĩ đã đưa ra nhận định rằng tình trạng chảy máu lâu cầm do nhiều nguyên nhân gây nên bao gồm:

  • Rối loạn đông máu: Các bệnh lý di truyền như Hemophilia và bệnh Von Willebrand có thể gây thiếu hụt các protein đông máu trong cơ thể và làm chậm quá trình đông máu​.
  • Suy giảm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu giảm do các vấn đề như bệnh tủy xương, rối loạn tự miễn dịch hoặc tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng cầm máu​.
  • Suy giảm chức năng gan: Gan chịu trách nhiệm sản xuất các protein làm đông máu, do đó các bệnh lý như xơ gan có thể làm suy giảm khả năng tự đông máu.
  • Thiếu vitamin K: Vitamin K là yếu tố quan trọng nhằm kích thích các protein đông máu hoạt động. Việc thiếu hụt vitamin này có thể do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc do sử dụng kháng sinh kéo dài​.
  • Thuốc có thành phần chống đông máu: Những loại thuốc như aspirin có thể làm giảm khả năng đông máu, dẫn đến hiện tượng chảy máu kéo dài​.
Chảy máu lâu cầm: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 4
Các bệnh lý di truyền như Hemophilia và bệnh Von Willebrand gây rối loạn đông máu bẩm sinh

Làm thế nào để biết bạn có đang bị rối loạn đông máu không?

Các triệu chứng của rối loạn đông máu có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí của cục máu đông trong cơ thể. Nếu bạn gặp các triệu chứng được liệt kê dưới đây thì nên đến bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm chuyên khoa như kiểm tra các yếu tố đông máu hoặc xét nghiệm di truyền có thể giúp đánh giá tình trạng bệnh chính xác hơn. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Sưng, đau và nhạy cảm ở chân: Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch làm tắc nghẽn dòng máu lưu thông ở chân.
  • Đau ngực kèm theo khó thở: Có thể là dấu hiệu của thuyên tắc phổi (pulmonary embolism) do các cục máu đông tại chân bị vỡ và di chuyển lên phổi.
  • Xuất hiện các cơn đau tim.
  • Đột quỵ.
Chảy máu lâu cầm: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 5
Thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa để biết bạn có đang bị rối loạn đông máu không

Chảy máu lâu cầm có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến quá trình đông máu, chế độ dinh dưỡng hoặc các bệnh lý về tim mạch, gan,... Nếu bạn gặp tình trạng này thường xuyên, đừng chủ quan mà hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách nhận biết sớm tình trạng chảy máu lâu cầm, từ đó biết cách bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin