Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách cầm máu khi bị băng huyết và biện pháp điều trị băng huyết sau sinh

Ngày 23/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sản phụ bị băng huyết sau khi sinh em bé có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Biết cách cầm máu khi bị băng huyết là chìa khóa cứu nguy khẩn cấp khi rơi vào trường hợp này. Nhà Thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn những kiến thức cần biết về băng huyết.

Suy hô hấp, mất khả năng sinh sản, thậm chí tử vong là những biến chứng nguy hiểm khi xảy ra tình trạng băng huyết ở phụ nữ sau khi sinh con. Việc xử lý, biết cách cầm máu khi bị băng huyết một cách nhanh chóng và kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của sản phụ. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như giải pháp xử trí khi đối mặt với trường hợp băng huyết.

Nguyên nhân gây băng huyết ở sản phụ sau sinh

Băng huyết là khái niệm chỉ hiện tượng chảy máu hơn 500ml trong trường hợp người mẹ sinh thường và hơn 1000ml trong trường hợp mẹ sinh mổ. Máu có thể đột ngột, ồ ạt hoặc chảy từ từ tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh khác nhau.

Cách cầm máu khi bị băng huyết và biện pháp điều trị băng huyết sau sinh 1
Băng huyết sau khi sinh có thể là do rối loạn đông máu

Một số nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh có thể kể đến là:

  • Đờ tử cung: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến phụ nữ sau sinh bị băng huyết. Các nguyên nhân gây đờ tử cung có thể là do tử cung quá căng, chất lượng tử cung kém, thời gian chuyển dạ kéo dài, thai phụ bị suy nhược, nhiễm trùng ối, cơ thể thai phụ bị thiếu máu.
  • Bánh nhau bất thường: Nếu diện tích bánh nhau quá lớn thì khi bong ra sẽ gây chảy nhiều máu như trong phù nhau thai. Xuất hiện hiện tượng bất thường trong nhau bám như nhau tiền đạo, rau bám thấp… khiến máu chảy nhiều.
  • Tử cung tổn thương như rách hay vỡ cổ tử cung xảy ra trong trường hợp mẹ sinh thường. Mặc dù vậy, hiện tượng này xuất hiện với tỷ lệ cao ở các trường hợp khó sinh hoặc có sự can thiệp của thủ thuật.
  • Tình trạng rối loạn đông máu xảy ra trong các trường hợp như thai lưu, nhau bong non, nhiễm trùng, tắc mạch ối… Tùy theo mức độ mất máu và quá trình hồi sức mà việc cầm máu băng huyết có tích cực hay không.

Hiện tượng băng huyết sau sinh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như hội chứng Sheehan (Tình trạng suy tuyến yên sau sinh khiến mẹ bị mệt mỏi, ăn uống kém, mất tập trung, suy giảm nhận thức), viêm tắc tĩnh mạch. Nếu tình trạng chuyển biến nguy hiểm, sản phụ phải cắt tử cung và không thể có con trong tương lai. Do đó, khi phát hiện tình trạng này, người nhà cần biết cách cầm máu khi bị băng huyết để phòng tránh biện chứng có thể xảy ra.

Triệu chứng nhận biết băng huyết sau sinh

Khi sản phụ bị băng huyết thì cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Máu chảy ra ngoài có thể nhiều hay ít, máu vón cục hoặc máu loãng.
  • Sản phụ mất máu đột ngột trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh.
  • Máu có thể chảy ồ ạt, từ từ hoặc liên tục, máu có màu đỏ tươi.
  • Mẹ sau sinh có mạch đập nhanh, tay chân lạnh, tụt huyết áp, da dẻ xanh xao, vã mồ hôi, bị sốc vì mất nhiều máu.
  • Nếu máu ứ đọng trong buồng tử cung sẽ khiến diện tích tử cung bị tăng, to ra theo chiều ngang, tử cung có tính chất mềm nhão.
Cách cầm máu khi bị băng huyết và biện pháp điều trị băng huyết sau sinh 2
Sản phụ bị băng huyết sẽ mất máu đột ngột trong vòng 24 giờ đầu sau sinh

Cách cầm máu khi bị băng huyết sau sinh

Khi phát hiện tình trạng băng huyết, người thân cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất để được tiến hành cầm máu và hồi sức. Kế tiếp, bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm tránh tình trạng này lặp lại trong tương lai.

Cách cầm máu khi bị băng huyết được thực hiện như sau:

  • Cho sản phụ nằm với đầu thấp, thở oxy, nhẹ nhàng xoa bóp đáy tử cung thông qua thành bụng.
  • Đè động mạch chủ trên bụng nhằm làm giảm lượng máu đến tử cung, đảm bảo cho huyết động của sản phụ ổn định.
  • Theo dõi huyết áp, mạch đập, tri giác, nhiêm mạc, nhịp thở của sản phụ liên tục và thường xuyên.
  • Truyền máu bằng hồng cầu lắng, tiểu cầu đậm đặc, huyết tương tươi, truyền dịch mặn đẳng trương, thuốc vận mạch nếu có chỉ định của bác sĩ.

Khi sản phụ đã về trạng thái ổn định, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây băng huyết. Đây là điều vô cùng quan trọng nhằm điều trị, xử trí nhanh chóng bên cạnh việc hồi sức, chống sốc. Loại bỏ được nguyên nhân gây băng huyết là cơ sở để chấm dứt tình trạng chảy máu.

Cách cầm máu khi bị băng huyết và biện pháp điều trị băng huyết sau sinh 3
Biết cách cầm máu khi bị băng huyết sẽ giúp bảo toàn tính mạng sản phụ

Trong trường hợp bệnh nhân ở quá xa bệnh viện thì khi chờ xe cấp cứu đến, người thân cần:

  • Cho bệnh nhân nằm yên, nằm thẳng, 2 chân khép lên nhau, không cần gối đầu, không được cử động mạnh, kê chân cao hơn đầu.
  • Người bệnh không nói to, xung quanh giữ yên tĩnh, không có tiếng động mạnh.
  • Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan.
  • Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí, không đóng kín cửa nhưng cũng không được để gió lùa mạnh, không vây quanh bệnh nhân quá nhiều người.

Biện pháp điều trị băng huyết sau sinh

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu nguyên nhân gây băng huyết là do đờ tử cung, người bệnh sẽ được xoa bóp tử cung để kích thích tử cung co thắt, uống thuốc co hồi tử cung, truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu, truyền dịch.

Ở các ca bệnh mức độ nặng, bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung nhằm mục đích hạn chế nguy cơ chảy máu. Nếu các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, sản phụ có thể phải cắt bỏ tử cung nhằm bảo toàn tính mạng.

Những trường hợp bị băng huyết sau sinh do bánh nhau bất thường được điều trị như sau:

  • Sót nhau: Uống kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền dịch, truyền máu nếu cần thiết.
  • Nhau không bong: Bóc tách nhau, kiểm soát tử cung, truyền máu, phẫu thuật nếu cần thiết.

Nếu băng huyết gây tổn thương cơ quan sinh dục, sản phụ sẽ được khâu phục hồi đường sinh dục và phá khối tụ máu. Trong trường hợp sản phụ bị rối loạn đông máu gây băng huyết thì bác sĩ sẽ điều trị tùy theo từng nguyên nhân cụ thể.

Cách cầm máu khi bị băng huyết và biện pháp điều trị băng huyết sau sinh 4
Truyền máu là một biện pháp điều trị băng huyết

Làm thế nào để phòng ngừa băng huyết?

Mẹ bầu có thể tham khảo một số lưu ý sau để phòng ngừa tình trạng băng huyết sau khi sinh:

  • Khám thai định kỳ theo đúng lịch được chỉ định.
  • Xét nghiệm, siêu âm cần thiết để nhận biết sớm các bất thường.
  • Bổ sung đầy đủ sắtaxit folic để phòng tránh thiếu máu khi mang thai.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng với đầy đủ dưỡng chất và sinh hoạt hợp lý, nghỉ ngơi nhiều, không lao động nặng.
  • Đến bác sĩ ngay nếu gặp phải những triệu chứng bất thường như hoa mắt, đau đầu, khó thở, ra nước âm đạo, xuất huyết âm đạo…

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn biết cách cầm máu khi bị băng huyết cũng như các biện pháp xử trí khi gặp tình trạng băng huyết. Sản phụ sau khi sinh em bé cần được theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời nguy cơ băng huyết có thể xảy ra để được điều trị nhanh chóng nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm