Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cảnh giác và phòng ngừa bệnh bạch hầu: Những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Ngày 09/07/2024
Kích thước chữ

Bệnh bạch hầu đang có những diễn tiến vô cùng phức tạp, với những ca bệnh mới xuất hiện và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc phòng ngừa trở thành một biện pháp hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bệnh bạch hầu đang trở thành mối lo ngại lớn trong cộng đồng. Vì vậy, việc phòng ngừa trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh.  

Đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu là ai?

Theo Bộ Y Tế Việt Nam

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) 

Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh là: 

  • Tiếp xúc gần:
    • Sống cùng người nhiễm.
    • Thường xuyên tiếp xúc nguồn nhiễm.
    • Nhiễm vi khuẩn từ các phần tử khí dung (Qua hô hấp).
    • Tiếp xúc với dịch tiết từ sang thương của bệnh nhân.
  • Du lịch: Nguồn bệnh do khách du lịch bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
  • Tình trạng tiêm ngừa: Những người không tiêm hoặc tiêm không đầy đủ, dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Bất kỳ người nào không có miễn dịch (chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ) đều có thể bị nhiễm bệnh.

Bệnh bạch hầu đã được chứng minh là có thể xuất hiện bất cứ khi nào tỷ lệ bao phủ tiêm chủng xuống thấp. Cơ sở hạ tầng y tế và dịch vụ y tế bị xuống cấp tại các quốc gia đang trải qua hoặc đang phục hồi sau thiên tai hay chiến tranh… làm gián đoạn việc tiêm chủng thường xuyên. Tình trạng quá tải ở các trại tị nạn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Cảnh giác và phòng ngừa bệnh bạch hầu: Những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Bệnh bạch hầu có lây lan như COVID - 19 hay không?

Cả hai căn bệnh này đều lây nhiễm qua đường hô hấp.

Điểm khác biệt: Bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, còn COVID - 19 là bệnh do vi rút corona năm 2019 gây ra (coronavirus disease 2019). Ngoài ra, bạch hầu còn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ sang thương trên da (qua vết thương hay vết loét do bạch hầu).

Cần làm gì khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh bạch hầu?

Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay (penicillin G, erythromycin, azithromycin) để ngăn chặn các biến chứng để giảm nguy cơ tử vong.

Theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng. Chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

Cảnh Giác và Phòng Ngừa Bệnh Bạch Hầu: Những Biện Pháp Bảo Vệ Sức Khỏe Cộng Đồng 5

Nên điều trị hỗ trợ gì đối với người bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm cần được điều trị kịp thời và đúng cách. Dưới đây là những điều trị hỗ trợ đối với người bệnh bạch hầu: 

  • Hỗ trợ hô hấp: Thông thoáng đường thở (nếu khó thở thanh quản độ II cần chỉ định mở khí quản giúp thông thoáng đường thở). Sử dụng Oxy liệu pháp sớm nếu có suy hô hấp, nếu không đáp ứng với Oxy có thể thở máy không xâm nhập/xâm nhập tùy mức độ với trường hợp có suy hô hấp.
  • Hỗ trợ tuần hoàn: đảm bảo cung cấp đầy đủ nước điện giải theo nhu cầu có tính đến bù trừ nếu sốt cao, khó thở, nôn… Trong những trường hợp có sốc (da lạnh, dấu hiệu làm đầy mao mạch ≥ 3 giây, HA tâm thu < 90 mmHg ở người lớn, nước tiểu < 0,5ml/kg/giờ) sau bù dịch đủ (áp lực tĩnh mạch trung tâm 12-14 cm H2O, hoặc đo đường kính tĩnh mạch chủ dưới,... không hiệu quả) nên sử dụng thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp trung bình ≥ 65mmHg và Lactate máu < 2 mmol/l. Chú ý đánh giá quá tải dịch.
  • Cân bằng nước điện giải.
  • Nếu bệnh nhân có rối loạn nhịp tim (block nhĩ thất cấp 2 Mobitz II có thể dùng máy tạo nhịp tạm thời Pacemaker ngoài da hoặc qua tĩnh mạch cảnh.
  • Với trường hợp viêm cơ tim điều trị theo phác đồ viêm cơ tim, nếu viêm cơ tim nặng hoặc có sốc tim không đáp ứng với trợ tim có thể dùng ECMO V-A cho bệnh nhân nếu có điều kiện.
  • Bệnh nhân có suy đa tạng, suy thận có thể lọc máu liên tục (CVVH) nếu có chỉ định.
  • Có thể sử dụng corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính, và bạch hầu thanh quản có phù nề nhiều.
  • Đảm bảo dinh dưỡng: Tĩnh mạch hoàn toàn hay kết hợp qua đường tiêu hóa tùy thuộc tình trạng người bệnh.

Đối tượng nào được xem là người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu?

Theo Bộ Y tế

Người có biểu hiện nghi mắc bệnh mà đi và đến từ vùng đang có dịch bạch hầu hoặc ở vùng từng có ổ dịch bạch hầu trong 5 năm gần đây.

Theo CDC Hoa Kỳ

Đối tượng được xem là tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu là: 

  • Sống cùng người nhiễm.
  • Thường xuyên tiếp xúc nguồn nhiễm.
  • Nhiễm vi khuẩn từ các phần tử khí dung (Qua hô hấp).
  • Tiếp xúc với dịch tiết từ sang thương của bệnh nhân.

Nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần thực hiện cách ly như thế nào?

Khi có triệu chứng mắc bệnh cần xử lý như sau: 

  • Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được nhập viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
  • Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

Biện pháp hiệu quả để phòng tránh bệnh bạch hầu là gì?

Để hạn chế và phòng chống bệnh hiệu quả, bạn cần: 

Phòng ngừa đặc hiệu

Tiêm ngừa bằng vắc xin: Hiện tại, tất cả các Trung tâm tiêm chủng của Long Châu trên toàn quốc đều có sẵn rất nhiều vắc xin phòng ngừa đặc hiệu bệnh Bạch hầu phù hợp cho mọi lứa tuổi như: 

  • Vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim)
  • 4 trong 1 (Tetraxim)
  • 3 trong 1 (Boostrix, Adacel)
  • 2 trong 1 (Bạch hầu - Uốn ván Td).

Phòng ngừa bằng thuốc

Phòng ngừa bằng sử dụng kháng sinh: Với những người tiếp xúc với người bệnh. Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. 

  • Tiêm 1 liều đơn benzathine penicillin (trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị). 
  • Hoặc uống Erythromycin (trẻ em 40mg/kg/ngày, 10mg/lần cách 6 giờ) trong 7 ngày. Người lớn 1g/ngày, 250mg/lần mỗi 6 giờ. 
  • Hoặc Azithromycin: Trẻ em 10-12mg/kg 1 lần/ngày, tối đa 500mg/ngày. Điều trị trong 7 ngày. Người lớn: 500mg/ngày, trong 7 ngày.

Phòng bệnh không đặc hiệu

Những biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như:

  • Cách ly người nghi nhiễm bệnh.
  • Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Sát trùng và tẩy uế nơi bệnh nhân sinh sống và các vật dụng, đồ dùng, quần áo… của người bệnh.
Cảnh giác và phòng ngừa bệnh bạch hầu: Những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng 3

Trẻ chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin bạch hầu thì có khả năng mắc bệnh không?

Như khuyến cáo của Bộ Y Tế, WHO, CDC Hoa Kỳ… thì những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ lịch đều có thể nhiễm và mắc bệnh bạch hầu. Vậy, để đảm bảo phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất, đặc biệt là các bé dưới 15 tuổi, các bậc phụ huynh nên tham vấn từ các đơn vị tiêm chủng uy tín, có chất lượng dịch vụ tiêm ngừa vắc xin tốt nhất. 

Người đã tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng có cần tiêm nhắc lại không?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc xin đa giá: Bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

WHO

Khuyến cáo nên tiêm tổng cộng 6 liều vắc xin có chứa bệnh bạch hầu bắt đầu từ 6 tuần tuổi cho đến tuổi vị thành niên. Hoặc tất cả trẻ em nên được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu với một loạt mũi tiêm cơ bản đầy đủ và 3 mũi tăng cường bổ sung để bảo vệ lâu dài.

CDC Hoa Kỳ

  • Tiêm theo lịch 3 mũi cơ bản cho trẻ ở lứa tuổi 2, 4, 6 tháng.
  • Tiêm nhắc lần lượt 3 mũi ở lứa tuổi: 15 đến 18 tháng, 4 đến 6 tuổi, 11 đến 12 tuổi.
  • Tiêm nhắc 1 mũi mỗi 10 năm tiếp theo. 
Cảnh Giác và Phòng Ngừa Bệnh Bạch Hầu: Những Biện Pháp Bảo Vệ Sức Khỏe Cộng Đồng 3

Các loại vắc xin phổ biến phòng bệnh bạch hầu là gì?

Hiện nay, có một số loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu như: 

  • Vắc xin đa giá 6 trong 1: (Hexaxim, Infanrix Hexa) Chỉ định cho trẻ từ tối thiểu 6 tuần tuổi đến tròn 24 tháng tuổi.
  • Vắc xin đa giá 4 trong 1: (Tetraxim) Chỉ định cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi.
  • Vắc xin 3 trong 1: (Adacel, Boostrix) 
    • Chỉ định cho người từ 4 tuổi đến 64 tuổi: Adacel, đặc biệt từ ngày 22 tháng 05 năm 2024, đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng trên phụ nữ mang thai.
    • Chỉ định cho người từ 4 tuổi trở lên: Boostrix.
  • Vắc xin 2 trong 1: (Td) chỉ định cho người từ 7 tuổi trở lên.
Cảnh Giác và Phòng Ngừa Bệnh Bạch Hầu: Những Biện Pháp Bảo Vệ Sức Khỏe
Vắc xin Adacel 

Trong bối cảnh bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, mỗi cá nhân cần chủ động nâng cao ý thức phòng ngừa để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Việc tiêm phòng vắc xin, duy trì vệ sinh cá nhân, và kịp thời thăm khám khi có dấu hiệu nghi ngờ là những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này. Sự chung tay của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa và kiểm soát bệnh bạch hầu sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo nên một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho tất cả mọi người. 

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm