Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu cầm máu vết thương: Một số điều cần lưu ý

Ngày 30/04/2022
Kích thước chữ

Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tham khảo một số lưu ý khi sơ cứu cầm máu vết thương qua bài viết dưới đây để công tác sơ cứu cầm máu diễn ra nhanh chóng và đúng cách.

Sơ cứu cầm máu đóng một vai trò quan trọng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người đang bị tai nạn, hạn chế tối đa tình trạng mất máu quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và dẫn đến biến chứng khó điều trị về sau. Nếu cầm máu không đúng cách, nạn nhân có thể bị mất máu quá nhiều gây ra tình trạng sốc, tổn thương các mô và các cơ quan trong cơ thể hoặc thậm chí dẫn đến tử vong

Một số cách sơ cứu cầm máu nhanh chóng cho nạn nhân

Tùy theo tính chất và tình trạng chảy máu của nạn nhân mà có biện pháp cầm máu phù hợp, các biện pháp cầm máu thường được áp dụng:

Băng ép

Dùng băng có các vòng băng siết tương đối chặt, đè ép mạnh vào các bộ phận bị tổn thương. Từ đó tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông có tác dụng cầm máu. Biện pháp này phù hợp để sơ cứu cầm máu vết thương không có tổn thương mạch máu lớn.

Sơ cứu cầm máu vết thương: Một số điều cần lưu ý Khi vết thương lớn có thể sử dụng biện pháp băng bó bằng gạc để cầm máu

Ấn động mạch

Dùng ngón tay cái ấn, đè chặt vào động mạch khu vực phía trên vết thương, vị trí gần tim đến vết thương. Có thể dùng ngón tay cái hoặc cả nắm tay để ấn động mạch, tùy theo mức độ vết thương có nặng hay không và vị trí ấn.

Gấp chi

Gấp chi tối đa, cánh tay gấp vào thân, đùi gấp vào bụng. Khi chi bị gấp, động mạch cũng bị gấp theo và các khối cơ bao quanh đè ép vào động mạch khiến cho máu ngừng chảy. Tuy nhiên biện pháp gấp chi chỉ được áp dụng để cầm máu đối với những vết thương không có gãy xương và không nên để lâu, tránh làm đau người bệnh.

Băng đút nút

Băng đút nút tương tự như cách băng ép nhưng có dùng thêm bấc gạc để nhét nút vào vết thương. Biện pháp này thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu, giữa các kẽ xương hay các vết thương vùng cổ, vùng chậu.

Xem thêm: Mẹo sơ cứu cầm máu

Buộc ga rô

Buộc ga rô là biện pháp cầm máu dùng dây cao su hoặc dây vải xoắn để buộc chặt vào đoạn chi. Các trường hợp có thể dùng cách buộc garô để cầm máu: vết thương cụt chi, chi bị đứt gần lìa, chi bị dập nát quá nhiều, khi bị rắn độc cắn…

Tuy nhiên trên đây chỉ là những biện pháp sơ cứu tạm thời. Do đó, sau khi sơ cứu cầm máu vết thương cần đưa nạn nhân tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp cứu chữa nhanh chóng, kịp thời.

Những nguyên tắc cần nhớ khi sơ cứu cầm máu vết thương cho nạn nhân

Khi người bệnh có vết thương bị chảy máu thì cần sơ cứu cầm máu theo một số nguyên tắc chung như sau:

Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu

Dùng tay nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương. Lưu ý, trước khi ép trực tiếp lên vết thương cần rửa sạch tay hoặc có thể đặt lên vết thương một miếng băng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ấn vào.

Nếu vết thương chảy máu quá nhiều thì có thể dùng tay của bệnh nhân hoặc bàn tay của bạn để ép vết thương lại nếu bệnh nhân đuối sức và không thể tự làm việc này.

Sơ cứu cầm máu vết thương: Một số điều cần lưu ý 2 Ép chặt vào vết thương có thể giúp cầm máu hiệu quả

Nâng vùng bị tổn thương cao hơn tim

Nên đặt nạn nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, thuận tiện, tốt nhất là nâng cao vùng bị tổn thương cao hơn tim để giảm áp lực máu tới khu vực này.

Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc vải sạch để ép vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức buộc ga rô.

Nếu vết thương đâm xuyên còn dị vật

Nếu các vết thương chảy máu có dị vật đâm vào như mảnh gỗ, kim loại, dao kéo hay bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì tuyệt đối không được rút dị vật ra.

Dùng một miếng vải vuông hoặc hình tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép ép lại như với vết thương không có dị vật, chú ý khi ép không gây áp lực trực tiếp lên dị vật.

Để nạn nhân được nghỉ ngơi thoải mái

Nên đặt nạn nhân nghỉ ngơi trong tư thế nằm hoặc ngồi thuận tiện ít nhất 10 phút kể cả nạn nhân bị thương ở tay hay nửa trên của người, để giúp cầm máu và giữ sức. Giữ yên tĩnh cho nạn nhân và an ủi, động viên giúp nạn nhân giữ tinh thần minh mẫn.

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất

Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô hay xe máy thông thường thì người thân có thể chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Nếu vết thương quá nặng hay tình trạng nạn nhân chuyển biến xấu thì phải gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Sơ cứu cầm máu vết thương: Một số điều cần lưu ý 3 Sau khi sơ cứu cầm máu cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất

Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân

Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc bất kỳ loại dịch nào khác từ cơ thể nạn nhân. Nên sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể để di chuyển nạn nhân. Nếu không có găng tay y tế thì có thể dùng túi nilon để thay thế.

Khi nạn nhân bị chảy máu nhiều, mặc dù đã thực hiện các biện pháp sơ cứu cầm máu nhưng lượng máu chảy ra vẫn không thuyên giảm, đồng thời kèm theo những chấn thương khác thì bạn nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xử lý kịp thời và đúng cách.

Với những thông tin về lưu ý khi sơ cứu cầm máu trên đây, hy vọng bạn đọc đã có được những kiến thức cần thiết cho mình để xử lý trong những tình huống tai nạn khẩn cấp.

Nguyễn Như

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.