Ngoài chảy máu nướu răng và chảy máu chân răng, chảy máu cam là hiện tượng rất thường gặp của chị em phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Khi phụ nữ mang thai, có thể khiến cho các mạch máu trong mũi bạn giãn rộng, kết hợp với việc cung cấp máu tăng lên sẽ tạo ra áp lực lên những mạch máu mỏng manh đó. Từ đó khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Đó cũng lí giải nguyên nhân tại sao chảy máu cam rất phổ biến trong khi mang thai.
Có khoảng 20% phụ nữ mang thai bị chảy máu cam một vài lần trong thai kì. Trong khi đó, chỉ có khoảng 6% phụ nữ không mang thai gặp phải tình trạng chảy máu cam này. Do đó, rất nhiều mẹ bầu vẫn luôn băn khoăn rằng, liệu chảy máu cam khi mang thai có gây ra bất kỳ sự nguy hiểm nào cho bản thân và cho thai nhi hay không? Hãy cùng chúng tôi làm rõ thông tin này qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân chảy máu cam khi mang thai
Hiện tượng chảy máu cam khi mang thai thường là vô hại đối với mẹ bầu. Các bác sĩ còn cho rằng, nếu mẹ bầu không mắc bệnh lý nào hoặc sức khỏe ổn định, việc chảy máu cam một vài lần trong thai kỳ thường không gây ra bất kỳ sự nguy hiểm nào. Do khi mang thai, hệ miễn dịch hoạt động sẽ yếu hơn bình thường, từ đó khiến mẹ bầu có khả năng cao bị cảm lạnh, nhiễm trùng xoang hoặc dị ứng khi thời tiết khô, lạnh… dẫn đến bị chảy máu mũi.
Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe rất nguy hiểm do mẹ bầu mắc phải như rối loạn đông máu, huyết áp cao… cũng có thể ảnh hưởng và gây chảy máu cam ở mẹ bầu.
Không những thế, sự thay đổi của nội tiết tố trong thai kỳ cũng khiến cho các màng nhầy ở mũi mẹ bầu bị sưng lên dẫn đến tình trạng nghẹt mũi và chảy máu mũi dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia dành cho các mẹ bầu là luôn thận trọng trong việc dùng thuốc. Những loại thuốc như: Aspirin, Warfarin, thuốc thông mũi, thuốc xịt hay thuốc chống viêm không steroid… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
Mẹ bầu bị huyết áp cao có nguy cơ bị chảy máu cam khi mang thai
Bị chảy máu cam khi mang thai có nguy hiểm không?
Thông thường, chảy máu cam trong thai kỳ thường không gây nguy hiểm cho thai nhi hoặc sản phụ. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu cam có thể là dấu hiệu cũng như khả năng làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng, khoảng 10% phụ nữ mang thai bị chảy máu cam khi mang thai có bị băng huyết sau sinh. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 6% phụ nữ không bị chảy máu cam mắc phải vấn đề này. Hơn thế nữa, nếu thai phụ vẫn chảy máu cam và có dấu hiệu chảy máu cam nặng trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khả năng cao bạn có thể phải sinh mổ.
Do đó, thai phụ dấu hiệu chảy máu cam không rõ nguyên nhân, chảy máu cam thường xuyên, chảy máu cam không tự cầm… mẹ bầu cần nhanh chóng đến phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện uy tín để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến bản thân và thai nhi.
Chảy máu cam khi mang thai có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu
Cần làm gì khi bị chảy máu cam khi mang thai?
Khi mẹ bầu bị chảy máu cam bạn có thể cân nhắc áp dụng những cách sau nhằm sơ cứu kịp thời, sau đó hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám nhé:
- Hãy ngồi xuống và nghiêng người về phía trước một chút để lượng máu còn đọng lại được chảy ra khỏi lỗ mũi, ngăn trường hợp máu chảy ngược lại vào trong họng và dạ dày. Nếu mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, bạn có thể nằm nghiêng người qua một bên.
- Sau đó sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ, kẹp chặt phía trên vùng cánh mũi rồi thở bằng miệng. Không nên kẹp chặt phần lỗ mũi.
- Mẹ bầu hít thở bằng miệng và siết chặt lỗ mũi như trên trong khoảng từ 10 đến 15 phút. Tuyệt đối không nên kiểm tra tình trạng chảy máu mũi trong thời gian này vì có thể cản trở quá trình đông máu, gây ảnh hưởng không mong muốn.
- Mẹ bầu có thể giữ một túi chườm lạnh đặt lên sống mũi vì nhiệt độ lạnh có thể làm hẹp các mạch máu và làm chậm quá trình chảy máu.
- Lưu ý mẹ bầu không nên nằm thẳng xuống hoặc ngửa đầu ra sau, bởi sẽ có khả năng bạn có thể nuốt phải máu, khiến tình trạng buồn nôn và nôn hoặc nếu máu chảy vào họng nhiều và thậm chí có thể gây kích thích đường thở rất nguy hiểm, làm trầm trọng hơn tình trạng chảy máu mũi. Nếu sau 15 phút máu mũi vẫn không ngừng chảy, mẹ bầu tiếp tục thực hiện trong khoảng từ 10 đến 15 phút nữa.
Thông thường, tình trạng chảy máu cam khi mang thai chỉ là tình trạng nhất thời và sẽ tự khỏi sau khi mẹ bầu sinh con. Nếu bạn bị chảy máu cam thường xuyên sau khi sinh con, bạn nên kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nếu có.
Dấu hiệu chảy máu cam khi mang thai chuyển biến nặng
Mẹ bầu cần phải đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện nếu tình trạng chảy máu cam của bạn có diễn biến trở nặng như sau:
- Chảy máu không ngừng sau 30 phút.
- Chảy nhiều máu và không tự cầm máu được.
- Mẹ bầu khó thở vì chảy máu.
- Mẹ bầu bị chảy máu mũi sau khi bị chấn thương vùng đầu, ngay cả khi bạn chỉ bị chảy máu nhẹ và ít.
- Tình trạng chảy máu gây ra sự mệt mỏi, chóng mặt và mất phương hướng.
- Da vẻ mẹ bầu tái nhợt vì chảy máu.
- Mẹ bầu chảy máu cam có kèm đau ngực.
Nếu chảy máu cam có dấu hiệu chuyển biến nặng mẹ bầu cần đến bệnh viện sớm nhất
Nên làm gì để tránh tình trạng chảy máu cam khi mang thai?
Để hạn chế tình trạng chảy máu cam khi mang thai, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như sau:
- Uống thật nhiều nước để giữ độ ẩm cho màng nhầy của mũi.
- Nếu xì mũi, hãy thực hiện nhẹ nhàng, hạn chế gây chảy máu mũi.
- Khi hắt hơi, nên mở miệng để làm giảm áp lực tập trung vào mũi.
- Khi mùa đông, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.
- Giữ cho phòng ngủ mẹ bầu luôn được thoáng mát.
- Không làm việc nặng hoặc tập thể thao quá mức.
- Không uống rượu bia và tránh xa thuốc lá cũng như khói thuốc.
- Nhỏ hoặc xịt dung dịch nước muối loãng dành cho mẹ bầu để ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam.
Trên đây là những thông tin về chảy máu cam khi mang thai có nguy hiểm hay không gửi đến bạn đọc. Thai phụ khi bị chảy máu cam quá thường xuyên cần thăm khám sớm để bác sĩ điều trị lưu lại thông tin nhằm có phương án xử trí kịp thời đúng cách khi sinh con, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé sau này.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp