Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách phân biệt giữa cúm gia cầm H5N1, cúm mùa và Covid-19

Ngày 07/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bộ Y tế đã đưa ra đánh giá về khả năng cúm gia cầm H5N1 sẽ xâm nhập vào Việt Nam và gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn nên đề nghị các địa phương phải thắt chặt giám sát đối với những người nhập cảnh.

Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi công điện khẩn đến các địa phương được đánh giá có nguy cơ cao bị cúm gia cầm H5N1 xâm nhập và gây lây nhiễm sang người. Đặc biệt, trong bối cảnh Campuchia đã ghi nhận được các ca mắc H5N1 đầu tiên và đã có một người tử vong tại tỉnh Prey Veng - đây là khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Nguy cơ cúm gia cầm H5N1 xâm nhập Việt Nam

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh lây sang người. Đồng thời, giám sát chặt những người nhập cảnh đặc biệt là ở các khu vực tỉnh thành có chung biên giới với quốc gia đang có dịch. 

Các chuyên gia dịch tễ đã đưa ra nhận định rằng, tình hình hiện nay có diễn tiến tương tự với đợt dịch bùng vào 9 năm trước. Theo đó, vào năm 2014, dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên tại Campuchia khiến 13 người tử vong và hàng chục nghìn gia cầm bị tiêu hủy. Cùng năm, tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do cúm gà H5N1 và hàng chục nghìn gia cầm bị tiêu hủy. Tháng 10/2022 tức sau đó 8 năm, Việt Nam cũng ghi nhận một ca nhiễm cúm H5N1 là bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ nhưng chưa rõ nguồn lây nhiễm. Hiện các ổ dịch vẫn đang được ghi nhận rải rác trên các đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. 

Cách phân biệt cúm gia cầm H5N1, cúm mùa và COVID-19 - Hình 1 Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Từ năm 2003 đến nay Việt Nam đã ghi nhận được 128 trường hợp mắc cúm H5N1 trên người, trong đó có đến 64 ca tử vong. Số ca mắc bệnh này tăng cao trong giai đoạn 2003 - 2010. Người bị nhiễm virus cúm gia cầm chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. 

Bộ Y tế cho rằng, việc thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi thất thường cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cúm gia cầm H5N1 phát triển. Bên cạnh đó, việc mở cửa giao lưu thương mại giữa Việt Nam với các nước trước và sau Tết nguyên đán cũng sẽ làm tăng nguy cơ giúp cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người. 

Cách phân biệt cúm gia cầm H5N1, cúm mùa và Covid-19

Trong hoàn cảnh nhiều dịch bệnh với các dấu hiệu khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, Covid-19… các chuyên gia y tế đã đưa ra cách phân biệt giữa cúm gia cầm H5N1 và các loại virus gây bệnh về đường hô hấp khác. Cụ thể:

Cúm gia cầm H5N1 (Cúm A/H5N1)

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm gia cầm H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa gia cầm, các loài chim và động vật khác sang cho người. Khi lây sang người, cúm gia cầm có thể gây suy hô hấp cấp tính dẫn đến khó thở, sốc và thậm chí là tử vong.

Triệu chứng điển hình gồm sốt (từ 38 độ C trở lên), ho, đau họng, đau nhức cơ thể, đau cơ, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau mắt đỏ (viêm kết mạc), viêm não. Dấu hiệu đặc trưng là ho khan, sốt cao, thậm chí là rét run. 

Những người thường xuyên tiếp xúc với các loài chim hoang dã, gia cầm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Người nhiễm cúm gia cầm dễ bị chuyển nặng là người có hệ miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai, người từ 65 tuổi trở lên. 

Cách phân biệt cúm gia cầm H5N1, cúm mùa và COVID-19 - Hình 2 Cúm A/H5N1 có nguy cơ diễn biến nặng hơn ở phụ nữ mang thai và người cao tuổi

Cúm mùa (cúm A/H1N1, H3N2, cúm B)

Không giống như cảm lạnh, cúm mùa (cúm A/H1N1, H3N2, cúm B) thường sẽ xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm mùa thường sẽ gặp phải một số hoặc tất cả các triệu chứng như: Sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh; viêm họng; đau đầu; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; mệt mỏi… Một số trường hợp bị nôn mửa, tiêu chảy. Triệu chứng này hay xuất hiện phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. 

Hầu hết các triệu chứng của cúm thường sẽ tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày, mặc dù chưa có thuốc điều trị cúm đặc hiệu nhưng người bệnh vẫn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó vẫn có thể dẫn đến tử vong ở một số đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già trên 65 tuổi, đây cũng là những đối tượng dễ bị biến chứng nhất. Đối với phụ nữ mang thai, biến chứng của bệnh cúm có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ như sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi.

Covid-19

Về cơ bản, các triệu chứng của Covid-19 và cúm đều tương tự gần giống nhau, bao gồm: Sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh; ho/ho khan; viêm họng; khó thở; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; mệt mỏi; đau cơ hoặc đau nhức cơ thể; đau đầu.

Đáng chú ý, không giống như các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm bị mất khứu giác nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nghẹt mũi thì người mắc Covid-19 thường bị mất khứu giác đột ngột. Chính vì vậy, những người bị mất khứu giác đột ngột nên làm các xét nghiệm liên quan để khẳng định. 

Cách phân biệt cúm gia cầm H5N1, cúm mùa và COVID-19 - Hình 3 Người bị mất khứu giác đột ngột nên làm các xét nghiệm để kiểm tra Covid-19

Tóm lại, cúm gia cầm H5N1 hiện nay đang có khả năng bùng dịch cao và tiềm ẩn nguy cơ lây sang người. Các triệu chứng của cúm gia cầm thường không quá rõ ràng và dễ bị nhẫm lẫn sang các chủng virus khác. Vì thế, việc chủ động phát hiện sớm để điều trị, đồng thời tuân thủ theo các biện pháp là yếu tố sớm đẩy lùi dịch cúm gia cầm.

Nhật Lệ

Nguồn tham khảo: Nld.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm