Cơ thể chúng ta có thể dễ dàng tăng cân nếu ăn nhiều chất béo. Nhưng giảm cân không chỉ là ăn những thực phẩm ít chất béo mà còn phải chú ý đến lượng calo nạp vào trong bữa ăn hàng ngày. Cơ thể bạn dự trữ thêm calo dưới dạng chất béo, ngay cả khi chúng đến từ thực phẩm không có chất béo hoặc chất béo chuyển hóa. Nếu bạn thay thế thực phẩm giàu chất béo bằng thực phẩm có hàm lượng calo cao như đồ ngọt, bạn có thể bị tăng cân thay vì giảm cân.
Các cơ quan y tế đã khuyến cáo mọi người nên tuân theo một chế độ ăn uống ít chất béo
Tìm hiểu về chế độ ăn kiêng ít chất béo
Một chế độ ăn tiêu chuẩn ít chất béo được các cơ quan y tế khuyến nghị nên chứa ít hơn 30% lượng calo hàng ngày từ chất béo. Chế độ ăn rất ít chất béo thường cung cấp 10-15% hoặc ít hơn tổng lượng calo từ chất béo. Ngoài ra, nhiều hướng dẫn sức khỏe khuyến cáo rằng chất béo bão hòa không nên vượt quá 7-10% lượng calo hàng ngày của bạn.
Chế độ ăn ít chất béo có tác dụng cho việc giảm cân không?
Chế độ ăn ít chất béo, hay còn được gọi là chế độ ăn low-fat thường được khuyến khích cho những người muốn giảm cân. Lý do là chất béo cung cấp nhiều calo hơn so với protein và carbohydrate. Cụ thể, 1 gam chất béo cung cấp khoảng 9 calo, trong khi 1 gam chất đạm và carbohydrate chỉ cung cấp 4 calo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể bằng cách giảm lượng chất béo sẽ giảm cân. Tuy giảm cân không nhiều nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe.
So sánh chế độ ăn kiêng low-carb và chế độ ăn kiêng low-fat
Chế độ ăn kiêng low-carb và low-fat là hai phương pháp giảm cân không còn xa lạ đối với chị em phụ nữ. Chế độ ăn kiêng low-carb thường có nhiều protein và chất béo. Khi lượng thức ăn được kiểm soát chặt chẽ, chế độ ăn ít chất béo sẽ có hiệu quả giảm cân như chế độ ăn low-carb. Đây là kết quả của một nghiên cứu nhỏ trên 19 người trưởng thành béo phì đã theo chế độ ăn kiêng trong phòng thí nghiệm trong 2 tuần. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu ở những người sống tự do, chế độ ăn ít chất béo kém hiệu quả hơn chế độ ăn low-carb.
Chế độ ăn ít chất béo sẽ có hiệu quả giảm cân như chế độ ăn low-carb khi lượng thức ăn được kiểm soát chặt chẽ
Để giải thích điều này, các chuyên gia cho biết chế độ ăn kiêng low-carb thường liên quan đến chất lượng thực phẩm tốt hơn. Những người theo chế độ ăn kiêng low-carb có xu hướng tập trung vào thực phẩm chưa qua chế biến, chưa qua tinh chế như rau, trứng, thịt và cá. Họ cũng thường từ bỏ đồ ăn vặt chứa nhiều đường và tinh bột tinh chế. Ngoài ra, chế độ ăn kiêng low-carb sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất xơ và protein hơn so với chế độ ăn ít chất béo.
Một chế độ ăn low-carb phù hợp có thể thúc đẩy giảm cân bằng cách:
- Giúp bạn giảm lượng calo nạp vào cơ thể: Ăn nhiều protein hơn có thể giúp giảm lượng calo bằng cách ngăn chặn sự thèm ăn và tăng lượng calo đốt cháy;
- Tăng cảm giác no: Ăn thực phẩm giàu chất xơ làm tăng cảm giác no, giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể;
- Giúp bạn chống lại cảm giác thèm ăn: Chế độ ăn low-carb có thể giúp bạn hạn chế được cảm giác thèm ăn đường và carbohydrate.
Do đó, chế độ ăn kiêng low-carb có hiệu quả vì nó giúp thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Ngược lại, theo một chế độ ăn ít chất béo mà không chú trọng đến chất lượng thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng ăn đồ ăn vặt chứa nhiều đường và carbohydrate tinh chế.
Người theo một chế độ ăn ít chất béo cần chú trọng đến chất lượng thực phẩm
Chế độ ăn ít chất béo có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim không?
Ngày nay, nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ đáng kể nào giữa chất béo bão hòa và nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch nhờ tác dụng chống viêm của chất béo không bão hòa.
Chế độ ăn ít chất béo khuyến nghị mọi người nên hạn chế ăn chất béo dưới 30 phần trăm tổng lượng calo. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng giảm tổng lượng chất béo không cải thiện sức khỏe tim mạch. Ăn quá ít chất béo cũng có thể ảnh hưởng xấu đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Chế độ ăn ít chất béo có thể làm giảm cholesterol tốt và tăng chất béo trung tính trong máu, là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Chế độ ăn ít chất béo không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để giảm cân. Chế độ ăn kiêng low-carb thường hiệu quả hơn chế độ ăn kiêng ít chất béo. Đồng thời, nói chung, giảm lượng chất béo không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy, thay vì lo lắng về việc tiêu thụ toàn bộ chất béo, hãy tập trung vào việc cải thiện chất lượng chế độ ăn uống của bạn nhé.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp