Trong những tuần gần đây tại một số nước đã nghi nhận được những trường hợp bệnh nhi mắc chứng viêm đa hệ thống, biểu hiện tương tự với căn bệnh viêm mạch máu Kawasaki. Hôm 15/05 ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ rằng các báo cáo ban đầu đã đặt ra giả thuyết về việc hội chứng có thể liên quan tới COVID-19. Điều cần thiết nhất hiện nay chính là phải khẩn trương, phân tích đặc tính lâm sàng của nó nhằm tìm được nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị.
Bệnh viêm đa hệ thống có thể liên quan đến COVID-19
WHO gọi nó là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, tương tự cái tên do CDC Hoa Kỳ đặt vào hai hôm trước. Tổ chức này cũng đồng thời kêu gọi giới y bác sĩ toàn cầu nên “cảnh giác và tìm hiểu thêm về chứng bệnh này”. Người đứng đầu WHO đã đưa ra nhận định trên sau khi nhiều quốc gia liên tục ghi nhận ca nhiễm và tử vong có liên quan tới viêm đa hệ thống.
Ngày 13/05 một bệnh viện tại London, Anh Quốc đã báo cáo trường hợp một bé trai dương tính với virus SARS-CoV-2, 14 tuổi và không có bệnh nền đã thiệt mạng sau khi mắc phải biến chứng hiếm. Thống đốc Andrew Cuomo của bang New York, Mỹ cũng cho hay đã phát hiện được 102 trường hợp tương tự và 3 người tử vong. Từ ngày 1/3 đến ngày 12/5, Pháp ghi nhận 125 bệnh nhân trong khoảng từ 1 cho đến 14 tuổi có biểu hiện như mô tả của CDC, cơ quan y tế công cộng cho biết.
Chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm của WHO, tiến sĩ Maria Van Kerkhove thông tin thêm rằng hiện mối liên kết giữa hội chứng với bệnh COVID-19 vẫn còn chưa thực sự rõ ràng, vì có nhiều trẻ em mắc viêm đa hệ thống xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Do đó bà nhấn mạnh các quốc gia phải sớm cảnh giác với điều này.
WHO khuyên các y bác sĩ khắp thế giới nên cảnh giác và tìm hiểu trường hợp này
Trong khi đó giám đốc chương trình khẩn cấp WHO, ông Michael Ryan lại có nhận định rằng dù hội chứng có liên quan tới SARS-CoV-2 đi chăng nữa thì cũng có thể không phải do bản thân virus gây nên. Ông cho rằng câu hỏi phải đặt ra ở đây chính là liệu biến chứng hiếm gặp có xuất phát trực tiếp từ virus gây bệnh hay không, hay nó chỉ đơn thuần là hệ quả của phản ứng miễn dịch? Tiến sĩ đồng thời khẳng định ảnh hưởng của nó lên trẻ em “rất hiếm gặp” và chỉ tăng lên khi mà số ca dương tính quá lớn.
CDC hướng dẫn cụ thể về biểu hiện của viêm đa hệ thống bao gồm sốt, dấu hiệm viêm loét và suy yếu ở nhiều cơ quan như là tim, thận, ruột, mạch máu, da và dây thần kinh. Bệnh nặng đến độ người mắc phải nhập viện. Cơ quan cũng lưu ý đến tình trạng sốt kéo dài ít nhất 24 tiếng với thân nhiệt tối thiểu 38 độ C, đây cũng là triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 rất đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay.
Biểu hiện cần lưu ý của viêm đa hệ thống chính là sốt cao ít nhất 38 độ C trong 1 ngày
Trong các trường hợp như thế thì bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm liên quan. Bệnh nhi phải có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc phát hiện kháng thể cho thấy nhiễm bệnh gần đây. Hiện CDC cũng không đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho trường hợp trên, nhưng phương pháp được lựa chọn phổ biến chính là chăm sóc tích cực và tiêm tĩnh mạch.
Thụy Anh