Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em như thế nào?

Ngày 31/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng và không biết nên làm thế nào để tốt cho con mình. Hiểu được điều đó, trong bài viết dưới đây Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bố mẹ về cách xử trí khi trẻ bị sốt kèm tiêu chảy và làm thế nào để giúp bé phòng ngừa tình trạng trên. Hãy theo dõi đến cuối bài viết để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, do đó các bé thường rất dễ mắc phải các bệnh lý về đường ruột, nhất là tiêu chảy. Nếu tiêu chảy có kèm theo triệu chứng sốt thì tình trạng sức khỏe toàn thân của bé càng nguy hiểm hơn. Vậy phải cần phải làm thế nào để khắc phục tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em?

Tìm hiểu về tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em. Điều này sẽ tác động xấu đến sức khỏe toàn thân của các bé, cụ thể như sau: 

Hiện tượng tiêu chảy (đi ngoài) ở trẻ em

Bệnh lý tiêu chảy hay còn được gọi là "đi ngoài", là hiện tượng phân của trẻ ở dạng lỏng, có thể có chất nhầy hoặc thậm chí là có máu, trẻ sẽ đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, nếu bé có đi ngoài nhiều lần hơn mọi ngày nhưng đặc điểm của phân không có gì bất thường, đồng thời trẻ vẫn bú nhiều và chơi đùa vui vẻ thì có thể do là ngày hôm đó bé ăn nhiều hơn mọi khi. Trong trường hợp này, cha mẹ không cần quá lo lắng.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em như:

  • Trẻ bị nhiễm phải virus Rota.
  • Trẻ bị nhiễm vi khuẩn gây hại cho đường ruột dẫn đến tiêu chảy.
  • Một số bà mẹ cho con sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn, trong đó bao gồm cả tiêu chảy.
  • Một số trẻ gặp phải các rắc rối về quá trình dung nạp lactose trong cơ thể cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
  • Trẻ bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em như thế nào? 1
Nhiễm virus Rota có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em

Trẻ bị tiêu chảy kèm theo triệu chứng nóng sốt

Dưới đây là những trường hợp có thể kèm theo khi trẻ bị tiêu chảy:

  • Trẻ chán ăn và mệt mỏi toàn thân.
  • Đặc điểm phân của trẻ có dạng lỏng, màu vàng hoặc xanh, kèm theo chất nhầy, máu hoặc mủ, hoặc có lẫn thức ăn không tiêu.
  • Trẻ bị nôn trớ thường xuyên.
  • Nóng sốt ở trẻ nhỏ cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy. Tùy vào từng trường hợp, trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Trẻ có hiện tượng đau bụng liên tục và mót rặn.
  • Trẻ quấy khóc liên tục.
  • Trẻ lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn khi gặp phải triệu chứng mất nước do tiêu chảy với các biểu hiện như mắt trũng, môi khô, tiểu ít, li bì… Tình trạng mất nước ở trẻ cần được khắc phục kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em

Tùy vào từng trường hợp mà cách xử trí tình trạng sốt kèm đi ngoài ở trẻ em là khác nhau, cụ thể như sau:

Nếu trẻ bị nóng sốt tiêu chảy ở mức độ nhẹ

Với những trẻ bị tiêu chảy kèm theo nhiệt độ cơ thể hơi cao nhưng vẫn ăn uống và chơi đùa bình thường thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà mà không cần phải dùng đến thuốc cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh. Phụ huynh nên lưu ý một số điều sau:

  • Với các trường hợp bé vẫn đang bú mẹ: Mẹ hãy cho con bú nhiều hơn nhằm phòng tránh tình trạng mất nước do tiêu chảy, đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp con có thêm năng lượng và tăng cường sức đề kháng từ sữa mẹ.
  • Với những trẻ đã bước sang giai đoạn ăn dặm: Mẹ nên cho bé uống nhiều nước, có thể là nước lọc, nước ép rau củ, nước ép hoa quả hoặc bổ sung nước điện giải sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể pha nước dừa với một chút muối cho bé uống, bởi nước dừa được đánh giá là một loại nước điện giải tự nhiên, rất tốt cho trẻ để ngăn ngừa tình trạng mất nước. 
  • Trẻ có thể chán ăn, biếng ăn nhưng mẹ nên cố gắng bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ thông qua các bữa ăn hàng ngày nhằm hạn chế tình trạng suy nhược, đồng thời cũng nên bổ sung các dưỡng chất cần thiết để giúp cơ thể bé chống lại bệnh tốt hơn. Mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn ở dạng lỏng, mềm nhằm giảm áp lực cho hệ tiêu hóa và cũng là cách giúp con ăn uống dễ dàng hơn. Nên chia thành nhiều các bữa nhỏ trong ngày và tránh ép trẻ ăn quá nhiều một lúc.
  • Đối với những trường hợp nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em, cha mẹ nên nới lỏng quần áo cho con, cho bé nghỉ ngơi ở phòng thoáng mát, chườm ấm để giúp bé hạ sốt.
  • Các bậc phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa có sự tham khảo, tư vấn từ bác sĩ, kể cả men tiêu hóa hay các loại thuốc cầm tiêu chảy…
Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em như thế nào? 2
Mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn để ngăn ngừa tình trạng mất nước

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Nếu tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em trở nên nghiêm trọng với các biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cụ thể là:

  • Trẻ háo nước liên tục. 
  • Khi trẻ quấy khóc không ra nước mắt hoặc ra ít nước mắt.
  • Trẻ đi ngoài quá nhiều lần, trẻ có thể đi ngoài hơn 8 lần trong vòng 6 giờ.
  • Trẻ đau bụng dữ dội kèm nôn ói.
  • Trẻ mệt mỏi, lả dần đi, ngủ nhiều, li bì và yếu ớt.
  • Trẻ sốt cao liên tục.
  • Tình trạng này kéo dài khoảng 3 ngày nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em như thế nào? 3
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy trở nên nghiêm trọng

Cách phòng ngừa nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em

Dưới đây là một số lưu ý nhằm phòng ngừa tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em:

  • Trước khi chế biến đồ ăn và cho trẻ ăn, mẹ cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng. Đồng thời, dụng cụ nấu ăn cho bé cũng cần đảm bảo sạch sẽ.
  • Phụ huynh cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ sau khi vệ sinh và thay bỉm cho bé.
  • Mẹ nên rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống để đảm bảo nguồn sữa cho bé.
  • Khi xử lý chất thải của bé, hãy cho chất thải của con vào túi kín, sau đó cho vào thùng rác và đừng quên đậy chặt nắp thùng.
  • Nếu ga trải giường hoặc quần áo của trẻ có dính phân, mẹ hãy mang đi giặt sạch sẽ và phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
  • Mẹ cần nấu chín kỹ đồ ăn của trẻ và tuyệt đối không cho con ăn những loại đồ ăn bị ôi thiu.
Cách xử trí tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em như thế nào? 4
Mẹ nên vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng trước khi chế biến thức ăn cho bé

Tóm lại, các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ về tình trạng nóng sốt kèm tiêu chảy ở trẻ em để có cách xử trí đúng và kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hy vọng với những thông tin trong bài viết trong bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về tình trạng nóng sốt đi ngoài ở trẻ, đồng thời biết cách xử trí, chăm sóc và phòng tránh đúng cách để bé nhà mình luôn được khỏe mạnh. Để hiểu rõ hơn về sức khỏe của trẻ, mời các bạn truy cập vào trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm