Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Cách khắc phục chân vòng kiềng?

Ngày 05/10/2023
Kích thước chữ

Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh là một dị tật khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ về tình trạng này dẫn đến gặp khó khăn trong việc điều trị và phòng ngừa. Vậy chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường và cách khắc phục ra sao?

Chân vòng kiềng là một dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng liệu ba mẹ có biết cách nhận biết và phòng ngừa chân vòng kiềng ở trẻ không? Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hiểu được chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường và cách khắc phục?

Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?

Một sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ mắc phải về tình trạng chân cong ở trẻ sơ sinh là bế trẻ theo kiểu cắp nách nhưng thực tế không phải như vậy. Trẻ chân vòng kiềng được chia làm 2 loại là chân vòng kiềng sinh lý và chân vòng kiềng bệnh lý. Hầu hết trẻ dưới 6 tháng tuổi đều có chân vòng kiềng, đây là độ cong sinh lý của chân. Với tình trạng này, trẻ không cần điều trị, chân trẻ sẽ tự thẳng khi 1 - 2 tuổi. Với tình trạng cong chân bệnh lý hay còn gọi là chân vòng kiềng, mẹ có thể dễ dàng nhận biết bằng cách đặt trẻ (12 - 24 tháng) đứng thẳng và ép hai mắt cá chân vào nhau sẽ thấy hai đầu gối cách xa nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cong chân ở trẻ như nhuyễn xương do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, còi xương, khối u, nhiễm trùng xương, tổn thương xương.

Ngoài ra, việc cho trẻ dậy tập đi sớm cũng dễ gây ra bệnh lý chân vòng kiềng do xương cẳng chân của trẻ còn yếu và chưa đủ khỏe để chống đỡ cơ thể, đặc biệt đối với những trẻ quá bụ bẫm.

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân trẻ bị cong chân, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm, chụp X-quang từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Cách khắc phục chân vòng kiềng? 1
Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Hai chân thẳng từ đùi, đầu gối và mắt cá chân

Cách phát hiện trẻ bị chân vòng kiềng

Nếu trẻ đứng với ngón chân hướng về phía trước, mắt cá chân chạm vào nhau và có khoảng cách giữa hai đầu gối có nghĩa là chân trẻ đang cong. Tình trạng này thể hiện rõ nhất từ 3 - 6 tuổi. Ngoài ra, còn một cách khác để kiểm tra xem trẻ có bị chân vòng kiềng hay không bằng cách cho trẻ nằm ngửa, duỗi thẳng chân và để mắt cá chân chạm vào nhau. Sau đó đo khoảng cách giữa hai đầu gối, khoảng cách này nhỏ hơn 10cm nghĩa là trẻ vẫn phát triển bình thường. Nếu khoảng cách giữa hai đầu gối lớn hơn 10cm, bạn nên đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần xét nghiệm máu để loại trừ bệnh còi xương.

Nguyên nhân trẻ bị chân vòng kiềng

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, bế cắp nách là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị cong chân. Tuy nhiên, nguyên nhân này hoàn toàn sai sự thật. Chân vòng kiềng được chia thành hai loại là chân vòng kiềng bệnh lý và chân vòng kiềng sinh lý. Đối với chân vòng kiềng sinh lý, khi trẻ được 2 tuổi xương sẽ tự điều chỉnh theo thời gian mà không cần điều trị. Đối với trẻ bị cong chân bệnh lý, nguyên nhân có thể là:

  • Yếu tố di truyền: Vì bệnh di truyền nên thường không có cách chữa trị. Gia đình có thể đưa trẻ đến khoa chỉnh hình để được tư vấn phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, trẻ cần đợi đến một độ tuổi nhất định mới được can thiệp.
  • Do cân nặng của trẻ: Một số trẻ tập đi quá sớm (7 - 9 tháng) hoặc thừa cân cũng có thể dẫn đến chân vòng kiềng. Ở giai đoạn này, trẻ còn nhỏ, hệ xương chưa đủ khỏe để nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên việc tập đi sớm đối với trẻ, đặc biệt là trẻ thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc các vấn đề về chân cong.
  • Một số bệnh khác: Thiếu vitamin D kéo dài, bệnh giòn xương, rối loạn tăng trưởng cản trở sự phát triển của xương,… Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị.

Làm gì khi trẻ bị chân vòng kiềng?

Ba mẹ nên thực hiện các bước kiểm tra nếu nghi ngờ trẻ bị chân vòng kiềng. Nếu cần thiết, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tiến triển của chân vòng kiềng 3 - 6 tháng một lần nếu khoảng cách giữa hai đầu gối lớn hơn 10cm.

Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, chân cong là bình thường. Chân vẫn còn hơi cong nếu trẻ mới 2 tuổi nhưng sẽ có sự cải thiện ở giai đoạn chập chững biết đi. Khi trẻ đã 3 tuổi mà tình trạng vẫn chưa rõ ràng thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ khám.

Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị cong chân là do thiếu vitamin, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bổ sung. Bạn có thể đưa trẻ đến bác sĩ chỉnh hình để được đánh giá và điều trị thêm. Trong một số trường hợp cần phải phẫu thuật để chỉnh sửa nếu chân bị cong nặng.

Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Cách khắc phục chân vòng kiềng? 2
Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Sau 2 tuổi không còn dấu hiệu cong chân

Một số cách khắc phục cho trẻ bị chân vòng kiềng

Dưới đây là một số cách giúp bạn khắc phục tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ:

  • Tìm hiểu các mốc phát triển của trẻ: Để xác định chính xác trẻ bị chân vòng kiềng không, bạn có thể tìm kiếm thông tin về các mốc phát triển của trẻ cũng như những thay đổi về sinh lý, bệnh lý. Mặc dù chân vòng kiềng có cải thiện theo thời gian nhưng bạn cần biết khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ: Một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương như biến dạng xương, viêm nhiễm phá hủy sụn khớp. Một số vitamin đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển xương của trẻ là canxi, vitamin D, protein và khoáng chất.
  • Thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời: Cho trẻ đeo nẹp chân vào ban đêm. Biện pháp này sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng để điều chỉnh sớm cho trẻ. Liệu pháp xoa bóp cũng rất hữu ích trong việc điều trị dị tật này nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
  • Thực hiện bài tập cho trẻ bị cong chân: Ba mẹ có thể cho con tập một số bài tập để giúp các cơ và mô liên kết của cơ thể gắn kết lại. Ngoài ra, vận động còn giúp trẻ nâng cao nội lực, lấy lại tư thế đứng, đồng thời cải thiện sự linh hoạt của đôi chân.
  • Kiểm tra cân nặng của trẻ: Kiểm soát cân nặng của trẻ là cách khắc phục chân vòng kiềng hiệu quả. Một số nghiên cứu cho thấy khi trẻ bị chân vòng kiềng, xương và các mô liên kết sẽ chịu áp lực và căng thẳng do sự phân bố khớp không đều. Vì vậy, xương của trẻ sẽ bị quá tải khi trẻ thừa cân, dẫn đến dị tật chi dưới. Ba mẹ nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ.
Chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? Cách khắc phục chân vòng kiềng? 3
Không nên tập đi cho trẻ quá sớm để hạn chế tạp áp lực cho thân dưới

Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin về chân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường cũng như cách khắc phục khi trẻ bị chân vòng kiềng. Trẻ có thể gặp nhiều biến chứng như viêm khớp, khó chịu khi đi lại, cong đầu gối nếu không được khắc phục khi còn nhỏ. Vì vậy, bạn nên đưa trẻ đi khám nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của chân vòng kiềng hoặc nghi ngờ trẻ đang mắc phải tình trạng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin