Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào?

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đối với trẻ em, việc chảy máu mũi là điều rất bình thường và hầu hết đều không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu mời bạn đọc cùng tìm hiểu các nguyên nhân khiến bé bị chảy máu mũi 1 bên và cách xử lý.

Bé bị chảy máu mũi 1 bên là tình trạng thường phổ biến, xảy đến do nhiều nguyên nhân. Tuy đa phần trẻ bị chảy máu mũi 1 bên không nguy hiểm nhưng bố mẹ cần theo dõi thêm các dấu hiệu khác vì số ít trường hợp chảy máu mũi cũng có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết bé bị chảy máu mũi 1 bên

Cách đơn giản nhất để nhận biết bé bị chảy máu mũi 1 bên là thông qua mắt thường nhận thấy máu chảy từ niêm mạc mũi ngoài từ 1 lỗ mũi của bé. Trẻ có thể bị chảy máu mũi 1 bên trái hoặc 1 bên phải tùy theo vị trí niêm mạc mũi bị tổn thương.

Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào? 1
Bé bị chảy máu mũi 1 bên có thể do nhiều nguyên nhân

Một số trẻ bị chảy máu mũi 1 bên có thể xuất hiện tình trạng máu mũi chảy xuống cổ họng nên trẻ không có cảm giác đau trong mũi hoặc những vùng mô xung quanh. Nếu tình trạng chảy máu mũi được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể ngăn máu chảy và không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Tuy vậy, nếu trẻ bị chảy máu mũi do bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khi này bạn sẽ thấy trẻ chảy nhiều máu, máu mũi chảy liên tục hoặc bé thường xuyên bị chảy máu mũi 1 bên. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách. Một số trường hợp bé bị chảy máu mũi 1 bên khi đang ngủ, bố mẹ có thể nhận thấy những dải máu khô, chảy ra từ mũi của bé vào sáng hôm sau.

Nguyên nhân khiến bé bị chảy máu mũi 1 bên

Theo các bác sĩ, bé bị chảy máu mũi 1 bên có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, những tác nhân thường gặp gồm:

Chấn thương: Đây là nguyên nhân thường gặp khi nhắc đến tình trạng bé bị chảy máu mũi 1 bên. Trẻ có thói quen ngoáy mũi một bên, mắc kẹt dị vật bên trong lỗ mũi hoặc hắt xì, xì mũi quá mạnh,… đều có thể gây chảy máu mũi 1 bên. Khi chơi đùa trẻ bị vấp ngã cũng dẫn đến chảy máu mũi.

Không khí khô hoặc nhiều khói: Nếu không khí xung quanh quá khô sẽ làm niêm mạc mũi của bé bị khô, kích ứng và nhạy cảm hơn thông thường, đây cũng là yếu tố gia tăng khả năng bé bị chảy máu mũi 1 bên hoặc cả 2 bên mũi. Ngoài ra, trẻ em khi tiếp xúc gần, thường xuyên với khói độc, khói thuốc lá,… cũng dễ bị chảy máu mũi hơn.

Cảm lạnh hoặc dị ứng: Bé bị cảm lạnh hoặc dị ứng khiến niêm mạc trong mũi bị sưng tấy và kích ứng, từ đó dẫn đến hiện tượng bé bị chảy máu mũi 1 bên hoặc chảy cả 2 bên mũi.

Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào? 2
Cảm lạnh hoặc dị ứng khiến trẻ hắt xì, ngoáy mũi,... dẫn đến chảy máu mũi 1 bên

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Bé bị chảy máu mũi 1 bên có thể đến từ nguyên nhân thiếu chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống không khoa học và đầy đủ, đặc biệt là thiếu hụt vitamin C. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ nên bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ.

Cấu trúc mũi bất thường: Bất kỳ cấu trúc bất thường, vấn đề nào xuất hiện trong mũi, điển hình như lệch vách ngăn mũi, đều có thể khiến niêm mạc mũi đóng vảy và bé bị chảy máu mũi 1 bên hoặc 2 bên.

Khối u trong mũi: Bé bị chảy máu mũi 1 bên do bệnh gì? Khôi u lạ nào phát triển bên trong mũi đều có thể khiến bé bị chảy máu mũi. Tuy rằng đa phần khối u trong mũi là lành tính nhưng vẫn có trường hợp là khối u ác tính (ung thư) nên bố mẹ cần hết sức cẩn trọng.

Vấn đề về khả năng đông máu: Bé thường xuyên bị chảy máu mũi 1 bên có thể liên quan đến khả năng đông máu của trẻ. Tình trạng này thường xuất hiện khi bé dùng các loại thuốc như thuốc co mạch, thuốc xịt mũi, thuốc chống viêm,… khiến quá trình đông máu bị thay đổi và gây chảy máu mũi. Bên cạnh đó, các bệnh lý về máu như ung thư máu Hemophilia cũng có triệu chứng chảy máu mũi nặng và thường xuyên.

Bệnh mạn tính: Trẻ đang điều trị bệnh mạn tính cần dùng bình oxy hoặc dùng thuốc có thể làm niêm mạc trong mũi khô hơn gây chảy máu mũi 1 bên.

Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào? 3
Bệnh mạn tính và sử dụng thuốc khiến hốc mũi khô, dễ chảy máu cam

Bé bị chảy máu mũi 1 bên có sao không?

Nhìn chung, đa phần các trường hợp bé bị chảy máu mũi 1 bên không quá nghiêm trọng hay ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Khi này, bố mẹ, người thân cần sơ cứu, xử lý đúng cách và kịp thời để ngăn máu chảy, sau đó điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho bé,… sẽ giúp bé tránh tái diễn hiện tượng chảy máu mũi 1 bên.

Tuy nhiên bạn cũng cần hiểu rằng trong các nguyên nhân khiến bé bị chảy máu mũi 1 bên có những nguyên nhân đến từ bệnh lý, cần được điều trị kịp thời. Bố mẹ nên chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, để ý dấu hiệu bất thường của con và đưa bé đến bệnh viện thăm khám, chữa trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu bạn cần đưa trẻ đi khám, tránh chủ quan khi con bị chảy máu mũi 1 bên:

  • Lượng máu cam chảy ngày một nhiều và khó cầm máu hơn.
  • Không thể cầm máu sau 2 lần sơ cứu cầm máu (mỗi lần 10 phút).
  • Tình trạng chảy máu mũi 1 bên do trẻ bị chấn thương ở vùng đầu hoặc mặt.
  • Bé bị chảy máu mũi 1 bên gây mất quá nhiều máu.
  • Sức khỏe của trẻ yếu hơn, khó thở hoặc ngất xỉu.
  • Trẻ không chỉ bị chảy máu mũi 1 bên mà còn xuất huyết ở những bộ phận khác như tiểu ra máu, đại tiện ra máu, ho ra máu, chảy máu chân răng, cơ thể dễ bị bầm tím bất thường,…
  • Có dị vật mắc kẹt bên trong lỗ mũi của bé.
Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào? 4
Bố mẹ nên đưa bé đi khám nếu tình trạng chảy máu cam kéo dài gây mất máu

Cách xử lý khi bé bị chảy máu mũi 1 bên

Khi thấy bé bị chảy máu mũi 1 bên, bạn hãy xử lý cầm máu theo các bước sau:

  • Bước 1: Cần giữ bình tĩnh và trấn an trẻ.
  • Bước 2: Để trẻ ngồi hoặc đứng, đầu hơi ngả về trước. Không nên để trẻ nghiêng đầu về sau vì dễ làm máu chảy xuống cổ họng gây sặc, buồn nôn,…
  • Bước 3: Dặn dò trẻ thở bằng miệng và dùng tay nhẹ nhàng bóp lại bên mũi bị chảy máu hoặc cả 2 bên trong 5 – 10 phút.
  • Bước 4: Chườm khăn lạnh hoặc đá lạnh bên ngoài gốc mũi bị chảy máu cam để tăng tốc độ cầm máu.
  • Bước 5: Sau thời gian đè cánh mũi, hãy thả tay để kiểm tra xem máu còn chảy không.
  • Bước 6: Nếu máu còn chảy, bố mẹ hãy thực hiện lại quy trình cầm máu nêu trên. Nếu máu đã ngưng bạn nên dặn trẻ ngồi cúi người trong một vài phút và nhắc bé tuyệt đối không nên dụi, ngoáy, gãi hoặc tác động vào mũi trong 2 – 3 ngày tới.

Bé bị chảy máu mũi 1 bên đa phần không có gì quá đáng ngại nên khi gặp tình trạng này, bố mẹ cần cầm máu ngay cho bé, sau đó theo dõi thêm các dấu hiệu bất thường khác và đưa trẻ đi khám khi cần. Tuy nhiên nếu thực hiện cầm máu 2 lần nhưng máu vẫn còn chảy, bạn hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất nhé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm