Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim

Ánh Vũ

12/02/2025
Kích thước chữ

Suy tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Để giúp bạn đọc có thể phần nào hiểu hơn về căn bệnh này, trong khuôn khổ bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc một số yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim.

Vậy đâu là yếu tố thúc đẩy suy tim? Các biện pháp phòng ngừa tình trạng suy tim ra sao? Lời giải đáp chi tiết sẽ được Nhà thuốc Long Châu bật mí ngay trong bài viết dưới đây. Tuy nhiên, trước hết, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về căn bệnh suy tim bạn nhé.

Sơ lược về căn bệnh suy tim

Suy tim là một bệnh lý mạn tính trong đó cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ quan và mô trong cơ thể. Khi tim không thể bơm máu hiệu quả, các cơ quan như phổi, thận và não sẽ không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để hoạt động bình thường gây ra một loạt các triệu chứng và biến chứng.

Các triệu chứng thường gặp của suy tim bao gồm:

  • Khó thở: Đặc biệt là khi gắng sức, khi nằm, hoặc khi hoạt động thể chất. Điều này xảy ra vì khi tim không thể bơm đủ máu, lượng máu trong phổi sẽ tăng lên, làm tăng áp lực trong các mạch máu phổi và gây khó thở.
  • Mệt mỏi: Do tim không bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan trong cơ thể, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, không có sức.
  • Phù: Tình trạng giữ nước và tích tụ chất lỏng trong cơ thể, đặc biệt là ở chân, mắt cá chân và bụng.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực: Các rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện, làm người bệnh cảm thấy tim đập nhanh hoặc không đều.
  • Giảm khả năng hoạt động thể chất: Người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc mang vác.
Các yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim 1
Suy tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao

Các yếu tố thúc đẩy suy tim

Thực tế cho thấy, những yếu tố thúc đẩy suy tim thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch, thói quen sống và các yếu tố di truyền hoặc môi trường. Các yếu tố này có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy yếu chức năng tim và một số người có thể phát triển bệnh khi kết hợp nhiều yếu tố dưới đây:

  • Huyết áp cao (tăng huyết áp): Tăng huyết áp khiến tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu, làm tăng gánh nặng cho tim. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến phì đại cơ tim hoặc cứng cơ tim khiến tim không thể bơm máu hiệu quả và dẫn đến suy tim.
  • Bệnh động mạch vành: Bệnh động mạch vành xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp do sự tích tụ của các mảng xơ vữa, làm giảm lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho cơ tim. Điều này khiến cơ tim yếu đi, dẫn đến suy tim.
  • Đau tim (nhồi máu cơ tim): Đau tim là một dạng của bệnh động mạch vành, khi một phần của cơ tim bị thiếu oxy và chết do tắc nghẽn mạch máu. Sau cơn đau tim, cơ tim bị tổn thương và không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến suy tim.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ phát triển huyết áp cao và bệnh động mạch vành đều là các yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến suy tim. Tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và cơ tim.
  • Một số loại thuốc trị tiểu đường: Các loại thuốc như rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos) đã được nghiên cứu và phát hiện có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở một số người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh không nên ngừng sử dụng thuốc này mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Một số loại thuốc khác: Một số loại thuốc có thể gây hại cho tim, bao gồm thuốc chống viêm không steroid (có thể làm tăng huyết áp và gây tích nước), thuốc gây mê và một số loại thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc điều trị huyết áp cao, ung thư, bệnh máu, bệnh thần kinh, bệnh phổi, bệnh tiết niệu và một số loại thuốc điều trị viêm, nhiễm trùng…
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ làm giảm lượng oxy trong máu và gây ra rối loạn nhịp tim. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ phát triển suy tim nếu không được điều trị kịp thời.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Dị tật tim bẩm sinh có thể khiến các buồng tim hoặc van tim không phát triển bình thường, làm tăng gánh nặng cho tim và có thể dẫn đến suy tim trong suốt cuộc đời.
  • Bệnh hở van tim: Bệnh hở van tim xảy ra khi các van tim không đóng chặt, khiến máu bị trào ngược vào các buồng tim, làm tăng gánh nặng và có thể dẫn đến suy tim nếu không được điều trị.
  • Nhiễm virus: Nhiễm virus có thể gây viêm cơ tim, làm tổn thương cơ tim và dẫn đến suy tim. Đây có thể là nguyên nhân gây suy tim cấp tính hoặc mãn tính.
  • Lạm dụng rượu: Lạm dụng rượu có thể gây phì đại cơ tim, làm suy yếu khả năng bơm máu của tim và dẫn đến suy tim.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá gây tổn thương cho mạch máu và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành và huyết áp cao. Cả hai căn bệnh này đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim.
  • Béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng vì nó làm tăng gánh nặng cho tim và dễ dẫn đến huyết áp cao, bệnh động mạch vành và các vấn đề tim mạch khác, từ đó làm tăng nguy cơ suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể làm giảm hiệu quả bơm máu của tim và góp phần gây suy tim nếu không được điều trị.
Các yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim 2
Tăng huyết áp là một trong những yếu tố thúc đẩy suy tim

Phòng ngừa suy tim

Việc duy trì một lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể giúp phòng ngừa căn bệnh suy tim và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Cụ thể:

Kiểm soát huyết áp

Kiểm soát huyết áp là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa suy tim. Huyết áp cao lâu dài có thể làm tăng gánh nặng cho tim và dẫn đến suy tim. Theo đó, bạn cần:

  • Đo huyết áp định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của huyết áp cao.
  • Nếu đã mắc bệnh tăng huyết áp, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì huyết áp trong phạm vi an toàn (dưới 140/90 mmHg).

Quản lý bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể gây hại cho mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và suy tim. Cách tốt nhất để phòng ngừa suy tim chính là quản lý tốt bệnh tiểu đường thông qua các biện pháp:

  • Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi mức đường huyết đều đặn và tham khảo bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết.
Các yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim 3
Quản lý tốt bệnh tiểu đường là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa suy tim

Duy trì cân nặng ở mức phù hợp

Như đã trình bày phía trên, béo phì là yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh tim mạch, bao gồm suy tim. Theo đó, để phòng ngừa suy tim, bạn cần:

  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì bằng cách thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường vận động.
  • Tập thể dục đều đặn giúp giảm mỡ cơ thể, cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp.

Hạn chế rượu và bỏ thuốc lá

Lạm dụng rượu và hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và suy tim. Theo đó, hãy:

  • Giảm lượng rượu tiêu thụ và nếu có thể, nên bỏ hoàn toàn.
  • Bỏ thuốc lá là điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Thuốc lá làm tổn thương mạch máu, gia tăng huyết áp và làm suy yếu tim.

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện khả năng bơm máu của tim. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn nên dành ra ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Bạn có thể đi bộ, chạy bộ, bơi lội và đạp xe để duy trì sức khỏe tim mạch.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa suy tim. Theo các chuyên gia, để phòng ngừa suy tim, bạn nên:

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, và protein nạc.
  • Hạn chế muối (nên tiêu thụ ít hơn 2.300 mg natri mỗi ngày, hoặc dưới 1.500 mg nếu có huyết áp cao).
  • Giảm chất béo bão hòa từ thức ăn chế biến sẵn, thay vào đó là chất béo không bão hòa từ các nguồn như dầu ô liu, hạt và cá béo.
  • Giảm lượng đường trong chế độ ăn uống và tránh thức ăn nhiều calo rỗng như nước ngọt, bánh kẹo.

Kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tim mạch và suy tim. Nếu đã mắc các bệnh lý như bệnh động mạch vành, hở van tim hoặc bệnh tiểu đường, việc điều trị sớm và đúng cách rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy tim.

Các yếu tố thúc đẩy suy tim và các biện pháp phòng ngừa suy tim 4
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và xử lý sớm các yếu tố thúc đẩy suy tim

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản nhất về căn bệnh suy tim, các yếu tố thúc đẩy suy tim và biện pháp phòng ngừa suy tim mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến quý vị độc giả. Hy vọng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ phần nào hiểu rõ hơn về chủ đề này từ đó có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn. Cảm ơn quý vị độc giả đã dõi theo kênh sức khỏe cùng Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin