Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ người già đến trẻ em. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách. Vì thế, biết cách phòng chống bệnh thủy đậu sẽ bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Cùng tìm hiểu bài chia sẻ sau để biết cụ thể các cách phòng bệnh này là gì nhé!
Thủy đậu không hẳn là căn bệnh lành tính, chúng có thể gây biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của bệnh nhân. Vậy thủy đậu lây nhiễm qua những con đường nào? Cách phòng chống bệnh thủy đậu như thế nào là hiệu quả?
Thủy đậu là gì?
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm do tác nhân virus varicella-zoster gây nên. Khi mắc bệnh thủy đậu, chúng ta sẽ có triệu chứng phát ban và nổi những mụn nước nhỏ, bên trong chứa đầy dịch, gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Thủy đậu dễ dàng lây cho người khác nếu như họ chưa tiêm vắc xin phòng ngừa hoặc chưa từng nhiễm loại virus varicella-zoster này.
Thủy đậu có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng hay độ tuổi nào, nhất là trẻ em. Người trưởng thành sẽ có tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn, tuy nhiên vẫn có thể gây ra các biến chứng nặng nếu không được điều trị sớm và phù hợp. Các biến chứng của thủy đậu bao gồm viêm gan, nhiễm trùng huyết, xuất huyết, viêm màng não, viêm mô tế bào, nhiễm trùng nốt phỏng rạ,... hoặc thậm chí là tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Theo như kết quả thống kê từ Bộ Y tế hàng năm, bệnh thủy đậu có xu hướng tăng vào những tháng đầu mùa xuân và đầu mùa hè. Khi thời tiết giao mùa cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ vùng dịch thủy đậu, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 2 đến 7 tuổi. Đây là bệnh lý truyền nhiễm nên sẽ có khả năng lây lan rất nhanh từ người bệnh sang người lành. Vậy thủy đậu sẽ lây qua con đường nào?
Thủy đậu lây qua con đường nào?
Hiểu được thủy đậu lây qua đường nào sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả. Thủy đậu có khả năng lây lan nhanh chóng từ người bệnh sang người lành thông qua các con đường sau:
Đường hô hấp
Nước bọt của người bệnh thủy đậu có chứa virus varicella-zoster. Vì thế, khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện, virus này có thể được bắn ra ngoài không khí. Nếu người lành vô tình hít phải sẽ có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh thủy đậu.
Tiếp xúc gián tiếp
Virus gây bệnh thủy đậu có thể tồn tại trong môi trường ngoài với thời gian khá lâu. Nếu bạn vô tình chạm tay vào những vật dụng mà người bệnh đã chạm tay hay sử dụng qua, bạn sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh thủy đậu. Các vật dụng có khả năng lây truyền virus như khăn tắm, khăn mặt, đồ bơi, quần áo, gối, mềm,...
Nếu bạn chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc xin thủy đậu, virus thủy đậu sau khi xâm nhập vào miệng và đường hô hấp trên sẽ nhân lên dần dần với số lượng lớn và lan đến niêm mạc hàm và da gây khởi phát bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh là con đường lây nhiễm nhanh nhất của thủy đậu. Khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn nước, vùng da bị nhiễm virus từ người bệnh, bạn có thể lây nhiễm và khởi phát bệnh nhanh chóng.
Cách phòng chống bệnh thủy đậu
Thực hiện các cách phòng chống bệnh thủy đậu một cách nghiêm túc có thể giúp bạn tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh. Các cách đó bao gồm:
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
Người bệnh thủy đậu cần cách ly từ 7 đến 10 ngày tính từ ngày phát hiện bệnh để tránh làm lây lan bệnh cho người xung quanh.
Nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, dùng đồ sinh hoạt riêng, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác, nhất là người mắc bệnh thủy đậu. Bên cạnh đó, nên vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý hàng ngày để phòng ngừa bệnh.
Để tránh lây nhiễm virus thủy đậu từ người bệnh, không nên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và các nốt phỏng thủy đậu của người bệnh.
Đảm bảo một chế độ ăn uống khoa học với nhiều hoa quả tươi và rau xanh. Ngoài ra cũng cần nghỉ ngơi phù hợp.
Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn nếu chưa có miễn dịch với loại virus thủy đậu. Trẻ em cần đặc biệt tiêm phòng để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình học tập. Trẻ từ 1 đến 12 tuổi cần tiêm một liều vắc xin phòng ngừa thủy đậu. Trẻ từ 13 tuổi trở lên, cần tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất là 6 tuần.
Phụ nữ nếu có kế hoạch mang thai nên tiêm vắc xin phòng chống thủy đậu trước đó 3 tháng.
Như đã chia sẻ ở trên, thủy đậu nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, nên thực hiện các cách phòng chống bệnh thủy đậu được chia sẻ trong bài viết trên để bảo vệ sức khỏe bản thân, những người xung quanh và cả cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.