Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em

Ngày 07/10/2022
Kích thước chữ

Sarcoma cơ vân ở trẻ em là bệnh ung thư nguy hiểm. Sau khi kết thúc quá trình điều trị, trẻ cần được chăm sóc theo dõi đúng cách để phát hiện nguy cơ tái phát cũng như hạn chế tác dụng phụ của các phương pháp điều trị trước đó.

Bài viết này giới thiệu phương pháp chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em và tầm quan trọng của việc chăm sóc này.

Tổng quan chung về chăm sóc theo dõi sau điều trị

Chăm sóc cho một bệnh nhân mắc ung thư không dừng lại khi quá trình điều trị đặt ra ban đầu hoàn tất mà phải tiếp tục kiểm tra và theo dõi để đảm bảo ung thư không tái phát, điều trị các tác dụng phụ và theo dõi sức khỏe toàn diện của người bệnh. Những công việc đó được gọi là chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư. Tất cả người bệnh nói chung và trẻ em nói riêng đã điều trị ung thư, bao gồm Sarcoma cơ vân, đều cần được chăm sóc theo dõi sau điều trị suốt đời.

Chăm sóc theo dõi cho trẻ mắc Sarcoma cơ vân bao gồm tái khám lâm sàng thường xuyên, làm các xét nghiệm hoặc cả hai. Bác sĩ sẽ theo dõi sự phục hồi của trẻ trong nhiều tháng và nhiều năm tiếp theo.

Chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 1 Chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư giúp phát hiện sớm dấu hiệu tái phát

Những phương pháp chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em

Theo dõi tái phát

Một trong những mục tiêu quan trọng của chăm sóc theo dõi là đánh giá khả năng tái phát bệnh. Ung thư có khả năng tái phát vì các vùng nhỏ của tế bào ung thư trong cơ thể có thể vẫn chưa được phát hiện và tiêu diệt. Theo thời gian, các tế bào này tăng số lượng và biểu hiện thành bệnh ung thư.

Trong quá trình chăm sóc theo dõi sau điều trị, bác sĩ điều trị sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cá nhân về nguy cơ tái phát bệnh ở trẻ. Bác sĩ thường sẽ đặt những câu hỏi cụ thể về sức khỏe của trẻ. 

Một số trường hợp trẻ em có thể được xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh như là một phần của chăm sóc theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên việc lựa chọn xét nghiệm nào phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giai đoạn ung thư được chẩn đoán lúc đầu và các phương pháp điều trị đã được thực hiện.

Kiểm soát tác dụng phụ dài hạn và muộn

Đôi khi, tác dụng phụ của bệnh hoặc quá trình điều trị có thể kéo dài sau thời gian điều trị ban đầu (tác dụng phụ dài hạn) hoặc phát sinh sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị (tác dụng phụ muộn). Những ảnh hưởng này thường bao gồm các vấn đề về thể chất, như vấn đề về tim phổi và ung thư thứ phát; các vấn đề về nhận thức như trí nhớ, sự chú ý hay khó khăn trong học tập; và về cảm xúc như lo lắng hoặc trầm cảm.

Chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 2 Quá trình điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em có thể gây ra nhiều tác dụng phụ

Trẻ được điều trị Sarcoma cơ vân cần được theo dõi các dấu hiệu hoặc triệu chứng của việc ung thư tái phát. Tái phát thường gặp trong 3 năm đầu sau khi chẩn đoán và điều trị hoàn tất. Trong thời gian này, trẻ nên được tái khám lâm sàng thường xuyên và xét nghiệm hình ảnh ít nhất 3 đến 6 tháng một lần trong 2 năm đầu sau khi điều trị hoàn tất. 

Ngoài ra, đứa trẻ cần được theo dõi thường xuyên về sự tăng trưởng thể chất, sự phát triển và hoàn thiện của chức năng sinh dục và bàng quang. Nếu trẻ từng xạ trị vào mắt hoặc miệng, cần phải kiểm tra mắt và khám răng thường xuyên.

Trẻ có khối u ở tay hoặc chân có thể bị giảm tăng trưởng ở những chi bị ảnh hưởng và khác biệt về chiều dài chi khi trẻ lớn. Nếu trẻ có tình trạng này, trẻ cần được theo dõi và đánh giá bởi bác sĩ chỉnh hình và thực hiện những biện pháp vật lý trị liệu để khắc phục.

Dựa trên phương pháp điều trị trước đó, bác sĩ sẽ quyết định cần khám và làm xét nghiệm gì để kiểm tra các tác dụng phụ dài hạn, chẳng hạn như các vấn đề về tăng trưởng và phát triển thể chất, các vấn đề của bàng quang, vô sinh và khả năng ung thư thứ phát,... Ngoài ra còn có khả năng bị Sarcoma xương (u xương ác tính), u não, hoặc là bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML),...

Lưu giữ hồ sơ sức khỏe cá nhân của trẻ

Phụ huynh được khuyến khích nên sắp xếp và lưu giữ hồ sơ y tế cá nhân cho con. Nhân viên y tế sẽ giúp bạn tạo hồ sơ này. Nhờ vậy, khi lớn lên, đứa trẻ sẽ có một văn bản rõ ràng về lịch sử chẩn đoán, phương pháp điều trị được đưa ra và lời khuyên của bác sĩ về kế hoạch chăm sóc theo dõi.

Hồ sơ này rất có giá trị đối với đội ngũ bác sĩ chăm sóc cho trẻ về sau nếu chẳng may trẻ gặp phải bất kỳ vấn đề nào cần phải chăm sóc y tế.

Chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em 3 Việc lưu giữ hồ sơ y tế cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng

Điều trị ung thư thành công là tin vui đối với trẻ và người nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra với sức khỏe của con trẻ sau quá trình điều trị, người nhà cần phối hợp với y bác sĩ để thực hiện nghiêm túc những phương pháp chăm sóc theo dõi sau điều trị.

Trên đây là những thông tin cơ bản về quá trình chăm sóc theo dõi sau điều trị Sarcoma cơ vân ở trẻ em. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích. Hãy nhấn theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều tin tức sức khỏe hữu ích nhé!

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin