Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Corticoid là gì và được sử dụng trong những trường hợp nào?

Ngày 31/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Corticoid mang tính chất chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch rất tốt. Với vô vàn công dụng đáng quý, corticoid được các bác sĩ ưu ái sử dụng rất nhiều trong việc điều trị đa dạng các chứng bệnh. Vậy chính xác thì corticoid là gì?

Corticoid là một loại thuốc hữu dụng và được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Tuy vậy vẫn còn nhiều người không hiểu rõ về khái niệm cũng như việc sử dụng corticoid cho những mục đích nào. Cùng khám phá thông qua bài viết nhé!

Corticoid là gì?

Nhiều bạn không khỏi thắc mắc corticoid là gì vì khái niệm này còn khá mới mẻ. Corticoid hay còn gọi là glucocorticosteroid, là một loại thuốc kháng viêm thuộc vào nhóm steroid được các bác sĩ chỉ định dùng cho nhiều loại bệnh lý khác nhau. Bạn có thể tìm thấy corticoid dễ dàng thông qua các loại mỹ phẩm làm trắng da vượt bậc có trên thị trường hiện nay. Đây là một thành phần không thể thiếu của các sản phẩm kem trộn nổi tiếng. Có thể khẳng định rằng đây là một hành vi lạm dụng corticoid trong mỹ phẩm.

Trong cơ thể của chúng ta, corticoid được sản xuất từ vùng bó ở vỏ tuyến thượng thận. Cơ chế xuất phát từ việc tác động đến các tế bào từ hoạt động chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein. Các loại thuốc corticoid dù có nguồn gốc tổng hợp hay từ tự nhiên đều có công dụng như nhau nhưng mức độ hoạt động cũng như thời gian phát huy tác dụng sẽ có phần chênh lệch. Hiểu rõ khái niệm corticoid là gì để tránh sử dụng sai mục đích trong nhiều trường hợp nhé!

Corticoid là gì và được sử dụng trong những trường hợp nào? 1 Corticoid là gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Corticoid được sử dụng trong trường hợp nào?

Corticoid được các bác sĩ sử dụng rộng rãi và ứng dụng trong quá trình điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, có thể kể đến như:

  • Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh crohn, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, xơ cứng bì,... Đây là những chứng bệnh mà hệ thống miễn dịch có thể mất khả năng nhận biết và nhầm lẫn các kháng nguyên của cơ thể thành những tác nhân gây hại xâm nhập.
  • Bệnh về đường hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản,...
  • Corticoid còn được dùng trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy buồn nôn và nôn nhiều do quá trình điều trị ung thư.
  • Ngoài ra còn được sử dụng khi tuyến thượng thận không thể tự sản xuất ra đủ lượng hormone corticoid.
  • Trong những trường hợp bệnh nhân vừa mới được ghép một số cơ quan, corticoid sẽ được chỉ định cùng một số loại thuốc để ngăn ngừa hệ miễn dịch tấn công các cơ quan đó.
  • Corticoid được sử dụng phổ biến trong việc điều trị các bệnh ngoài da như vảy nến, phát ban, kích ứng hay dị ứng da do phấn hoa hay vết côn trùng đốt, sốt hoa cỏ, mề đay,...
Corticoid là gì và được sử dụng trong những trường hợp nào? 2 Corticoid được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau.

Các dạng corticosteroid trên thị trường

Để tiện lợi cho quá trình điều trị mỗi trường hợp bệnh lý khác nhau, corticoid được sản xuất với đa dạng cách dùng khác nhau. 

Corticoid dạng uống

Corticoid dạng uống có hình dạng viên nén, viên nang hoặc thành phẩm siro,... được khuyến cáo nên sử dụng sau khi ăn để tránh tình trạng kích ứng dạ dày. Đa số corticoid dạng uống được chỉ định điều trị các chứng bệnh tự miễn. Một lưu ý rằng bạn không nên dừng uống corticoid một cách đột ngột nếu không có sự cho phép của bác sĩ nhé!

Corticoid dạng hít, xịt

Đây là một dạng corticoid khá nhẹ và thông thường sẽ không gây ra các tác dụng phụ gì nghiêm trọng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cần áp dụng đúng kỹ thuật khi xịt, hít theo hướng dẫn từ bác sĩ. Ngoài ra, sau khi dùng thuốc bạn có thể súc miệng để ngăn ngừa tình trạng khàn giọng hay nấm miệng.

Dạng corticoid này được dùng chủ yếu để điều trị chứng hen suyễn hay những dị ứng ở mũi.

Corticoid dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ dùng ngoài da

Thông thường, với corticoid dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ dùng ngoài da sẽ được chỉ định sử dụng một lượng khá nhỏ để bôi lên da người bệnh. Dạng corticoid này sẽ giúp chữa trị rất nhiều chứng bệnh ngoài da khó chịu. Tuyệt đối không bôi lên vùng da bị tổn thương, trầy xước và tránh tình trạng cọ xát da. Băng bó vùng da đã được bôi corticoid cũng là hành động không được khuyến khích thực hiện.

Corticoid dạng tiêm

Các bác sĩ sử dụng corticoid dạng tiêm để điều trị và cải thiện các triệu chứng ở cơ, khớp như đau, viêm gân,... hoặc ngăn ngừa một số tác dụng phụ của các loại thuốc khác.

Khi tiêm corticoid tại chỗ, các triệu chứng và phản ứng mạnh do viêm khu trú ở vị trí đặc biệt sẽ được giảm đáng kể. Trong một lần tiêm, corticoid đã có thể giảm đi các tác dụng phụ của thuốc. Tiêm corticoid có thể thực hiện dễ dàng ở các phòng khám chuyên khoa.

Tuy nhiên, việc tiêm corticoid có thể để lại một số biến chứng ngắn hạn như màu da tại vị trí tiêm sẽ ngả màu nhạt, vết tiêm có phản ứng hoặc thậm chí nhiễm trùng,... Ngoài ra, nếu chẳng may các bác sĩ tiêm trúng gân sẽ khiến cho vùng gân cơ bị yếu. Đã có vài trường hợp tiêm corticoid bị đứt gân được ghi nhận. Một điều mà các bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý rằng tiêm corticoid có thể làm tăng lượng đường trong máu nữa đấy!

Corticoid là gì và được sử dụng trong những trường hợp nào? 3 Tiêm corticoid có thể để lại một số biến chứng ngắn hạn.

Hiểu rõ corticoid là gì để bản thân mỗi người có thể thận trọng trước khi sử dụng loại thuốc này. Việc sử dụng corticoid rất cần sự chỉ định của các bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng corticoid hay có các ý nghĩ lạm dụng corticoid.

Khánh Vy

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm