Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chán ăn tâm thần: Bệnh lý nguy hiểm, không nên xem thường

Ngày 16/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sự căng thẳng, áp lực, lo âu, bất ổn tâm lý hoặc bệnh trầm cảm có thể ức chế cảm giác đói, gây cảm giác buồn nôn, ăn không ngon miệng, khó tiêu… gọi là chứng chán ăn tâm thần. Điều trị bệnh lý này chủ yếu bằng các hình thức trị liệu tâm lý.

Để điều trị chứng chán ăn tâm thần, người bệnh cần dùng phương pháp giải tỏa tâm lý vừa bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để bồi bổ cơ thể. Để tìm hiểu cụ thể về các phương pháp điều trị, bạn hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nhé.

Những điều cần biết về chứng chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần là gì?

Chán ăn tâm thần: Bệnh lý nguy hiểm, không nên xem thường 1 Chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống

Chứng chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống với biểu hiện đặc trưng như hạn chế ăn uống quá mức, nỗi sợ hãi về việc tăng cân một cách vô lý hay bị chứng cuồng ăn nhưng sau đó lại tìm cách nôn thức ăn. Các đối tượng thường bị chứng bệnh này gồm trẻ em gái và phụ nữ trẻ, bệnh thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và hiếm khi xảy ra sau tuổi 40.

Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, nhưng nỗi ám ảnh về bệnh béo phì, những lời phán xét về hình thể, tâm lý về hình thể mỏng manh gây ra bệnh chán ăn, khiến lượng thức ăn được nạp vào cơ thể giảm đi nhiều so với nhu cầu cơ thể. Sự lo lắng quá mức về cân nặng hoặc đã từng có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt làm gia tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn do tâm lý này và có thể có xu hướng di truyền.

Nhận diện bệnh lý 

Có hai loại chán ăn tâm thần với biểu hiện như sau:

Kiểu hạn chế: Bệnh nhân hạn chế lượng thức ăn được dung nạp vào cơ thể nhưng không thường xuyên có hành vi cuồng ăn và tự can thiệp để đào thải thức ăn; một số bệnh nhân tập thể dục quá mức.

Kiểu cuồng ăn/tự đào thải thức ăn: Người bệnh thường xuyên có chứng cuồng ăn và sau đó tìm cách nôn ra và/hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi niệu hoặc rửa ruột để đào thải thức ăn.

Cuồng ăn được định nghĩa là tình trạng người bệnh tiêu thụ một lượng thức ăn lớn hơn nhiều so với phần lớn mọi người ăn trong cùng một khoảng thời gian và bối cảnh tương tự. Đì kèm là sự mất kiểm soát ăn uống, nghĩa là không thể chống lại hoặc ngừng ăn.

Triệu chứng cho bệnh nhân (nữ) điển hình 

Bệnh nhân nữ bị chán ăn tâm thần sẽ có triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt (mất 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp), nhanh chóng giảm cân đáng kể, lông tơ mềm, mọc trên mặt và cơ thể. Một giả thuyết cho rằng các dấu hiệu này có liên quan đến tuyến giáp.

Người bệnh bận tâm nhiều đến thức ăn hoặc việc nấu ăn, có thể nấu bữa ăn tối cho những người khác, nhưng không muốn ăn thức ăn họ nấu.

Nỗi ám ảnh với lượng calo và chất béo trong thực phẩm luôn thường trực trong suy nghĩ người bệnh. Bệnh nhân duy trì chế độ ăn kiêng mặc dù cơ thể đã gầy hoặc thiếu cân một cách nghiêm trọng.

Người bị chứng cuồng ăn hay sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc giảm cân để gây nôn hoặc để đào thải thức ăn. Họ cho rằng mình béo phì nên thường xuyên tập thể dục với cường độ cao. Do mất chất béo hoặc hạ huyết áp dẫn đến hạ thân nhiệt, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy lạnh. Họ bị trầm cảm và xa lánh gia đình, bạn bè. Vì nôn quá nhiều nên má có thể bị sưng lên do các tuyến nước bọt mở rộng. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng như khớp sưng lên, đầy bụng, hơi thở hôi, rụng tóc, mệt mỏi, dễ thay đổi tâm trạng, nghiện rượu, có khuynh hướng nghiện ma túy. Dấu hiệu ngoài da thường là tăng sắc tố, viêm da, ngứa, ban đỏ, chấm xuất huyết.

Biến chứng của bệnh

Chán ăn tâm thần: Bệnh lý nguy hiểm, không nên xem thường 2 Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm sau:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Rối loạn nước điện giải: Hạ natri, kali máu, ngừng tim, phù, sâu răng, mất răng, loãng xương, teo não, giảm bạch cầu.
  • Nếu chứng bệnh này xuất hiện khi người bệnh còn trẻ và kéo dài một thời gian, khi trở nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng hoặc suy dinh dưỡng mãn tính, chậm tuổi dậy thì, thiểu năng sinh dục. 
  • Bệnh tim mạch và loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh: Run, co giật.

Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh 

Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc chứng bệnh này sẽ cao nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc bệnh.

Định kiến về giảm cân: Những lời nhận xét của những người xung quanh ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của người bệnh, từ đó quyết định giảm cân trong khi cơ thể lại đang thiếu cân.

Sự thay đổi tâm lý đột ngột: Những thay đổi về môi trường sống xung quanh, áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống có thể gây stress, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phương tiện truyền thông và mạng xã hội: Trào lưu giảm cân, các xu hướng làm đẹp được đăng tải trên mạng xã hội cũng góp phần thúc đẩy người bệnh quyết tâm bỏ ăn để giảm cân.

Giải pháp điều trị chứng chán ăn tâm thần hiệu quả

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh

Bác sĩ chẩn đoán bệnh chán ăn do tâm lý dựa vào tiền sử bệnh án, đặc biệt xem xét về cân nặng, chế độ ăn uống và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi cho người bệnh liên quan đến cân nặng, chế độ tập thể dục, chế độ giảm cân, tình trạng nôn mửa, quan niệm về gầy và béo, tình trạng chán ăn, tiền sử gia đình có ai bị rối loạn ăn uống không...

Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh chán ăn tâm thần, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm Albumin.
  • Kiểm tra loãng xương bằng xét nghiệm mật độ xương.
  • Xét nghiệm máu toàn bộ CBC.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG).
  • Xét nghiệm điện giải.
  • Xét nghiệm chức năng thận.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm tổng số protein.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
  • Xét nghiệm nước tiểu.

Cách điều trị chứng chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần: Bệnh lý nguy hiểm, không nên xem thường 3 Bệnh nhân chán ăn tâm thần cần nạp đầy đủ năng lượng

Điều khó nhất trong việc điều trị bệnh chán ăn do tâm lý là giúp người bệnh nhận ra họ đang mắc bệnh. Đa số bệnh nhân bị chứng bệnh này phủ nhận tình trạng bệnh và chỉ đồng ý điều trị khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Do đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình của bệnh nhân để việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Liệu pháp ngôn ngữ 

Phương pháp này được áp dụng để thay đổi suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân nhằm khuyến khích họ quay trở lại thói quen ăn uống lành mạnh trước đây. Liệu pháp này tỏ ra hiệu quả hơn ở bệnh nhân chỉ vừa mắc bệnh trong thời gian ngắn hoặc những bệnh nhân trẻ. 

Dược phẩm

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể trực tiếp điều trị bệnh chán ăn tâm thần. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rối loạn thần kinh và ổn định thần kinh để hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị, nhất là đối với bệnh nhân điều trị chứng trầm cảm và lo lắng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bệnh chán ăn do tâm lý có thể được kiểm soát nếu bạn thay đổi chế độ sinh hoạt như sau:

  • Tham gia nhiều hoạt động giải trí, giảm stress.
  • Thừa nhận rằng mình có vấn đề về tâm lý và cần được chữa trị. Nếu không chấp nhận, bạn sẽ không thể chữa được chứng bệnh này và khả năng thành công của quá trình điều trị sẽ không cao.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống đúng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tham gia các buổi tư vấn tâm lý để lấy lại cân bằng về tinh thần trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Mua quần áo vừa vặn với cơ thể, không mua những quần áo bó sát để trông bạn ốm đi hoặc khiến bạn muốn giảm cân để mặc vừa.

Chế độ ăn uống

Đối với bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần, chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh. Bệnh nhân cần phải ăn đầy đủ dưỡng chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Đặc biệt, bổ sung kẽm mang lại lợi ích trong điều trị.

Tốt nhất bữa ăn cần cung cấp 1.200-1.500 calo mỗi ngày và tăng 500 calo mỗi ngày. Quá trình cung cấp năng lượng sẽ tiếp tục cho đến mức 4.000 calo (cho bệnh nhân nam) và 3.500 calo (cho bệnh nhân nữ). Lưu ý rằng bổ sung các axit béo omega-3 docosahexaenoic acid (DHA) và eicosapentaenoic acid (EPA) sẽ có lợi cho các rối loạn tâm thần kinh khác nhau. Vitamin và dịch truyền cũng được sử dụng.

Bổ sung Olanzapine mang lại hiệu quả trong điều trị một số khía cạnh của chán ăn tâm thần bao gồm nâng cao khối lượng cơ thể và giảm ám ảnh.

Ở thanh thiếu niên và người lớn bị chứng bệnh này phù hợp dùng liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioural Therapy - CBT).

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm