Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Chàm nang lông và những điều cần biết

Ngày 16/10/2022
Kích thước chữ

Chàm nang lông là bệnh ngoài da. Là một bệnh khá hiếm gặp và làm nhiều người lầm tưởng với bệnh viêm nang lông. Do đó, việc nắm thông tin chính xác về bệnh sẽ giúp bạn có cách phòng và điều trị đúng đắn nhất.

Chàm nang lông là bệnh ngoài da khá hiếm gặp nhưng không nguy hiểm. Bệnh nếu được phát hiện và điều trị kịp thời và đúng cách có thể khắc phục được nhánh chóng. Để phòng tránh hiệu quả, cùng tìm hiểu một số thông tin về bệnh qua bài viết sau đây nhé. 

Chàm nang lông là bệnh gì?

Chàm nang lông là một bệnh ngoài da, còn được gọi với tên khác là chàm lang. Bệnh này có tên khoa học là Follicular Eczema. Bệnh xảy ra khi nang lông bị tổn thương và phát sinh các biểu hiện xung quanh nang lông như nổi đỏ, sưng viêm, ngứa, chảy máu. So với các bệnh lý chàm khác, thì bệnh này hiếm gặp hơn rất nhiều nhưng vẫn có thể được điều trị khỏi. 

Bệnh biểu hiện các dấu hiệu xung quanh nang lông khá giống với viêm nang lông. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng, không đi điều trị sớm mà để tình trạng kéo dài khiến bệnh chàm nang lông ngày càng nặng hơn. 

Chàm nang lông là bệnh gì? Chàm nang lông là bệnh gì?

Bệnh chàm nang lông không nguy hiểm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như một số bệnh da liễu khác. Tuy nhiên, các triệu chứng khó chịu cùng với nang lông bị sưng, viêm sẽ gây mất thẩm mỹ cho làn da. 

Triệu chứng của bệnh chàm nang lông

Không giống như một số căn bệnh về da khác, chàm nang lông chỉ xuất hiện các triệu chứng cục bộ trong và xung quanh nang lông. Lúc này, có thể thấy da sần lên như bị nổi da gà và không biến mất.

Triệu chứng đầu tiên là xuất hiện các nốt mụn nhỏ màu đỏ. Sau đó, mụn phát triển lớn dần và xuất hiện dấu hiện dấu hiệu viêm nhiễm, ngứa ngáy, chảy máu. Sau khi chảy máu, da sẽ bắt đầu đóng vảy, khô, nứt và trở nên bong tróc. 

Các dấu hiệu của bệnh chàm nang lông chủ yếu xuất hiện ở vùng da chân, đùi, tay, nách và một số bộ phận khác. Ngoài các biểu hiện ở trên, thì một số dấu hiện sau đây cũng giúp bạn phát hiện bệnh nhanh nhất:

  • Vùng da bị viêm đỏ, nổi nhiều nốt nhỏ ở chân lông.
  • Các sợi lông cuộn vào bên trong kèm theo cảm giác ngứa ngáy, gây viêm lỗ chân lông.
  • Các mụn nước và các nốt sần dưới nang lông sau một thời gian sẽ vỡ ra và đóng vảy. Vùng da này sẽ trở nên thô ráp.

Trên đây đều là dấu hiệu điển hình của bệnh chàm nang lông phổ biến. Khi nhận thấy dấu hiện trên vùng da cơ thể, nên đi thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Bởi khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, vùng da chàm sẽ ngày càng ngứa, dễ bị viêm nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ. 

Nguyên nhân gây bệnh chàm nang lông

Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chàm nang lông vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có nguy cơ mắc cao nếu có tiền sử bệnh hen suyễn, có chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, da dễ bị dị ứng, kích ứng khi thay đổi thời tiết hay tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh chàm. 

Bên cạnh đó, còn một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Những người thường xuyên uống thuốc kháng sinh và dùng trong một thời gian dài. Lúc này, cơ thể bị mất cân bằng vi sinh, các vi khuẩn có lợi bị giảm. Từ đó, da không được bảo vệ dễ bị dị ứng, tạo cơ hội vi khuẩn xâm nhập và gây chàm nang lông.
  • Cạo lông, nhổ, vệ sinh da không sạch sẽ, không đúng cách. Đặc biệt là nhổ lông có thể dẫn đến nhiễm trùng lỗ chân lông, gây viêm. 
  • Tuyến nhờn trên da hoạt động mạnh dẫn đến lượng dầu tiết ra nhiều, cùng với việc vệ sinh không sạch, tích tụ thêm bụi bẩn, tế bào da chết làm cho các nang lông bị tắc nghẽn. Từ đó có thể cản trở sự phát triển của lông và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
  • Những người bị suy giảm chức năng miễn dịch cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. 
Nguyên nhân gây bệnh chàm nang lông Nguyên nhân gây bệnh chàm nang lô

Cách điều trị chàm nang lông phổ biến

Bệnh chàm nang lông không thể điều trị dứt điểm nhưng nếu can thiệp sớm sẽ có cách kiểm soát triệu chứng tốt. Dưới đây là một số cách điều trị bệnh này phổ biến hiện nay:

Dưỡng ẩm cho làn da

Bệnh chàm có xu hướng gây khô da, bong tróc, đóng vảy. Một khi da thiếu nước, thiếu ẩm sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng. 

Bởi khi da mất đi độ ẩm, lớp biểu bì trên da trở nên khô và căng, có thể xuất hiện các vết nứt và thậm chí là chảy máu. Đồng thời, khi da khô thường có hệ miễn dịch kém hơn do màng lipid bị tổn thương nghiêm trọng. Thế nên, để giảm và kiểm soát tốt triệu chứng, cần dưỡng ẩm cho làn da đầy đủ. 

Nên chọn các loại kem có thành phần dưỡng ẩm cao như glycerin, axit hyaluronic, dầu khoáng,... Để bảo vệ da tốt, tránh tình trạng kích ứng, dị ứng hạn chế sử dụng sản phẩm có cồn, nước hoa, các thành phần dễ gây kích ứng. Nếu quá khó trong việc chọn sản phẩm, có thể tham khảo ý kiến từ chuyên gia hoặc bác sĩ da liễu để được tư vấn sản phẩm phù hợp. 

Dưỡng ẩm cho làn da - trị chàm nang lông Dưỡng ẩm cho làn da - trị chàm nang lông 

Kem bôi steroid

Các loại kem bôi steroid điều trị chàm nang lông thường dùng là betamethasone, triamcinolone acetonide,… Các loại kem này có tác dụng kiểm soát triệu chứng, giảm viêm nhiễm, ngứa ngáy ở vùng da bị tổn thương.

Hầu hết các bệnh nhân mắc chàm nang lông đều đáp ứng tốt với các loại thuốc này. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, cần phải lưu ý một số điều sau để tránh rủi ro:

  • Chỉ sử dụng kem bôi steroid khi có sự chỉ định từ bác sĩ.
  • Chọn sản phẩm với nồng độ thích hợp (0,1% dành cho người lớn, 0,03% cho trẻ em). Nếu muốn tăng nồng độ sử dụng thì phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Sử dụng thuốc này trên các vùng da vừa và nhỏ. Nếu khi bị tổn thương diện rộng không nên tự ý dùng, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. 
  • Không dùng quá liều khuyến cáo hoặc dùng băng che vùng bôi thuốc, trừ khi có sự chỉ định từ bác sĩ. 
  • Steroid tại chỗ làm cho làn da mỏng hơn và nhạy cảm hơn với ánh nắng. Do đó, khi sử dụng cần phải dùng kem chống nắng để bảo vệ da. Đồng thời, khi ra ngoài cần mặc áo khoác che chắn. 
  • Cẩn thận khi cho trẻ và phụ nữ mang thai sử dụng thuốc.

Các biện pháp khác

Việc sử dụng kem bôi steroid trong thời gian dài không được khuyến cáo. Thuốc chỉ được chỉ định sử dụng khi các triệu chứng bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Một khi tình trạng thuyên giảm, bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc mà nên áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm ngứa, giảm tình trạng trên da hiệu quả:

  • Dùng khăn sạch thấm nước ấm rồi chườm lên vùng da bị chàm. Việc này sẽ giúp cho da được bù nước và giảm khô, ngứa và nứt nẻ, làm dịu da. 
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để hạn chế da bị mất độ ẩm. Mặc quần áo ấm, đi găng tay và tất chân khi thời tiết hanh khô. Còn thời tiết nóng nên chọn quần áo rộng, thoải mái, dễ thấm hút mồ hôi. 
  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây hại.

Mong rằng những thông tin về bệnh chàm nang lông giúp mọi người có được một số kiến thức về bệnh. Từ đó, có kinh nghiệm trong nhận biết và can thiệp điều trị bệnh sớm nhất. 

Thy Võ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.