Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện

Ngày 08/10/2024
Kích thước chữ

Việc mẹ tập cho bé tự xúc cơm ăn bằng muỗng sẽ giúp hình thành một thói quen tốt cho bé. Điều này càng giúp bé có thể tự ăn sớm, mẹ đỡ mất thời gian chăm sóc bé và tinh thần của mẹ cũng thấy thoải mái hơn. Vậy, làm sao dạy bé tự cầm muỗng và tự xúc cơm ăn hiệu quả?

Khi bé tròn 6 tháng tuổi, bé đã rất thích cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng, nhưng do bé ngồi chưa vững nên mẹ thường cho bé ăn trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi, nên bé chưa tự ăn được. Khi bé được 8 - 9 tháng, đã có thể ngồi vững, là lúc có thể tập cho bé tự xúc cơm ăn. Ban đầu, khi bé tự ăn sẽ chậm và bừa bộn, dần dần bé ăn nhanh hơn và không bị đổ.

Khi nào có thể dạy bé tự xúc cơm ăn?

Vào khoảng 6 tháng tuổi, bé đã rất thích cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng, nhưng do bé ngồi chưa vững nên mẹ thường cho bé ăn trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi, nên bé chưa tự ăn được. Ở giai đoạn này, bé bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ nên cho trẻ tự cầm thức ăn để ăn để rèn cho trẻ biết tự cầm đồ ăn. Khi bé được 8 - 9 tháng, đã có thể ngồi vững, là lúc có thể tập cho bé tự cầm muỗng ăn dặm và dạy bé tự xúc cơm ăn. Ban đầu, khi bé tự ăn sẽ chậm và bừa bộn, dần dần bé ăn nhanh hơn và không bị đổ.

Khi bé được 12 tháng trở lên, bé có thể tự ăn bằng muỗng tuy chưa thuần thục. Mẹ nên duy trì thói quen này, chỉnh sửa cách cầm muỗng cho bé mỗi ngày để khi bé 2 tuổi có thể tự ăn thành thạo.

Cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện 1
Khi bé được 8 - 9 tháng, mẹ có thể dạy bé tự xúc cơm ăn

Các giai đoạn tự ăn của bé

Sau đây là quá trình tiến triển từ lúc bé bắt đầu học tự ăn đến khi bé tự xúc cơm ăn:

  • Khoảng 6 - 9 tháng tuổi: Đây là giai đoạn bé có thể ăn được cơm và thức ăn dạng đặc như người lớn. Để tập cho bé tự ăn, mẹ hãy cho bé bốc và cầm thức ăn, tự đưa lên miệng ăn. Bé có thể làm rơi vãi thức ăn khắp mọi nơi. Ba mẹ cần vệ sinh tay cho bé trước khi ăn. Trong giai đoạn này, ba mẹ cần kiên nhẫn và chờ đợi.
  • Khoảng từ 9 - 12 tháng tuổi: Bé sẽ phát triển khả năng cầm nắm giúp bé cầm đồ vật bằng các ngón tay tốt hơn. Do đó, ba mẹ nên tạo cơ hội cho bé tập cầm nắm thức ăn nhiều hơn. Thức ăn nên có kích thước nhỏ, mềm và dài cỡ bằng ngón tay. Ở giai đoạn này, bé có thể tập cầm muỗng ăn và uống từ ly nước nhỏ.
  • 12 tháng tuổi: Bé có thể uống bình nước và không bị đổ nhiều như trước. Đây là thời điểm thích hợp để trẻ tự ăn bằng muỗng.
  • Từ 12 - 14 tháng tuổi: Sau một thời gian luyện tập thường xuyên, bé tự xúc cơm ăn một cách độc lập.

Những cách rèn bé tự xúc cơm ăn

Để bé có thể tự ăn thành thạo, ba mẹ có thể áp dụng những cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện sau đây:

Tập tính tự giác, tự lập cho bé

Ba mẹ có thể rèn tính tự giác, tự lập của bé từ những công việc đơn giản hàng ngày như tự dọn đồ chơi sau khi chơi, tự cầm ly uống nước khi khát, tự bỏ rác vào thùng rác,... Việc khuyến khích và hướng dẫn bé tự làm những việc nhỏ sẽ giúp bé tập tự ăn dễ dàng hơn.

Chọn chén muỗng phù hợp cho bé

Ba mẹ hãy chọn một bộ chén muỗng dành riêng cho trẻ nhỏ. Muỗng có tay cầm ngắn, cong, lòng muỗng nên nông, rộng vừa phải, giúp bé dễ đưa vào miệng hơn. Chén nhẹ, có vành, không trơn giúp bé cầm dễ dàng hơn. Bộ chén muỗng ăn dặm cho bé có nhiều màu sắc hay hình dáng đẹp mắt sẽ khiến bé thích thú và muốn dùng hoài.

Cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện 2
Ba mẹ hãy chọn một bộ chén muỗng dành riêng cho trẻ nhỏ

Cho bé làm quen với bộ dụng cụ ăn

Trước khi dạy bé dùng chén, muỗng để ăn, ba mẹ có thể cho bé dùng chén muỗng bằng nhựa để chơi. Khi chơi trò ăn uống, bé sẽ bắt chước người lớn động tác xúc thức ăn từ chén rồi đưa vào miệng. Sau đó, cho trẻ ngồi ăn cơm cùng gia đình, cho một ít thức ăn vào chén của bé và hướng dẫn bé tự xúc. Như vậy, bé đã bước đầu làm quen với việc cầm chén muỗng và học cách ngồi ăn như người lớn.

Tạo môi trường ăn thú vị

Ba mẹ cần tạo không khí gia đình vui vẻ, cởi mở khi bé ngồi ăn. Việc chọn cái bàn, ghế ăn dặm, chén, muỗng mà bé yêu thích cũng như những món ăn dành cho bé hấp dẫn sẽ khiến bé thích thú khi ăn, nhờ đó việc tập ăn cho bé dễ dàng hơn.

Làm mẫu cho bé

Trước khi bé học xúc ăn, ba mẹ và những người thân trong gia đình cũng dùng muỗng tự xúc thức ăn để làm mẫu cho trẻ bắt chước. Bé thấy mọi người tự xúc ăn một cách vui vẻ thì cũng sẽ vui lây, đồng thời cũng học được cách thức xúc đồ ăn.

Kiên trì rèn luyện cho bé

Ba mẹ cần kiên nhẫn khi dạy bé tự xúc cơm ăn. Nếu bạn sốt ruột hoặc có thái độ bực bội hay la mắng con, bé sẽ "dị ứng" với việc tự ăn và việc tập ăn khó mà thành công. Do đó, ba mẹ không nên sợ bé làm bẩn và cần kiên trì giúp bé.

Cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện 3
Để bé hào hứng với việc tập ăn hay chủ động tự ăn, mẹ nên chọn thức ăn bắt mắt

Cho bé được chủ động ăn

Để bé hào hứng với việc tập ăn hay chủ động tự ăn, mẹ nên chọn thức ăn bắt mắt. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé cơ hội tự lựa chọn thức ăn mà bé thích. Đây là cách giúp bé nhận thấy được tôn trọng và qua đó còn giúp ba mẹ hiểu hơn về sở thích ăn uống của bé.

Ba mẹ có tâm lý thoải mái

Trong thời gian đầu bé mới tập ăn, tình trạng mặt của bé bị dơ, nhem nhuốc và thức ăn đổ vương vãi khắp nơi thường xảy ra. Lúc này, ba mẹ phải bình tĩnh, kiên nhẫn, tuyệt đối không la mắng bé. Việc ba mẹ chịu cực dọn dẹp để tập cho trẻ ăn nhưng sẽ đỡ vất vả những năm sau này vì không những trẻ có thể tự ăn mà còn có thói quen ăn uống và tự lập tốt.

Lập quy tắc và kỉ luật khi ăn

Ba mẹ cần nghiêm khắc nếu bé múc thức ăn rồi ném xuống sàn nhà. Nếu không dạy dỗ trẻ nhỏ sẽ tạo thành thói quen xấu cho con. Nên lập ra quy tắc và rèn tính kỷ luật khi dạy bé tập ăn để sau này bạn không phải sửa thói xấu của con. Nếu trẻ tỏ ra nghịch ngợm và không muốn tự ăn, bạn nên ngưng việc tập ăn lại.

Trang trí món ăn hấp dẫn

Khi bé thấy thức ăn có màu sắc và mùi vị hấp dẫn, vị giác của bé sẽ được kích thích khiến trẻ ăn ngon, ăn nhiều và dễ tiêu hóa, hấp thu hơn. Mẹ có thể trang trí món ăn trông bắt mắt để kích thích sự thèm ăn của con.

Cách dạy bé tự xúc cơm ăn đơn giản, dễ thực hiện 4
Khi bé thấy thức ăn có màu sắc và mùi vị hấp dẫn, vị giác của bé sẽ được kích thích

Cần chuẩn bị gì để bé tập ăn an toàn?

Ba mẹ nên chú ý những điều sau khi tập cho bé tự xúc cơm ăn:

  • Để tránh những vết bẩn do thức ăn rơi vãi vào quần áo, ba mẹ nên vệ sinh tay cho bé và đeo yếm ăn dặm. Tránh để đồ chơi tại khu vực ăn của bé.
  • Cho bé ngồi thẳng, thoải mái, tránh di chuyển trong khi đang tập ăn vì có nguy cơ bị nghẹt thở.
  • Bé có thể ọe hay bị sặc khi tập tự ăn.
  • Không cho bé tự ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá to, cứng, dính khiến bé khó nuốt, bị sặc hoặc mắc nghẹn.
  • Ba mẹ luôn giám sát khi bé đang ăn để hỗ trợ hoặc xử lý tình huống kịp thời.
  • Không cho bé ăn quá nhiều dẫn đến bị nghẹn. 
  • Để tránh tình trạng đổ vỡ trong khi trẻ ăn, ba mẹ nên dùng chén, muỗng cho bé ăn dặm bằng nhựa hoặc kim loại.
  • Nên dùng chén có đế ở dưới để giữ thăng bằng, giúp bé xúc thức ăn dễ hơn.
  • Bé dùng muỗng dành riêng cho trẻ nhỏ tập ăn sẽ giúp bé cầm nắm chắc chắn và dễ ăn hơn.
  • Khi bé đang ăn, hạn chế lau tay, lau miệng cho bé thường xuyên vì có thể làm bé không tập trung, không muốn ăn nữa, thậm chí làm trẻ bực, quấy khóc.
  • Không ép bé ăn hết thức ăn trong chén, hãy để bé ăn đến khi không muốn ăn nữa. 

Như vậy, sau khi đọc bài viết trên, bạn đã biết cách dạy bé tự xúc cơm ăn. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, ba mẹ có thể rèn cho bé tính tự lập trong việc ăn uống và cả trong những hoạt động khác sau này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin