Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Canxi hóa bánh nhau là gì? Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không?

Ngày 27/03/2023
Kích thước chữ

Hầu hết trong các trường hợp, bánh nhau bị canxi hoá chỉ là một dấu hiệu cho biết về mức độ trưởng thành của thai nhi gần đủ tháng. Đa phần nguyên nhân gây vôi hóa bánh nhau quá mức là do thai phụ bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu canxi, khiến cho canxi lắng đọng trong bánh nhau, gây ra tình trạng canxi hóa bánh nhau.

Canxi hóa bánh nhau là một tình trạng phổ biến để đánh giá mức độ phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, tùy theo từng cấp độ mà tình trạng vôi hóa bánh rau được xem là bình thường hay bất thường. Vậy canxi hóa bánh nhau là gì? Tình trạng vôi hóa bánh nhau có nguy hiểm không? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc trên nhé!

Vai trò của bánh nhau thai là gì?

Bánh nhau (bánh rau) là một cơ quan quan trọng có nhiệm vụ trao đổi các dưỡng chất giữa mẹ và thai nhi, đồng thời đảm bảo sự hô hấp để nuôi dưỡng bào thai. Bánh nhau thai còn có những hoạt động nội tiết và biến dưỡng nhằm thực hiện vai trò điều hoà nội tiết trong thai kỳ.

Bánh nhau có chức năng như lá phổi của con người, giúp truyền oxy từ mẹ sang thai nhi và có tác dụng bảo vệ thai nhi tránh khỏi nguy cơ hít phải nước ối. Bên cạnh đó, nhau thai còn giúp lọc độc tố và đào thải chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, đồng thời vận chuyển các chất thải sinh học mà thai nhi thải ra đến hệ thống tuần hoàn của thai phụ.

Thêm vào đó, bánh nhau thai còn có chức năng giúp bảo vệ thai tránh khỏi các nguy cơ bị nhiễm trùng, đồng thời ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, các độc tố và che chở bào thai…

Canxi hóa bánh nhau là gì? Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không? 1Bánh nhau được xem là sợi dây liên kết vô cùng quan trọng giữa mẹ và thai nhi

Canxi hóa bánh nhau là gì?

Canxi hóa bánh nhau liên quan đến sự tích tụ canxi ở nhau thai. Thông qua quá trình tích tụ, lượng canxi sẽ tăng dần theo tuổi thai và khi thai nhi trưởng thành (>= 38 tuần) thì sẽ xảy ra hiện tượng vôi hóa bánh nhau thai.

Mức độ canxi hóa bánh nhau được chia thành các cấp độ sau:

  • Độ 0: Tuổi thai được khoảng 31 ± 1 tuần.
  • Độ 1: Tuổi thai khoảng 34 ± 3,2 tuần.
  • Độ 2: Tuổi thai khoảng 37,6 ± 2,7 tuần.
  • Độ 3: Tuổi thai khoảng 38,4 ± 2,2 tuần.

Vôi hóa bánh rau cấp độ 3 cho thấy chức năng phổi của thai nhi bắt đầu hoàn thiện, em bé sẽ thích nghi một cách từ từ và hoàn toàn có thể sống khi chào đời.

Tuổi thai càng lớn, mức độ trưởng thành của nhau thai càng cao, tuy nhiên điều này lại biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Tùy thuộc vào mỗi thai phụ mà quá trình canxi hóa bánh rau thai diễn ra nhanh hay chậm.

Trong hầu hết các trường hợp, rau thai bị canxi hoá chỉ là một dấu hiệu thể hiện bào thai đã gần đủ tháng. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân gây ra hiện tượng vôi hóa quá mức bánh nhau là do mẹ bầu bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu canxi trong thời gian mang thai. Việc lạm dụng quá mức sẽ gây nên hiện tượng lắng đọng canxi trong bánh nhau thai. Từ đó có thể gây ra tình trạng thừa canxi ở trẻ sơ sinh, gây ra hiện tượng thóp kín quá sớm, động mạch chủ bị thu hẹp hoặc xương hàm rộng và nhô ra… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau đây, thai phụ cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám vì đó có thể là biểu hiện của tình trạng canxi hóa bánh nhau:

  • Mẹ bầu có cảm giác khô miệng với tần suất cao.
  • Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đau đầu, mất trí nhớ.
  • Mẹ bầu có cảm giác các cơ bị co cứng nhẹ.
  • Mẹ bầu đi tiểu tiện nhiều lần trong ngày và hay bị táo bón.
Canxi hóa bánh nhau là gì? Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không? 3Canxi hóa bánh nhau ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi

Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không?

Thông thường, sự tích tụ canxi không ảnh hưởng đến chức năng của bánh rau và thai nhi sẽ không phải chịu tác động xấu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự tích tụ canxi quá nhiều có thể gây ra một số vấn đề sau:

  • Việc tích tụ canxi ở vị trí nào sẽ gây xơ hoá nhau thai tại đó và gây ra tình trạng tắc nghẽn một số mạch máu trong bánh rau.
  • Nếu mức độ canxi hóa ở cấp độ 3 xảy ra ở những tuần thai còn sớm sẽ khiến cho việc trao đổi dinh dưỡng từ mẹ sang con kém hơn, thai nhi trong bụng mẹ hấp thụ được ít chất dinh dưỡng và sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
  • Đối với những thai bị quá ngày sinh và bánh rau bị canxi hoá nhiều sẽ có nguy cơ suy thai cao vì trình trạng bào thai bị thiếu oxy nghiêm trọng. Những thai này cũng có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với các thai nhi bình thường khác.
  • Nếu bào thai kéo dài đến 42 tuần tuổi, tình trạng canxi hóa bánh nhau sẽ diễn ra nhanh hơn. Máu được dẫn truyền qua bánh nhau sẽ bị giảm xuống khiến cho quá trình trao đổi oxy diễn ra khó khăn hơn. Nếu hiện tượng này kéo dài lâu có thể dẫn đến tình trạng suy thai, thai chết lưu trong quá trình chuyển dạ hoặc trẻ sẽ chết ngay sau sinh chỉ vài giờ hoặc tác động xấu đến sự phát triển của trẻ do não bộ bị thiếu oxy kéo dài.

Vì vậy, dù được chẩn đoán là có vôi hóa hoặc không bị canxi hóa bánh nhau, các thai phụ cũng cần đi khám thai định kỳ theo đúng chỉ định và đúng lịch hẹn của bác sĩ. Khi thai nhi đã đủ tuần tuổi thông qua đánh giá của siêu âm về độ vôi hoá nhau thai, lượng nước ối… mà thai phụ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ của bạn sẽ đưa ra các chỉ định can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Canxi hóa bánh nhau là gì? Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không? 3Vôi hóa bánh nhau quá mức có thể gây ra tình trạng suy thai

Phòng tránh canxi hóa bánh nhau thai sớm

Trong quá trình mang thai, thai phụ cần đến gặp bác sĩ sản khoa để khám thai đều đặn trong suốt thai kỳ và đó là phương pháp nhằm theo dõi và kiểm soát thai kỳ tốt nhất.

Việc lạm dụng quá mức canxi ở một số thai phụ sẽ gây ra tình trạng lắng đọng canxi ở nhau thai và gây ra hiện tượng canxi hóa bánh nhau. Ngoài ra, việc mẹ tiêu thụ quá nhiều canxi có thể gây ra tình trạng thừa canxi ở trẻ sơ sinh với các dấu hiệu như kể ở trên. Do vậy, mẹ bầu cần bổ sung canxi đúng cách theo từng giai đoạn phát triển của thai kỳ:

  • Từ 0 - 12 tuần tuổi trong thai kỳ: Thai phụ cần bổ sung khoảng 50 mg/ngày lượng canxi cần thiết (tương đương với 1 - 2 cốc sữa).
  • Từ tuần tuổi thứ 13 - 26 trong thai kỳ: Thai phụ cần bổ sung khoảng 1200 mg/ngày lượng canxi. Không nên cung cấp canxi chậm quá 20 tuần tuổi. Càng về sau càng cần bổ sung lượng canxi nhiều hơn.
  • Từ tuần thai thứ 27 - 38 trong thai kỳ: Thai phụ cần bổ sung đủ từ 150 - 450 mg/ngày nhằm đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của cả mẹ và thai nhi.
  • Sau sinh: Sản phụ cũng cần lưu ý bổ sung đầy đủ canxi để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng sau sinh và cải thiện chất lượng sữa mẹ cho bé.
Canxi hóa bánh nhau là gì? Canxi hóa bánh nhau có nguy hiểm không? 4Mẹ bầu nên cung cấp lượng canxi phù hợp theo từng giai đoạn của thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi

Tóm lại, bánh nhau thai có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển các dưỡng chất từ mẹ sang con và sự trao đổi chất giúp thai nhi phát triển toàn diện. Do đó, tình trạng canxi hóa bánh nhau thai quá mức sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng hơn là gây suy thai, thai chết lưu. Vì vậy, mẹ bầu nên đi thăm khám thai định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để theo dõi sát sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng của bánh rau. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin