Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu cho người bị gãy xương

Ngày 04/06/2022
Kích thước chữ

Trong cuộc sống hàng ngày, gãy xương là tình trạng không hiếm gặp làm cho người bệnh mất vận động, đau chói, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, sơ cứu rất quan trọng, giúp cố định vùng bị thương tổn và tránh được những biến chứng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sơ cứu cho người bị gãy xương đúng cách. Những chia sẻ trong bài viết của Nhà Thuốc Long Châu sẽ trang bị cho bạn kiến thức để xử lý những trường hợp gãy xương mà bạn gặp hàng ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương. Nhiều người vì không biết cách xử lý đã phạm phải các sai lầm khiến tình trạng gãy xương càng thêm nghiêm trọng gây khó khăn cho việc điều trị. Sơ cứu cho người bị gãy xương cần thực hiện đúng cách và kịp thời để tránh làm tổn thương hệ thần kinh, mạch máu cũng như các mô cơ xung quanh.

Phân loại gãy xương

Tình trạng xương bị biến dạng, gãy đôi theo chiều dọc hoặc chiều ngang, gãy thành nhiều phần được gọi là gãy xương. Các bác sĩ chuyên khoa đã phân gãy xương thành 2 loại chính:

  • Gãy xương kín hay còn gọi là gãy xương đơn giản: Xương gãy không tạo ra vết thương hở bên ngoài cơ thể.
  • Gãy xương hở: Xương bị gãy xuyên qua da, tạo ra vết thương ngoài da. Trường hợp này xảy ra có thể do ngoại lực tác động vào hoặc do bản thân đầu xương gãy đâm làm rách da. Nguy cơ gây nhiễm khuẩn của gãy xương hở khá cao.
Cách sơ cứu cho người bị gãy xương 1 Gãy xương gây ra do chấn thương khi chơi thể thao hoặc tai nạn

Triệu chứng khi bị gãy xương

Tùy theo những yếu tố như tuổi tác, vị trí gãy xương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và sức khỏe của người bệnh mà những dấu hiệu gãy xương của mỗi người sẽ khác nhau. Tuy vậy, chúng vẫn có một số triệu chứng đặc trưng bao gồm:

  • Bị đau khi di chuyển hoặc chạm vào vùng bị gãy.
  • Vùng xương bị tổn thương đỏ tấy, sưng, bầm tím.
  • Vị trí gãy bị cong, xoắn, biến dạng bất thường.
  • Có cảm giác nóng ran ở vùng xương hoặc khớp.
  • Vết gãy xương hở bị chảy máu, xương nhô ra ngoài.
  • Nghe thấy tiếng răng rắc khi xảy ra chấn thương.
  • Mất chức năng ở vùng bị gãy xương, ví dụ như gãy xương tay thì không thể cầm đồ, gãy chân thì không thể đi...
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân bị chóng mặt, buồn nôn hoặc ngất xỉu.

Chẩn đoán gãy xương như thế nào?

Dựa vào các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ xác định mức độ tổn thương của gãy xương và các khu vực lân cận. Một số xét nghiệm dùng để chẩn đoán gãy xương là:

  • Chụp X - quang tạo ra hình ảnh 2 chiều về xương, làm lộ vết gãy cùng các tổn thương khác, xác định loại và vị trí gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tạo hình ảnh chi tiết của xương, được dùng để chẩn đoán rạn xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) tạ ra lát cắt chi tiết của xương.
  • Dùng máy quét xương để tìm ra chỗ gãy xương không được hiển thị trên phim chụp X - quang.
  • Xét nghiệm huyết học xác định nguy cơ mất máu.
  • Xét nghiệm sinh hóa đánh giá tình trạng nhiễm trùng và mức độ tổn thương.
Cách sơ cứu cho người bị gãy xương 2 Chụp MRI là một cách để chẩn đoán gãy xương

Cách sơ cứu cho người bị gãy xương

Mỗi dạng gãy xương khác nhau sẽ có một cách sơ cứu riêng. Bạn cần phân biệt nạn nhân thuộc trường hợp nào để sơ cứu cho người bị gãy xương đúng cách.

Sơ cứu bệnh nhân chấn thương cột sống cổ

Tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bị ngã hoặc vật cứng đập vào cột sống cổ có thể gây chấn thương. Các bước sơ cứu:

  • Để đầu nạn nhân thẳng, không được gập ra trước, ngửa ra sau hay chuyển động sang 2 bên.
  • Loại bỏ các vật cản xung quanh người nạn nhân, nới rộng cổ áo, lót vòng đệm cổ.
  • Gọi cấp cứu đến hỗ trợ, không di chuyển nạn nhân trong thời gian chờ đợi.
  • Nếu buộc phải di chuyển, cần tìm miếng ván và gọi thêm người hỗ trợ. Tiến hành cuộn khăn nhỏ đặt sau gáy, cuộn khăn lớn quanh đầu, buộc cố định phần đầu vào ván rồi cố định đầu và thân vào ván cứng.
Cách sơ cứu cho người bị gãy xương 3 Chấn thương cột sống cổ có thể gây tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách

Sơ cứu chấn thương xương vùng mặt

Vật tù đập vào mặt hoặc tai nạn giao thông là nguyên nhân chính gây chấn thương xương vùng mặt. Dựa vào biến dạng khuôn mặt, đau nhiều, khó há miệng, chảy máu mũi mồm, bầm tím phù nề mà bạn có thể phán đoán nạn nhân bị chấn thương. Cách sơ cứu như sau:

  • Cầm máu.
  • Làm thông đường thở.
  • Trường hợp nạn nhân tỉnh táo, không có dấu hiệu chấn thương cột sống hoặc lưng thì để nạn nhân ngồi cúi về phía trước để dịch và máu chảy ra ngoài.
  • Trường hợp nạn nhân bất tỉnh thì đặt nằm nghiêng hoặc nằm sấp để dịch và máu chảy ra.

Cách sơ cứu cho người bị gãy xương tay, chân

Khi nạn nhân bị gãy xương tay chân, bạn cần sơ cứu đúng cách để tránh ảnh hưởng đến khả năng hoạt động về sau. Các bước thực hiện cụ thể như sau:

  • Sử dụng băng vô trùng hoặc mảnh vải sạch ép chặt lên vết thương để cầm máu (nếu có).
  • Dùng nẹp qua 2 khớp hoặc cột băng vải treo tay trước ngực để cố định vùng xương bị gãy.
Cách sơ cứu cho người bị gãy xương 4 Cố định bằng nẹp là cách sơ cứu cho người bị gãy xương tay chân

Sơ cứu cho người bị gãy xương đòn

Nguyên nhân gây gãy xương đòn thường do ngã chống tay. Phần xương đòn bị biến dạng và đau, không thể cầm vật nặng. Cách sơ cứu đó là:

  • Để nạn nhân ưỡn ngực, 2 vai kéo về phía sau.
  • Chèn băng hoặc bông phía dưới 2 hố nách và 2 bả vai.
  • Dùng nẹp chữ T đặt sau vai, phần nhánh dài đặt dọc theo cột sống còn nhánh ngang áp vào vai. Nẹp chữ T cần đảm báo nhánh dài qua thắt lưng, nhánh ngang to bản, dài qua khỏi vai.
  • Dùng băng tròn quấn vòng từ nách qua vai, thắt nút ở bả vai. Sau đó, quấn băng vòng qua thắt lưng, thắt nút ở vị trí thích hợp, không gây vướng.

Các phương pháp điều trị gãy xương

Phương pháp điều trị gãy xương còn phụ thuộc vào vị trí và mức độ của vết gãy. Ngoài ra, tiền sử bệnh tật và tuổi tác của bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến việc điều trị.

Cách sơ cứu cho người bị gãy xương Bó bột là cách điều trị gãy xương mức độ nhẹ

Mục đích của việc điều trị gãy xương là đưa xương gãy về đúng vị trí, ngăn cản chúng di lệch trong quá trình hình thành tế bào xương mới, từ đó giúp xương lành lại. Các phương pháp phổ biến điều trị gãy xương có thể kể đến là:

  • Trường hợp nhẹ: Bác sĩ chỉ định bó bột hoặc đeo nẹp để cố định vùng xương bị gãy nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi xương. Bệnh nhân cần uống thuốc giảm đau theo đơn, nghỉ ngơi nhiều để xương tự lành lại.
  • Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh bị gãy xương nhiều vị trí hoặc tổn thương phần dây chằng xung quanh: Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cố định bên trong bằng đinh kim loại hoặc ốc vít phía trên và phía dưới phần xương bị gãy.

Ở những bệnh nhân phải cố định xương trong thời gian dài, phần cơ vùng cố định và vùng xung quanh có thể bị cứng và yếu. Để cải thiện tình trạng này, họ cần đến một số phương pháp vật lý trị liệu. Cơ bắp và các khớp sẽ sớm phục hồi, vận động linh hoạt như ban đầu sau khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng.

Mong rằng những thông tin trên đã giúp bạn biết cách sơ cứu cho người bị gãy xương đúng chuẩn và một số phương pháp điều trị gãy xương. Dựa theo chấn thương và tình trạng nạn nhân, người sơ cứu cần phán đoán vùng xương gãy và sơ cứu đúng cách để tránh gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Sau khi sơ cứu, bạn hãy chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.