Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ và cách chăm sóc sau điều trị

Ngày 23/07/2024
Kích thước chữ

Tăng áp lực nội sọ (ICP) là tình trạng tăng áp lực xung quanh não, có thể là do lượng dịch não tủy dư thừa. Tình trạng này đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc, điều trị tăng áp lực nội sọ ngay lập tức.

Việc phát hiện và điều trị tăng áp lực nội sọ đòi hỏi phải kịp thời, sử dụng hợp lý phương pháp theo dõi xâm lấn, liệu pháp hướng đến cả việc giảm áp lực nội sọ và đảo ngược nguyên nhân nền gây nên tình trạng này. Để hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ, hãy cùng theo dõi ngay sau đây.

Nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ có thể do khối u nguồn gốc từ não hoặc ung thư lan rộng hoặc di căn đến não. U hắc tố bào và ung thư phổi, vú và thận đã di căn đến não có nhiều khả năng gây tăng áp lực nội sọ. Tăng áp lực nội sọ cũng có thể phát triển là biến chứng của phương pháp điều trị bệnh ung thư gây ra:

  • Sự tắc nghẽn trong các đường thoát của dịch não tủy khiến dịch không thể lưu thông bình thường.
  • Viêm não hoặc màng bao phủ não và tủy sống (viêm màng não).
  • Chảy máu trong não, xuất huyết não.
  • Sưng não (phù não).
  • Tăng áp lực nội sọ cũng có thể do xạ trị, mô não sưng lên do tác động của bức xạ.
Điều trị tăng áp lực nội sọ và quản lý sau điều trị 1
Có nhiều nguyên nhân gây nên tăng áp lực sọ não

Điều trị tăng áp lực nội sọ

Các can thiệp được thực hiện trong giai đoạn cấp tính để điều trị tăng áp lực nội sọ có thể được phân loại thành nội khoa hoặc phẫu thuật.

Tăng thông khí

Tăng thông khí là một phương pháp hiệu quả và nhanh chóng để điều trị tăng áp lực nội sọ. Giảm PCO2 gây co mạch các tiểu động mạch não dẫn đến giảm áp lực nội sọ. Tuy nhiên, tăng thông khí kéo dài và tích cực có thể dẫn đến giảm nghiêm trọng tưới máu não cục bộ và thiếu máu não cục bộ, có khả năng làm nặng thêm tổn thương thần kinh, đặc biệt là trong 24 đến 48 giờ đầu. Do đó, tăng thông khí có thể được sử dụng như biện pháp tạm thời để giảm áp lực nội sọ khi tăng cao.

Liệu pháp tăng áp lực thẩm thấu

Liệu pháp tăng thẩm thấu là nền tảng của điều trị tăng áp lực nội sọ. Các loại thuốc thường được sử dụng nhất là mannitol và dung dịch muối ưu trương. Các tác nhân làm tăng áp lực thẩm thấu làm giảm thể tích mô não bằng cách hút nước tự do ra khỏi mô não và đưa vào tuần hoàn toàn thân, sau đó đào thải qua thận. ​​Mannitol hoạt động bằng cách tăng độ thẩm thấu huyết thanh, dẫn đến sự chênh lệch thẩm thấu từ khoảng kẽ đến khoảng nội mạch, làm giảm phù não và làm giảm áp lực nội sọ.

Mannitol được bài tiết hoàn toàn qua nước tiểu và có nguy cơ hoại tử ống thận cấp nếu độ thẩm thấu huyết thanh vượt quá các mức khuyến cáo. Các tác dụng phụ khác của mannitol bao gồm hạ huyết áp, rối loạn điện giải (tăng kali máu, hạ kali máu, hạ magie máu, hạ phosphat máu) và phù não phản ứng sau khi sử dụng kéo dài. Mannitol chống chỉ định ở những bệnh nhân suy thận và có thể gây phù phổi và suy tim.

An thần và giảm đau

An thần và giảm đau là một phần không thể thiếu trong điều trị tăng áp lực nội sọ bằng nội khoa. Sự mất đồng bộ giữa hô hấp của bệnh nhân nằm ICU với máy thở và sự kích động làm tăng áp lực lồng ngực, gây ra giảm hồi lưu tĩnh mạch về tim, làm tăng thể tích máu não và hậu quả làm tăng áp lực nội sọ.

Điều trị tăng áp lực nội sọ và quản lý sau điều trị 2
Điều trị tăng áp lực nội sọ bằng manitol chống phù não

Hạ thân nhiệt trị liệu

Hạ thân nhiệt làm giảm quá trình trao đổi chất ở não từ đó làm giảm lưu lượng máu não và giảm áp lực nội sọ. Tuy nhiên, cho đến nay nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa đủ thuyết phục để ứng dụng vào lâm sàng.

Cắt bỏ các tổn thương khối u

Dựa trên các chỉ định và tình trạng cụ thể, cắt bỏ các tổn thương khối u có thể làm giảm ICP ngay lập tức. Các hướng dẫn gần đây về tăng áp lực nội sọ tự phát, khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ khối u càng sớm càng tốt đối với những bệnh nhân bị xuất huyết tiểu não đang trầm trọng hơn về mặt thần kinh hoặc bị chèn ép thân não và/hoặc não úng thủy tắc nghẽn. Ngoài ra, các nghiên cứu còn nhấn mạnh rằng việc loại bỏ khối máu tụ trên lều ở những bệnh nhân đang xấu đi có thể được coi là một biện pháp cứu sống. Các chỉ định chấp nhận được khác để loại bỏ khối u bao gồm loại bỏ khối máu tụ dưới màng cứng và ngoài màng cứng, áp xe não và cắt bỏ khối u não.

Phẫu thuật mở sọ giải áp

Phẫu thuật sẽ gồm cưa xương sọ, tạo ra một cửa sổ xương lớn, cung cấp một không gian trống lớn hơn cho não đang bị sưng phù. Theo cách này sẽ làm giảm áp lực nội sọ xuống 15% và khi mở màng cứng là 70%. Chỉ định chính cho phẫu thuật mở sọ giải áp là đột quỵ thiếu máu cục bộ bán cầu não lớn.

Thoát dịch não tủy

Dẫn lưu dịch não tủy, thậm chí 5 - 10 ml, có thể dẫn đến giảm áp lực nội sọ đáng kể ở những bệnh nhân có độ giãn nở nội sọ thấp. Điều này có thể được thực hiện bằng thiết bị dẫn lưu não thất ngoài (EVD), dẫn lưu thắt lưng hoặc chọc dịch não tủy nhiều lần. Việc lấy dịch não tủy qua EVD được ưu tiên hơn so với việc sử dụng dẫn lưu thắt lưng do nguy cơ thoát vị xuyên lều.

Điều trị tăng áp lực nội sọ và quản lý sau điều trị 3
Chụp CT scan sọ não để đánh giá dịch não tủy

Quản lý và hồi phục sau khi điều trị tăng áp lực nội sọ

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ, các biện pháp can thiệp ngay lập tức sẽ được thực hiện bao gồm bảo vệ đường thở, thông khí duy trì đủ oxy và cung cấp hỗ trợ tuần hoàn khi cần. Các biện pháp can thiệp để hạ hoặc ổn định áp lực nội sọ bao gồm nâng đầu giường lên ba mươi độ, giữ cổ ở tư thế trung tính, duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường và ngăn ngừa quá tải thể tích. Bệnh nhân phải được ổn định trước khi chuyển đến khoa X-quang để chụp não. Chụp cắt lớp vi tính (CT sọ não) là phương pháp hiệu quả nhất giúp xác định chẩn đoán tăng áp lực nội sọ và tìm nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, cần theo dõi ICP xâm lấn để hướng dẫn các can thiệp y tế.

Bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ nên được chăm sóc bởi các điều dưỡng khoa thần kinh hoặc khoa hồi sức tích cực, được đào tạo có năng lực trong việc đánh giá chức năng thần kinh và quản lý thiết bị theo dõi. Đánh giá bệnh nhân bao gồm theo dõi hàng giờ các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến thay đổi ICP hoặc thường xuyên hơn tùy theo tình hình lâm sàng. Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu áp lực nội sọ vượt quá các thông số đã thiết lập.

Hai thiết bị phổ biến nhất thường được dùng để theo dõi tăng áp lực nội sọ là máy theo dõi trong nhu mô và theo dõi trong não thất sử dụng lỗ thông não thất hoặc dẫn lưu não thất ngoài (EVD). EVD được ưu tiên hơn vì ống thông cũng có thể dẫn lưu dịch não tủy và do đó làm giảm áp lực nội sọ.

Điều trị tăng áp lực nội sọ và quản lý sau điều trị 4
Đặt máy theo dõi dịch não tủy trong não thất

Tóm lại, tăng áp lực nội sọ là một tình trạng lâm sàng thường gặp ở khoa chăm sóc đặc biệt, cần phải điều trị ngay lập tức. Duy trì mức bình thường của áp lực nội sọ và áp lực máu lên não nhằm ngăn ngừa tổn thương não thứ phát là trọng tâm của việc quản lý và điều trị tăng áp lực nội sọ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin