Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương đúng cách

Ngày 30/04/2022
Kích thước chữ

Việc hiểu rõ các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương rất quan trọng vì việc sơ cứu vết thương có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người đang bị thương.

Cầm máu là nguyên tắc hàng đầu nếu không may có chấn thương xảy ra. Nếu cầm máu không đúng cách, vết thương có thể bị hoại tử và gây khó khăn trong việc chữa trị về sau.

Sơ cứu vết thương chảy máu ngoài

Chảy máu ngoài là tình trạng dễ dàng nhận biết và bất kì ai cũng có thể gặp phải.

Cách nhận biết chảy máu ngoài

Chảy máu ngoài rất dễ nhìn thấy, đó có thể là các vết thương do khi bạn sơ ý gây ra như đứt tay, trầy xước da khi va quẹt, cạo râu. Điều này vô tình đã làm các mao mạch bên dưới da bị tổn thương và gây chảy máu. Đôi khi việc chảy máu là có lợi vì lượng máu chảy ra có thể đẩy vi khuẩn ra khỏi vết thương, giúp làm sạch vết thương. Tuy nhiên, chảy máu quá nhiều lại có thể khiến cơ thể bạn bị sốc và ngất do mất máu.

Cách sơ cứu khi bị chảy máu ngoài

Trường hợp vết thương nhẹ, chảy máu ít

Trong nhiều trường hợp, các vết trầy xước do cạo râu, do kim may có thể dẫn đến tình trạng chảy máu ít. Đối với các trường hợp bị thương nhẹ như vậy, bạn cũng không nên chủ quan mà cũng nên thực hành sơ cứu cầm máu đúng cách. Một chiếc băng cá nhân (băng dán vết thương) đã được khử trùng và một số loại thuốc có chứa chất neosporin có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị những vết thương nhẹ.

Nguyên tắc sơ cứu vết thương chảy máu ít:

  • Đầu tiên phải rửa tay sạch trước và sau khi sơ cứu cầm máu vết thương.
  • Rửa vết thương bằng nước sạch, có thể rửa dưới vòi nước máy để hỗ trợ rửa trôi vi khuẩn, hạn chế viêm nhiễm.
  • Nếu là vết thương nhẹ như xước da chỉ có máu rỉ ra thì nên để hở cho khô. Nếu máu chảy nhiều hơn thì mới cần đặt gạc hoặc băng y tế lên vết thương.
Các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương đúng cách 1 Đối với vết thương nhẹ bạn chị cần dán một miếng băng keo y tế là đã có thể cầm máu

Bạn không nên chủ quan với những vết thương nhỏ. Thậm chí đôi khi chỉ cần một vết cắt nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới các mạch máu. Nếu máu vẫn còn chảy sau 20 phút thì bạn cần đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

Trường hợp vết thương chảy máu khẩn cấp

Những vết thương nghiêm trọng do bị động vật cắn, người cắn hay bị những vật nhọn đâm sâu và chảy máu liên tục từ 15 đến 20 phút sau khi sơ cứu cầm máu thường là những trường hợp chảy máu khẩn cấp.

Khi một người bị chảy máu quá nhiều và đã cầm máu nhưng vô dụng, hãy theo dõi các triệu chứng khác như sốc, choáng váng của người bị thương. Nếu nạn nhân có các biểu hiện như da lạnh, da bị sưng, nhịp tim suy yếu và ngất, mất ý thức thì rất có thể nạn nhân đã bị sốc vì mất máu quá nhiều. Thậm chí nếu lượng máu chảy ra chỉ ở mức trung bình nhưng một số trường hợp người bị chảy máu vẫn có thể cảm thấy choáng váng hoặc buồn nôn.

Nguyên tắc sơ cứu khi bị chảy máu quá nhiều:

  • Nhớ rửa tay trước và sau sơ cứu khi chảy máu.
  • Xác định vị trí vết thương chảy máu để xử lý đúng cách.
  • Dùng tay nạn nhân hoặc nhân viên cấp cứu đè ép chặt lên hai mép vết thương ít nhất 5 đến 10 phút để cầm máu.
  • Tốt nhất nên đặt nạn nhân nằm xuống để nghỉ ngơi. Nếu vết thương ở tay hay chân, gác tay hoặc chân lên cao hơn so với tim nhằm giảm áp lực cho vết thương và đồng thời vẫn ép chặt vết thương để cầm máu. Điều này sẽ giúp máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng hơn trong khi nạn nhân chờ đợi để được giúp đỡ.
  • Phủ vết thương bằng miếng băng gạc sạch rồi băng lại, không nên băng quá chặt.
  • Nếu thấy máu còn chảy và thậm chí là thấm qua lớp băng thì đặt thêm miếng gạc nữa rồi băng thêm một lớp phủ thêm
  • Nếu băng ở các chi, phải thường xuyên kiểm tra các ngón xem có bị tái tím và lạnh không, nếu có thì phải nới lỏng băng để máu lưu thông.
  • Nếu có dấu hiệu sốc như xanh tái, mệt, lạnh người, nhớp nháp mồ hôi thì phải chống sốc.
Các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương đúng cách 2 Đối với vết thương lớn có thể dùng băng gạc y tế để sơ cứu cầm máu

Các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương chảy máu trong

Chảy máu trong là tình trạng chảy máu các cơ quan bên trong cơ thể mà không thể quan sát được từ bên ngoài.

Cách nhận biết chảy máu trong

Chảy máu trong thường khó phát hiện hơn so với chảy máu ngoài và nếu để lâu thì sẽ xảy ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy khi xảy ra tai nạn, trước tiên bạn cần xác định rõ xem nạn nhân chảy có bị máu bộ phận trong hay không để kịp thời xử lý. Thường thì người bị xuất huyết trong sẽ có các biểu hiện như nôn ói, có đờm…

Nếu chảy máu trong ở các vùng bụng và ngực thì khá nghiêm trọng vì các cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng, chúng có thể gây sốc cho bệnh nhân. Các vết thương ở ngực và bụng được coi là trường hợp khẩn cấp. Vì thế, nếu xác định có trường hợp chảy máu trong, bạn nên đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, nhất là khi nạn nhân có các triệu chứng sốc nghiêm trọng như chóng mặt, người yếu đuối, da nhợt nhạt và lạnh ngắt, khó thở, tăng nhịp tim…

Nguyên tắc sơ cứu chảy máu trong

  • Nếu bị chảy máu trong, người bệnh cần được đặt ở tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, tránh việc di chuyển và đụng chạm đến vết thương. 
  • Không được bôi thuốc hoặc chất sát trùng trực tiếp lên vùng da ngoài vết thương. Sau đó, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để tránh các trường hợp biến chứng nặng hơn.
  • Trước khi bắt đầu sơ cứu vết thương chảy máu, bạn nên xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương một cách cẩn thận. Có một số tình huống mà bạn không nên thực hiện bất kỳ loại sơ cứu mà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để để đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Các phương pháp sơ cứu cầm máu vết thương đúng cách 3 Nếu sau tai nạn nạn nhân có hiện tượng nôn ói nên xem xét trường hợp chảy máu trong

Sau khi các vết thương đã được sơ cứu cầm máu và băng bó cẩn thận, bạn cần theo dõi để đảm bảo rằng vết thương đang dần lành lại, không có tình trạng nhiễm trùng. Nếu phát hiện có chất dịch hoặc mủ chảy ra từ vết thương thì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bạn cần đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu thấy cơ thể có triệu chứng bị sốt hoặc bắt đầu thấy đau nhức nghiêm trọng khi chạm vào vết thương.

Các vết thương chảy máu có thể để lại hậu quả rất lớn nếu không xử lý kịp thời và đúng cách. Với những bước sơ cứu khi bị chảy máu trên đây, hy vọng bạn đã có được những kiến thức cần thiết cho mình để xử lý trong những tình huống tai nạn khẩn cấp.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin